Điểm hẹn Pác Cáp

- Pác Cáp, xã Phù Lưu (Hàm Yên) đón chúng tôi trong tiết trời se lạnh, phảng phất những hạt mưa bay. Tiếng hát Then, đàn Tính vang vọng. Mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với đất đai trù phú, khí hậu mát mẻ nằm dưới chân dãy núi Cham Chu là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm và nghỉ dưỡng trong tương lai.

Mảnh đất giàu tiềm năng

Trưởng thôn Trần Văn Thế phấn khởi dẫn chúng tôi đi tham quan phong cảnh Pác Cáp. Anh Thế cho biết, trước sự đô thị hóa và phát triển xã hội hiện đại nhưng đồng bào dân tộc thiểu số ở Pác Cáp vẫn lưu giữ, bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống. Thôn Pác Cáp có 65 hộ, với 319 nhân khẩu. Thôn có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Tày chiếm trên 95% đã tạo cho Pác Cáp một nền văn hóa phong phú, từ không gian kiến trúc nhà, trang phục, lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc các dân tộc nơi đây.

Cán bộ thôn Pác Cáp tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay tham gia xây dựng Làng Văn hóa các dân tộc.

Theo dọc lối vào thôn, những nếp nhà sàn ẩn hiện bên đồi cam, vườn chanh trĩu quả. Đây cũng là niềm tự hào của người dân nơi đây, bởi nó mang đậm nét văn hóa độc đáo của người Tày thôn Pác Cáp. Toàn thôn có 35 ngôi nhà sàn, trong đó có 15 ngôi nhà sàn cổ bằng gỗ đã được xây dựng từ 40 đến 60 năm tuổi, còn lại được cách điệu, đổi mới bằng những ngôi nhà sàn bê tông kiên cố, vững chãi.

Bước từng bậc cầu thang lên ngôi nhà sàn gỗ hơn 50 năm của gia đình ông Trần Văn Chinh, cảm nhận được cả mùi thời gian còn vương trên từng bậc cầu thang, từng khung cửa sổ. Ông Chinh bảo, nhà sàn của người Tày thường có 5 gian (3 gian, 2 chái), mỗi gian có một chức năng riêng biệt. Gian đầu là nơi chủ nhà tiếp khách; gian giữa để thờ cúng tổ tiên phù hộ cho gia đình được ấm no, hạnh phúc viên mãn; gian thứ tư thường là gian bếp; các gian phụ để giường ngủ, sinh hoạt, để thóc lúa... Để xây dựng được ngôi nhà này phải mời thợ tay nghề cao. Những cột kèo kết nối với nhau một cách khéo léo mà không cần dùng đến một cái đinh. Hiện nay, người dân trong thôn đang bảo nhau giữ gìn những ngôi nhà cổ, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên và trồng thêm nhiều hoa, cây xanh để sẵn sàng đón tiếp du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm.

Dừng chân bên con suối Mạ Héc, anh Thế chia sẻ, thác Mạ Héc  từ trên đỉnh núi Cham Chu đổ về cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ cuộc sống và nuôi dưỡng cây trồng, vật nuôi của 4 thôn trong xã Phù Lưu: Thôm Táu, Pá Han, Bản Ban và Pác Cáp. Thác Mạ Héc mang vẻ đẹp tiềm ẩn, nguyên sơ, cùng sự thuần khiết, trong lành của núi rừng Cham Chu. Hiện huyện đã lên kế hoạch xây dựng các cọn nước, điểm “Check-in”, tham quan, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ phục vụ du khách tại khu vực thác Mạ Héc.

Nghe nói đến thác Mạ Héc đã lâu, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ năm nay, chị Phạm Thị Minh Lan, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) mới cùng gia đình đến tham quan thác Mạ Héc. Chị bị cuốn hút bởi vẻ đẹp thiên nhiên, hoang sơ, thơ mộng của dòng thác mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây. Đến đây, gia đình chị được đắm mình vào làn nước trong xanh, tìm hiểu về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, hai bên thác là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, phong phú. Tuy nhiên, hiện khu vực thác vẫn còn hoang sơ, chưa có các hoạt động dịch vụ phục vụ, chị hy vọng sẽ có một dịp gần nhất được quay trở lại nơi đây để khám phá, trải nghiệm hết cảnh sắc tuyệt đẹp nơi đây.

Điểm hẹn Pác Cáp

Với mục tiêu xây dựng thôn Pác Cáp trở thành một địa chỉ du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày gắn với khai thác, phát huy hệ thống thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân, tháng 12-2021, UBND huyện Hàm Yên ban hành Đề án xây dựng Làng Văn hóa các dân tộc thôn Pác Cáp. Theo đó, thời gian tới, khi đến với làng văn hóa, du khách sẽ được tham quan, khám phá các vườn cây ăn quả, rừng gỗ nghiến cổ thụ, vườn chè Shan Tuyết, khu thác Mạ Héc; trải nghiệm cuộc sống nhà nông, tham gia làm các món ăn, đồ uống của dân tộc; tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Tày như hát Then, đàn Tính, các điệu múa, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống... Xây dựng thành công làng văn hóa sẽ tạo điểm nhấn trong bức tranh du lịch của huyện trong thời gian tới.

Câu lạc bộ hát Then đàn Tính thôn Pác Cáp duy trì luyện tập góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Tày.

Kinh phí thực hiện Đề án gần 46 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 14,6 tỷ đồng, còn lại huy động nguồn lực của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Việc triển khai Đề án được thực hiện theo các giai đoạn cụ thể. Từ nay đến hết năm 2022, huyện sẽ triển khai các hoạt động khởi động đề án, với các nội dung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng; chỉnh trang nhà, khuôn viên các hộ dân; xây dựng các tuyến đường lên thác Mạ Héc; nâng cấp hệ thống điện đường trục thôn và lắp hệ thống điện đường các ngõ trong thôn; tổ chức cho các hộ gia đình làm homestay đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình làm du lịch cộng đồng, tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch; thành lập Câu lạc bộ hát Then thôn Pác Cáp; phục dựng một số hoạt động văn hóa dân gian của dân tộc Tày: Lễ cầu an, lễ mừng cơm mới, các trò chơi dân gian: Nhảy lửa, tung còn, kéo co, đánh quay, đi cà kheo… Giai đoạn 2023 - 2025, huyện tiếp tục triển khai phương án làm hạ tầng, cảnh quan và công trình; tổ chức đào tạo, tập huấn, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, các hoạt động quảng bá, kết nối du khách.

Mong muốn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc không bị mai một, ông Hà Đức Tăng, thôn Pác Cáp chia sẻ, ông và đa số người dân trong thôn rất ủng hộ việc xây dựng Làng Văn hóa các dân tộc tại thôn. Tuy nhiên, người dân nơi đây chưa biết cách làm du lịch cộng đồng một cách cụ thể, bài bản. Ông cũng như các hộ dân trong thôn rất mong muốn các cơ quan, đơn vị có liên quan của huyện cũng như của tỉnh, xem xét sớm tổ chức cho đại diện hộ tham gia làm du lịch cộng đồng đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các đơn vị bạn đã làm mô hình du lịch hiệu quả, giúp ông và gần 20 hộ đăng ký tham gia làm du lịch cộng đồng bắt kịp xu hướng, làm du lịch bài bản, hiệu quả.

Đồng chí Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tăng cường tuyên truyền hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các cấp, các ngành về vai trò phát triển du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch du lịch và chức năng quản lý nhà nước theo quy hoạch; quy hoạch các tuyến, điểm du lịch phục vụ du lịch, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và thông tin để hỗ trợ các nhà đầu tư và kêu gọi đầu tư, khai thác du lịch gắn với xây dựng đô thị du lịch sinh thái xanh - sạch - đẹp - văn minh.

Trưởng thôn Pác Cáp Trần Văn Thế háo hức, trong tương lai không xa, Pác Cáp sẽ trở thành một điểm đến thú vị, hấp dẫn khách du lịch, trở thành địa chỉ có mặt trong các tua tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, nhiều việc phải làm song sự quyết tâm, đồng lòng, chung tay của mỗi người dân Pác Cáp sẽ phát huy sức mạnh, từng bước xây dựng Làng Văn hóa Pác Cáp trở thành nơi đáng sống.

Ghi chép: Vân Anh

Tin cùng chuyên mục