Để dân giàu từ rừng

- Đến với rừng bắt đầu từ con số 0, nhưng những gì mà anh Lý Văn Đông, nguyên Đội trưởng Đội lâm nghiệp Đông Hữu và giờ là Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương) làm được không hề nhỏ. Cần mẫn gieo niềm tin và hy vọng, để những vùng đất trống đồi trọc được phủ xanh màu lá. Như cách Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương Nguyễn Hồng Thái ví von, thì anh giống như người đi gieo mầm xanh, để bao người được hưởng trái ngọt.

Duyên nợ


Anh Lý Văn Đông.

So với nhiều công nhân trong công ty theo nghề kiểu “cha truyền con nối”, thì anh Đông không phải là người có nhiều lợi thế. Cái duyên đến với nghề rừng của anh bắt đầu từ những ngày chăn trâu cắt cỏ.

Lý Văn Đông quê ở Tuân Lộ. Những năm 1995, khi đi thả trâu ở khu vực Khuôn Do, thấy cả một vùng đồi rộng hơn 1 ha đất của Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương bị bỏ không, thảng hoặc có người dân tận dụng để trồng sắn, trồng màu, anh sốt ruột lắm. Thời điểm này, cây lâm nghiệp chưa phải là cây trồng chủ lực. Đất lâm nghiệp nếu được phủ xanh chủ yếu là do các lâm trường thực hiện, người dân có nhận đất, thì hoặc để đấy, hoặc trồng màu để nhanh có thu nhập.

Năm 1996, khi Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương vận động các hộ gia đình quanh đấy nhận đất trồng rừng, không mấy ai mặn mà. Nhưng anh Đông đăng ký ngay. Hơn 1,3 ha đất trống được phủ bằng cây keo. Anh Đông nhớ lại, thời điểm đấy, ngày nào anh cũng lên rừng. Đến kỳ thì làm cỏ, phát dọn, bón phân, tỉa cành. Nhờ thế, khoảnh rừng gia đình anh trồng phát triển tốt, đạt sinh khối gỗ lớn nhất toàn vùng. Bình quân, mỗi ha rừng của bà con quanh vùng chỉ đạt khoảng 90 m3/ha, cùng lắm là 110 - 120 m3, thì đến năm 2006, 1,3 ha rừng của gia đình anh khi khai thác đạt 238 m3, thu về trên 130 triệu đồng.

Anh bảo, đến lúc ấy, anh mới thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây...”. Thấy giá trị từ rừng, và để hiểu hơn về những kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây rừng, anh Lý Văn Đông quyết định theo học tại Trường Công nhân kỹ thuật lâm nghiệp ở Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Năm 2003, Công ty lâm nghiệp Sơn Dương nhận anh vào làm bảo vệ rừng tại Đội lâm nghiệp Đông Hữu, xã Đông Thọ. Năm 2005 anh được giữ chức đội phó và ngay sau đó là quyền đội trưởng, đến năm 2008 thì chính thức là Đội trưởng Đội lâm nghiệp Đông Hữu.

Tôi ngạc nhiên, hỏi vì sao lại có sự thăng chức “thần tốc” như vậy với một người hoàn toàn ngoại đạo với lâm nghiệp? Anh Đông cười bảo, có lẽ công ty ghi nhận những đóng góp, những cách làm của anh với người nông dân Đông Thọ và các xã lân cận trong việc phủ xanh đất trống đồi trọc.

Nhân lên màu xanh

Suốt quá trình hơn 17 năm công tác tại Đội lâm nghiệp Đông Hữu là chừng ấy thời gian anh Lý Văn Đông bám dân, vì dân để có những đề xuất, kiến nghị vừa có lợi cho dân, vừa có lợi cho doanh nghiệp.

Anh Đông nhớ lại, những năm 2005 trở về trước, rừng chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước quản lý. Tình trạng chặt phá, khai thác trái phép rừng trồng của doanh nghiệp xảy ra ở hầu hết các địa phương, doanh nghiệp thấy nhưng rất khó kiểm soát do lực lượng mỏng, hầu hết diện tích lại nằm trong dân. Thời điểm này, anh Đông cùng với anh em trong đội thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nhận trông coi rừng chứ không muốn tập trung vào việc kiểm soát, bắt bớ người vi phạm.

Niềm vui của người nhận khoán rừng tại thôn Làng Mông, xã Đông Thọ (Sơn Dương).

Khi đang là Đội phó Đội Lâm nghiệp Đông Hữu, anh đề xuất với công ty giao lại diện tích rừng trồng quốc doanh cho người dân trông coi bảo vệ theo đơn giá 50 nghìn đồng/ha và được Công ty lâm nghiệp Sơn Dương đồng ý. Chỉ sau 1 năm, ở Đội lâm nghiệp Đông Hữu đã có hơn 300 hộ dân ký hợp đồng bảo vệ rừng. Đây cũng là đội lâm nghiệp tiên phong của Công ty lâm nghiệp Sơn Dương thực hiện giao khoán bảo vệ rừng theo hình thức này. Và sau này, nó được nhân rộng tại tất cả các đội lâm nghiệp trên địa bàn.

Sau khi khai thác, năm 2006, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện chủ trương liên doanh với người dân trồng rừng. Đã có hơn 500 hộ dân thuộc các xã Đông Thọ, Cấp Tiến, Quyết Thắng tham gia thực hiện. Nghe đơn giản, hiệu quả vậy, nhưng với anh Lý Văn Đông, đó là cả một  quá trình dài vừa lắng nghe mong muốn của dân, vừa vận động, thuyết phục.

Có thời điểm ở Đông Thọ, cả làng bỏ không ai trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Anh Đông trực tiếp về làng, vừa làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, vừa vận động người dân nhận khoán. Anh bắt đầu với các Trưởng thôn, bí thư chi bộ. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn làng Mông Lâm Văn An ngày ấy từ chối. Cái lý của người đàn ông này là ở cái thôn này, bao đời nay có ai giàu lên từ rừng đâu. Chưa nói đến giàu, có thu nhập từ rừng cũng đã là chuyện khó. Ông An không nhận. Nhưng suốt một tháng trời, ngày nào anh Đông cũng tỉ tê kể chuyện chăm rừng, rồi biết bao cái lợi từ giữ rừng có được. Rừng giữ được đất, giữ được mạch nước nguồn. Rừng bảo vệ dân làng khỏi mưa bão gió lốc, rồi cả lợi ích về môi trường về lâu dài cho thế hệ con cháu… Nói mãi, đến khi ông An nhận khoán gần 7 ha mới thôi.

Ở thôn có anh Vương Xuân Kiều lúc này vừa xuất ngũ trở về địa phương, anh Đông nhận thấy, cái khí chất của người lính rất phù hợp với việc này. Anh lân la làm thân, trò chuyện, sẻ chia những câu chuyện thường nhật, rồi... chốt lại là anh Kiều nhận khoán bảo vệ hơn 53 ha rừng cho công ty.
Cách làm ấy được anh áp dụng với hầu hết các thôn, các xã trong vùng. Ở Đông Thọ, Cấp Tiến, Quyết Thắng, đã có không ít triệu phú, tỷ phú rừng từ chính sách giao khoán bảo vệ, rồi liên doanh trồng rừng do anh Lý Văn Đông vận động.

Ông Lâm Văn An vừa rồi vừa thu về hơn 700 triệu đồng từ bán rừng trồng chu kỳ đầu tiên. Anh bộ đội xuất ngũ Vương Xuân Kiều cũng đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang từ bán rừng. Ở Đá Trơn, ông Âu Văn Sen nhận khoán 8 ha cũng đã đổi từ ngôi nhà sàn sang ở nhà xây, hay ở Đông Khê, ông Hầu Văn Giám cũng đã di chuyển chỗ ở từ một xóm đi lại khó khăn ra trung tâm xã nhờ tiền bán rừng. Ở Cấp  Tiến, những triệu phú như Sầm Văn Cấp, Đỗ Doanh Lưu, Lý Văn Tiến... cũng giàu lên từ chính những cánh rừng mà một thời họ “ngoảnh mặt làm ngơ”.

Khi được hỏi, anh có diện tích rừng liên doanh với công ty không? Anh Đông gật đầu, bảo mình có nhận khoán khoảng 6 - 7 ha và nhận lại những diện tích mà người dân nhận khoán nhưng không thực hiện được khoảng 20 ha nữa, chủ yếu nằm ở những vị trí đường giao thông không thuận tiện, đi lại khó khăn, khó thi công. Anh bảo, việc vận động người dân nhận chăm sóc, bảo vệ, liên doanh là cả một quá trình dài, nên cái gì có lợi cho dân mình ưu tiên để bà con nhận trước. Còn lại những diện tích nằm ở vị trí khó khăn hơn thì mình nhận chủ yếu để quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp cho doanh nghiệp.

Lý Văn Đông từng là 1 trong 52 cá nhân được biểu dương nhờ gương mẫu, làm tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013. Với anh, học Bác giản dị nhất, chính là học đức tính gần dân, vì dân. Dân yêu rừng, bảo vệ rừng, có thu nhập từ rừng, tức là mình thành công!

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục