Giữ rừng mãi xanh

- Mùa này, non nước Lâm Bình đẹp như tranh. Những dãy núi trùng trùng, điệp điệp in bóng xuống mặt hồ tạo nên màu xanh bất tận. Nhưng ít ai biết, để giữ màu xanh ấy, những cán bộ kiểm lâm, nhân viên tuần rừng đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả, nguy hiểm...

Hy sinh thầm lặng

Hẹn mãi, tôi mới có dịp tham gia tuần rừng khu vực lòng hồ cùng với cán bộ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình để tận mắt chứng kiến công việc, cuộc sống của các anh. Sau gần 2 giờ lênh đênh, chúng tôi đã đến trạm Song Long, nơi ở và làm việc của kiểm lâm và nhân viên tuần rừng khu vực lòng hồ. Anh Ma Văn Tuấn, Trưởng Trạm Kiểm lâm Song Long, đón chúng tôi với nụ cười luôn thường trực, anh bảo: “Từ đầu năm đến giờ, em là người khách đầu tiên xông nhà cho các anh”. Nói thì nói vui vậy, mà cũng không có gì lạ đâu, ở nơi xa xôi này, đi lại vất vả chắc cả năm cũng chỉ có 1, 2 người tới thăm. Điều gây sự chú ý nhất của tôi khi đặt chân vào trạm là những chai nước được khoét lòng treo trên cửa sổ. Thì ra, đây là nơi các anh để điện thoại và là nơi duy nhất có sóng rơi.

Cán bộ Kiểm lâm Hạt kiểm lâm Lâm Bình xác định phương hướng qua phần mềm Locusmap được cài đặt trên điện thoại tại khu vực giáp ranh xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê (Hà Giang).

Công việc của các anh thường bắt đầu từ 6h sáng, 1 tháng theo lịch sẽ có 6 buổi phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ tuần tra kiểm tra rừng, những ngày còn lại, các anh sẽ phân công theo tuyến như: Khuổi Chè, Nà Kiền, khu giáp ranh xã Phúc Yên, Tát Chiên…, đảm bảo không bỏ sót những khu vực trọng điểm. Các buổi đi tuần rừng các anh thường đi từ sáng đến chiều muộn mới về đến trạm, các thành viên trong đoàn sẽ chủ động mang cơm theo để ăn luôn trong rừng, riêng đối với khu vực Phiêng Luông (Hà Giang) thì mọi người phải ở lại qua đêm.

Việc giữ rừng ở trên đất liền đã khó, giữ rừng ở lòng hồ lại càng khó khăn. Đặc biệt, ở khu vực lòng hồ hầu hết là diện tích rừng phòng hộ, có nhiều cây gỗ quý như: Nghiến, trai lý, Bách xanh nên việc quản lý sẽ cẩn thận và nghiêm ngặt hơn. Hơn nữa, hạn chế về đi lại, thông tin cũng là một khó khăn nhất định. Trên hồ không có sóng điện thoại, nên khi đi tuần gặp phải những tình huống xấu sẽ phải tự mình xử lý. Anh Tuấn vẫn còn nhớ, năm 2020 khi anh bắt vụ khai thác trộm quế ở khu Thôm Côm, hôm đó anh đi tuần 1 mình và gặp đối tượng ở giữa hồ. Khi bị phát hiện, đối tượng manh động làm mọi cách để anh đâm thuyền vào thuyền của chúng. Nếu anh không xử lý khéo, thuyền bị chìm, chúng sẽ ăn vạ và tranh thủ phi tang luôn tang vật. Vụ đó, anh đã nhanh trí lái thuyền tránh sang bên, nhanh chóng tiếp cận và lập biên bản, thu tang vật.

Cán bộ kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Lâm Bình tuần rừng tại khu vực Song Long.

Sau bữa cơm trưa, dù mọi người giục tôi đi nghỉ cho đỡ mệt nhưng tôi vẫn cố nán lại để nói chuyện với anh Tuấn, để tìm hiểu thêm về cuộc sống của các anh ở nơi đây. Anh háo hức khoe với tôi những chậu phong lan được anh chăm sóc cẩn thận, chỉ cho tôi chỗ các anh trồng rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn. Tôi cũng biết, nếu công việc thuận lợi, rừng bình yên mọi người sẽ thay phiên nhau trực để mỗi người 2 tuần sẽ được về nhà 1 lần, nhưng cũng có khi cả tháng mọi người mới được về thăm nhà. Khoảng cửa sổ nơi có sóng điện thoại là chỗ các anh gọi điện về cho gia đình mỗi khi màn đêm buông xuống để vơi nỗi nhớ.

Xanh màu hy vọng

Theo ông Hoàng Văn Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lâm Bình, năm 2011, khi tách từ huyện Na Hang, khu vực Trạm Song Long giáp ranh với xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê (Hà Giang), xã Sinh Long (Na Hang), địa phận Lâm Bình là tiếp nối giữa Phúc Yên với Khuôn Hà, dọc từ Song Long đến bến Bắc Chõm. Thời điểm đó, tình trạng khai thác rừng trái phép đã xảy ra trên khu vực lòng hồ. Trong 5 năm, lực lượng Kiểm lâm đã bắt, lập hồ sơ phối hợp khởi tố 2 vụ vi phạm khai thác lâm sản trái phép trên khu vực lòng hồ.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Lâm Bình đi tuần tại khu vực lòng hồ.

Là người trực tiếp tham gia phá vụ án khai thác gỗ nghiến năm 2016, anh Phan Thừa Hữu, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thổ Bình kể lại: “Cuối tháng 3-2016, trên khu vực lòng hồ xảy ra tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép. Khi đó, anh đang là kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Xuân Lập. Ngày 28-3, anh nhận nhiệm vụ di chuyển lên Trạm Song Long tham gia phá án. Anh đã cùng với đồng đội lập kế hoạch, làm công tác dân vận đối với người dân sinh sống gần khu vực lâm tặc khai thác gỗ để nắm thông tin. Sau nhiều ngày ăn, ngủ trên rừng, kiểm tra các tuyến đường, khoanh khu vực, rạng sáng ngày 2-4, anh cùng đồng đội chia làm 2 mũi, tiếp cận và bắt quả tang khi các đối tượng bắt đầu thực hiện hành vi khai thác gỗ. Với hơn 100 khối gỗ nghiến tại hiện trường, 5 đối tượng vi phạm đã bị khởi tố và xử phạt từ 3 - 6 năm tù giam.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, đặc biệt là sự chỉ đạo chuyên ngành của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Lâm Bình thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến giáp ranh giữa các huyện. Cùng với đó, ký cam kết xây dựng quy chế 3 bên giữa Kiểm lâm, Công an, Ban Quản lý rừng phòng hộ, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Từ đầu năm đến nay, đã có 50 hộ dân trên lòng hồ ký cam kết không khai thác tài nguyên rừng trái phép. Ngoài ra, chính sách giao khoán, bảo vệ gắn với phát triển kinh tế dưới tán rừng của huyện Lâm Bình đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên rừng trên địa bàn.

Theo chân mọi người đi tuần rừng tại khu vực giáp ranh với xã Thượng Tân, được tận mắt chứng kiến những cây gỗ nghiến vài trăm năm tuổi, những vách núi cheo leo hiểm trở, tôi càng thêm thấu hiểu, trân quý hơn công việc và những hy sinh thầm lặng của các anh. Trong tôi lại vang lên những câu thơ năm nào của tác giả Lê Xuân Tường: “Xin được viết về các anh/Những người bảo vệ rừng xanh/Những người bạn kiểm lâm trìu mến/Quãng đường rừng nào khó khăn, lại đến/Cho đại ngàn yên ả nở hoa...”

Phóng sự: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục