Dẫn lối về nguồn cội

- Người Dao Tiền ở Trung Hà (Chiêm Hóa) tin rằng mỗi người sinh ra đều có một sợi dây tâm linh gọi là “xỉn lảng”. Đó là sợi dây vô hình giúp đứa trẻ hiểu tiếng nói Dao, lớn lên học chữ Dao nhanh hơn, hát Páo dung hay hơn, tha thiết hơn. Người Dao dùng “xỉn lảng” để kết nối, nhắc nhở nhau biết ơn tổ tiên, gốc gác mình. Người già lẫn người trẻ có cách làm riêng để ai đó dù có xuôi ngược về đâu vẫn luôn dẫn lối tìm về nguồn cội.

“Bùa Zhiang” của người Dao

“Thủy tổ người Dao là Long Khuyển/Thiên cung giáng hạ xuống trần gian/Thời đó Bình Hoàng đang ngồi Triệu/Bỗng nhiên Long Khuyển trời giáng hạ/Xuống trước sân rồng Điện nhà vua/Mình dài ba thước lông đen nhánh/Như nhung có vân vàng kỳ dị/Bình Hoàng nom thấy rất là thích/Bèn sai đưa vào nuôi trong cung…”.

Hầu hết những bài thơ, truyện cổ, tích truyện... khi được nghe vài lần là ông Bàn Văn Minh có thể vừa ngẫm nghĩ, vừa đọc lại mà không sót chữ nào. Ông bảo đó là lời lẽ được chắt lọc bao đời, cha ông mình trân quý, gìn giữ thì mình cũng phải tìm cách để nó tự thấm, chạy vào từng mạch máu, hòa vào từng thớ thịt. Đó như là một phần của cơ thể, nếu bị mai một, lãng quên thì ông đau như bị cây gai, mũi kim đâm vào da thịt.

Ông Bàn Văn Minh, thôn Piềng Ly, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) giải thích về ý
nghĩa tranh thờ cho bà con người Dao.

Sau khi đảm nhiệm 2 khóa làm Trưởng thôn Piềng Ly, vì tuổi cao ông Bàn Văn Minh trao lại trọng trách đó cho người trẻ tuổi hơn. Và “như việc phải làm”, ông tự giao cho mình một nhiệm vụ mới, đó là tìm về văn hóa nguồn cội từ những cuốn sách cổ. Ông bảo rằng, qua dòng chảy thời gian, người Dao ghi lại kiến thức kinh nghiệm vào những trang giấy bằng tiếng Nôm Dao. Đó là những bài thuốc dân gian, bài cúng, lời giáo huấn và sự tích xa xưa… mà người Dao gọi là “bùa zhiang” (nghĩa là túi khôn). Ông tích cực sưu tầm, dịch sách để bà con cùng khám phá kho tàng kiến thức của đồng bào mình.

Hiện nay, ông Minh sở hữu gần 100 cuốn sách cổ. Tất cả đều được dịch ra tiếng Việt. Ông bảo, kho tàng thơ ca, truyện cổ, lời Páo dung… của người Dao là "kho báu", mà kho báu càng nhiều người biết đến, yêu thích nó thì càng quý, càng có giá trị. Vậy nên khi tìm được những cuốn sách cổ, ông dịch ra tiếng Việt để cho người Kinh, Tày, Cao Lan… cùng hiểu và trân trọng văn hóa dân tộc mình.

Thêm một điều đặc biệt nữa đó là để góp phần lan tỏa “kho báu”, nhiều năm qua ông trở thành người thầy rất đặc biệt của bà con bản làng. Chị Bàn Thị Nghĩa chia sẻ: “Trong những dịp lễ Tết, hội họp, quây quần chúng tôi đều được nghe truyện cổ, sự tích, thơ ca qua lời kể của ông Minh. Nào là ý nghĩa bức tranh thờ, vai trò các vị thần cai quản, ý nghĩa Lễ cấp sắc… Giọng nói trầm ấm, cách kể chuyện hóm hỉnh lôi cuốn khiến ai nấy đều mê hoặc, thích thú. Tình yêu văn hóa cứ thế lớn dần trong lớp trẻ chúng tôi”.

“Muốn biết vợ tốt…”

Người Dao có câu tục ngữ: “Muốn biết vợ tốt xem gác bếp, muốn biết vợ khéo ngắm áo váy”. Họ quan niệm rằng, một người phụ nữ được xem là khéo léo, đảm đang trước hết phải là người thành thạo làm trang phục từ việc dệt vải, nhuộm chàm, chấm váy, thêu hoa văn… Trong tiềm thức mỗi người phụ nữ nơi đây luôn coi trọng việc tự làm trang phục dân tộc. Bởi đối với người Dao, trang phục không chỉ là cái mặc mà còn là của cải gia truyền.

Khoác trên người bộ trang phục dân tộc nguyên bản, bà Hoàng Thị Phúc, thôn Lăng Chua chia sẻ, trang phục của người phụ nữ Dao Tiền có nhiều khác biệt đòi hỏi cao sự kỳ công, tỉ mỉ, chịu thương chịu khó ở đôi bàn tay và tấm lòng của người phụ nữ. Điều làm nên sự khác biệt trong trang phục người Dao là công đoạn chấm váy in hoa văn. Đó không chỉ là hình thức trang trí mang giá trị thẩm mỹ mà ẩn chứa đằng sau đó là những câu chuyện tâm linh đầy ý nghĩa. Bởi bộ váy áo đẹp luôn có sức lôi cuốn, vật dẫn đường để con cháu và tổ tiên giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng. Do đó thế hệ như bà không ai bảo ai đều gắn cho mình trách nhiệm giữ gìn điều thiêng liêng ấy.

Bấy lâu nay, người Dao Piềng Ly, Khuổi Đinh, Lăng Chua… xã Trung Hà quen với hình ảnh những người phụ nữ như Lý Thị Yên, Hoàng Thị Phúc, Lý Thị Nghiệp, Bàn Thi Viên nhiệt tình truyền dạy kỹ thuật chấm váy in hoa văn bằng sáp ong cho lớp trẻ.

Bà Lý Thị Yên tâm sự rằng: “theo nhịp sống sôi động hiện đại có nhiều điều lớp trẻ quan tâm nhưng lại lãng quên đi văn hóa truyền thống thì đó là lỗi của người già như mình rồi. Mình phải biết kéo con cháu về gần bên để bảo ban, khuyên răn. Vậy là “người thầy” phải tự đi tìm “học trò”, tìm người truyền dạy bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm với văn hóa dân tộc”.

Từ bao năm nay khi rảnh rỗi, bà Yên đều tìm học trò cho mình rồi thủ thỉ, hướng dẫn cách làm trang phục, đặc biệt là tạo hình hoa văn lên váy áo. Nhất là dịp lễ Tết khi bọn trẻ được nghỉ, bà sẵn sàng giành hết buổi để cùng các cô gái thực hành chấm hoa văn bằng sáp ong. Tất cả các “lớp học nhỏ” của bà Yên, bà Phúc, bà Nghiệp, bà Viên… đều hoàn toàn miễn phí. Dẫu có lúc chỉ có 2, 3 hoặc 5, 6 học viên thế nhưng các “cô giáo” đều dành trọn tâm huyết cho học trò của mình.

Chị Dương Thị Trâm, thôn Piềng Ly là học trò của bà Yên. Chị Trâm chia sẻ, theo học bà Yên được thời gian dài thì chị mới biết chấm váy in hoa văn bằng sáp ong. Đây là công đoạn khó đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì tập trung cao. Ngay từ bước đầu khi nấu sáp ong đòi hỏi kỹ thuật với yêu cầu khó là phải nấu tan chảy nhưng lại không được quá nóng để khi in không bị lan ra vải. Kỹ thuật dùng lá chít tạo ra các hình thù là bước khó với biết bao lần trải nghiệm thất bại. Để hoàn thiện các công đoạn là cả một quãng đường dài mà cần sự chăm chỉ, kiên trì và quyết tâm. Người phụ nữ thực hiện các hoa văn trang trí cũng chính là rèn luyện để hoàn thiện phẩm cách của mình.

Hiện nay, ở Trung Hà, phụ nữ biết làm hoa văn làm trang phục khá nhiều. Trong đó thế hệ trẻ như chị Dương Thị Trâm, Ma Thị Lỷ, Lý Thị Thơm… trở thành lớp kế cận để mai này sẵn sàng truyền lại cho con cháu mình.

Kết nối sợi dây tâm linh

Người Dao Tiền nơi đây tin rằng mỗi người sinh ra đều có một sợi dây tâm linh gọi là “xỉn lảng” để kết nối, nhắc nhở nhau hướng về tổ tiên, gốc gác mình. Và sợi dây ấy đã dẫn dắt người trẻ có cách làm riêng để giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc mình.

Anh Bàn Văn Nam, thôn Bản Tháng, xã Trung Hà (Chiêm Hóa), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Dao Trung Hà (Chiêm Hóa) cùng thành viên các Câu lạc bộ thực hiện làm trang phục người Dao.

Năm nay hơn 30 tuổi  nhưng lời nói của Bàn Văn Nam, thôn Bản Tháng có sức nặng như đá. Bởi anh là người am hiểu văn hóa Dao, biết chữ Nôm Dao, nắm rõ từng nghi lễ thờ cúng. Ở bản làng hay về tận Hà Nội, chàng trai 8x tạo ấn tượng với vẻ ngoài chắc nịch, thường khoác chiếc áo dân tộc một cách hãnh diện và tự tin.

Để giúp thế hệ trẻ thêm yêu quý văn hóa dân tộc, Bàn Văn Nam đã nhiều lần liên hệ, chủ động mời các câu lạc bộ, đội văn nghệ Dao ở Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình… về Trung Hà để giao lưu. Những tiết mục Páo dung, điệu múa, trích đoạn cấp sắc… lần lượt biểu diễn trước sự chứng kiến, cổ vũ nhiệt tình của người dân trong bản.

Bên cạnh đó, chàng trai trẻ đã mạnh dạn viết đơn lên xã xin thành lập Câu lạc bộ văn hóa Trung Hà. Câu lạc bộ có hơn 40 thành viên gồm những hạt nhân văn nghệ của xã. Người thì biết chữ Nôm Dao, người biết hát Páo dung, biết múa làn điệu dân tộc, người thì biết thêu thùa, chấm hoa văn... Anh Triệu Văn Năm, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, Câu lạc bộ là nơi bà con sinh hoạt văn hóa. Ngay khi có dịp, người trẻ, người già thường quây quần để dạy nhau về chữ Nôm Dao, dạy hát, thêu thùa. Được gặp gỡ, chia sẻ tình cảm  mọi người xích lại gần nhau hơn, thêm yêu quý tự hào nét đẹp văn hóa.

Trung Hà hiện có 5 homestay. Trong đó có Homestay “Kềm Miền” của Bàn Văn  Nam. Với dự định phát triển du lịch gắn với giới thiệu quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc. Nam “bật mí” rằng, trong thời gian ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, Câu lạc bộ đã luyện tập được hàng chục tiết mục để biểu diễn miễn phí chào đón du khách trở lại tham quan, trải nghiệm Khu du lịch sinh thái Thác Bản Ba Trung Hà. Đến với Homestay “Kềm Miền” du khách được nghe hát Páo dung, xem múa cấp sắc, tham gia trải nghiệm làm trang phục truyền thống. Dự kiến sắp tới anh tiếp tục đầu tư phòng nghỉ, mở ra nhiều hướng đi mới trong phát triển du lịch.

Người Dao Trung Hà vẫn tự hào mà nói rằng, bên cạnh dòng chảy mãnh liệt của thác Bản Ba thì nơi đây còn có dòng chảy khác. Đó là dòng chảy văn hóa với làn điệu Páo dung da diết, điệu múa truyền thống huyền bí, Lễ cấp sắc linh thiêng… Dòng chảy ấy êm đềm, hiền hòa như hàng trăm mạch ngầm từ rừng sâu ngày đêm róc rách đổ vào khe núi rồi tuôn trào đến những con suối, hòa mình ôm ấp chở che bản làng. Người Dao nơi đây mỗi người một cách làm khác nhau với kỳ vọng giữ trọn nét đẹp văn hóa bao đời.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục