“Đầu xuôi, đuôi lọt”

- Theo phong tục từ xa xưa, ngày khai xuân, khai bút, xuất hành, khai trương mở hàng bắt đầu sau năm mới là vô cùng ý nghĩa và quan trọng. Chọn được ngày đẹp, giờ tốt để thực hiện sẽ giúp cho mọi công việc, làm ăn suôn sẻ, “xuôi chèo mát mái”, “đầu xuôi đuôi lọt”, thuận lợi trong suốt một năm mới. Và tại các gia đình làm nghề gia truyền cũng có những tục lệ khai xuân đầu năm riêng biệt mang theo những ước vọng.

Tiếp lửa đầu năm

Cứ vào khoảng mùng 6 tháng Giêng dịp đầu năm anh Đinh Lệnh Đức, chủ cơ sở lò rèn Đức Thắng Km 23, xã Đức Ninh (Hàm Yên) khai xuân lò rèn. Anh bảo, theo quan niệm số 6 tượng trưng cho chữ “lộc”. Từ xa xưa các cụ đã chọn ngày này là ngày “đỏ lò” đầu năm với hy vọng một năm mới làm ăn nhiều lộc, may mắn, thuận lợi.

Thủ tục “đỏ lò” được thực hiện từ sáng sớm với nghi lễ hết sức giản đơn. Đó là tiếp lửa vào than củi cháy rồi bén đến than đá, trong bỗng chốc lò lửa đỏ rực. Lửa được duy trì suốt cả buổi sáng, gia chủ bắt đầu đập những quai búa đầu tiên mang theo ước vọng một năm mới làm ăn phát đạt, thuận lợi.

Anh Đinh Lệnh Đức chia sẻ, những năm 2000, khi ấy anh vừa xuất ngũ, tuổi đời mới ngoài đôi mươi nên giấc mơ được vượt ra khỏi lũy tre làng đau đáu trong anh. Nhưng vì thực hiện chữ hiếu, trọn vẹn tâm huyết của người cha nên anh đã theo nghiệp gia truyền này. “Nghề không phụ người”, giờ đây anh Đức đã có cơ ngơi đàng hoàng, cơ sở phát triển khi anh nhanh nhạy bắt kịp công nghệ. Không chỉ lấy uy tín, chất lượng để chinh phục người tiêu dùng, kỳ công hơn, anh Đức lập một Website, đồng thời mở thêm các gian hàng trên trang thương mại điện tử Shopee để giới thiệu các sản phẩm và giúp khách hàng ở xa đặt hàng được dễ dàng hơn. Nhờ đó, khách hàng càng mở rộng, ngoài lượng khách ở trong huyện, anh đã có thêm nhiều khách hàng quen ở khắp cả nước.

Từ mùng 3 tháng Giêng bà Trịnh Thị Huệ đỏ lửa bếp để làm bánh đầu năm mới.

Những năm vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thế nhưng cơ sở sản xuất của anh không ảnh hưởng nhiều lắm. Bởi uy tín, chất lượng tạo nên thương hiệu nên khách hàng gần xa vẫn tìm cách mua để được sử dụng sản phẩm rèn gia truyền. Chia sẻ về ước nguyện năm mới anh Đức vui vẻ nói: “Mong năm nay dịch bệnh sớm được đẩy lùi. Nhà nhà người người mạnh khỏe, chúng tôi lại được đón nhiều khách hàng đến tận cơ sở để lựa chọn sản phẩm ưng ý, trao đổi, chuyện trò thay vì phải ship hàng qua bưu điện như thời gian qua”.

Còn đối với bà Trịnh Thị Huệ, thôn Vân Giang, xã Xuân Vân (Yên Sơn) lò làm bánh dày gấc gia truyền của bà cũng đỏ lửa khai xuân ngay từ mùng 3 tháng Giêng hàng năm. Bà chia sẻ, gia đình bà “đỏ lửa” lò sớm để làm mẻ bánh thơm, ngon, đẹp mắt đầu tiên trong năm mới để dâng lên tổ tiên. Đó là sự tưởng nhớ, lòng thành kính nhớ đến người đã khuất. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn nên thành tâm dâng lễ gửi gắm ước vọng một năm mới an vui, hạnh phúc. Chính vì vậy, không chỉ gia đình bà Huệ thắp hương bánh dày gấc mà năm nào các hộ gia đình xung quanh cũng đến nhà bà để mua bánh để dâng lễ rồi thụ lộc đầu năm mới.  
Điều đặc biệt, bà Huệ luôn giữ cho lò bếp nhà mình đỏ lửa suốt từ mùng 3 Tết. Căn bếp luôn ấm áp, xua đi giá rét, con cháu quây quần bên bếp lửa đầu năm mới, rôm rả chuyện trò để cùng nhau làm những mẻ bánh đầu tiên.

“Mua may, bán đắt”

Người xưa quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt”, vì vậy người buôn bán, làm nghề luôn rất kỹ càng trong việc lựa chọn ngày tốt để khởi sự, mong công việc hanh thông, tấn tới.

Chị Trịnh Thị Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Nhật Minh, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) chia sẻ, từ mùng 8 cơ sở bắt đầu khai xuân. Chị chia sẻ: “Với việc mở hàng vào ngày đẹp, Hợp tác xã hy vọng sang năm mới dịch bệnh được ngăn chặn, doanh nghiệp làm ăn phát đạt, hanh thông, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động”.

Anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Đoàn Kết, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) thu mua cót trong ngày đầu năm mới.

Đến với xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) nổi tiếng với làng nghề đan cót. Anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Đoàn Kết, là thương lái trong thôn với nghề buôn cót đan 15 năm nay. Hàng năm, anh thường xem ngày đẹp để đến thu mua một mẻ hàng thủ công tại các gia đình làm lâu năm trong xã. Anh chia sẻ, vừa xem ngày đẹp vừa chọn người mở hàng đầu năm. Mọi việc được chuẩn bị kỹ lưỡng để việc mua bán diễn ra suôn sẻ, mua may bán đắt, vì đầu có xuôi thì đuôi mới lọt

Nghề truyền thống, sau một thời gian dài cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, vẫn khẳng định sức sống bền bỉ của mình. Điển hình như nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Lâm Bình luôn được gìn giữ, khôi phục, trở thành sản phẩm lưu niệm độc đáo. Chị Lý Thị Ngoan, hướng dẫn viên du lịch bản địa tại xã Lăng Can (Lâm Bình) chia sẻ, từ mùng 5 đến nay đã có 2 đoàn khách du lịch. Chị cũng tranh thủ giới thiệu các sản phẩm dệt thổ cẩm địa phương. Bà con rất vui vì ngay từ đầu năm đã có các vị khách phương xa đến mở hàng.

Nói về ước nguyện đầu năm mới của mình, Ngoan chia sẻ: “Em chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi. Mọi hoạt động trở lại bình thường, du lịch phát triển thì các sản phẩm thủ công truyền thống, quà lưu niệm sẽ được tiêu thụ nhanh chóng, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nơi đây”.

Năm mới mang đến bao khát vọng mới, hứa hẹn mới. Các hộ gia đình, làng nghề truyền thống bắt đầu những ngày đầu năm mới với rất nhiều ước nguyện. Chắc chắn rằng quãng thời gian 365 ngày của năm 2022 sẽ tạo ra nhiều thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ, người dân được ấm no, bình an.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục