Hiến đất làm đường ở Mãn Sơn

- Gần 7 km đường nhựa chạy vòng quanh thôn Mãn Sơn, xã Vân Sơn (Sơn Dương), đường thôn như đường phố thị. Đó là kết quả của công tác dân vận khéo và sự đồng lòng hiến trên 24.000 m2 đất của hơn 70 hộ dân trong thôn thực hiện học và làm theo lời dạy của Bác, hy sinh lợi ích riêng, góp sức vì lợi ích chung. Chuyện hiến đất ở đây nhiều xúc động khi có những cá nhân vì mục tiêu phát triển lâu dài của thôn mà bớt đi phần tài sản đất đai của mình tặng hộ khó khăn hơn.

Sẵn sàng đổi đất để hiến làm đường

Đó là câu chuyện của bà Lê Thị Thanh, thôn Mãn Sơn. Bà Thanh bảo, chuyện thật như mơ, chưa bao giờ bà nghĩ Mãn Sơn lại là thôn có đường nhựa sớm nhất trong huyện nên khi được cán bộ xã, thôn vận động hiến đất mở đường bà đã vận động gia đình đồng thuận hiến trên 1.500 m2 mở rộng đường thôn.

Dẫn chúng tôi tham quan đoạn đường qua khu đất của gia đình, gương mặt người phụ nữ thôn quê rạng ngời vì sự thay đổi của quê hương. Khoát tay về phía tuyến đường đang thi công, bà Thanh phấn khởi nói: “Toàn bộ đoạn đường này là người dân hiến đất chứ trước đường chỉ rộng hơn 1 m, đi lại bất tiện, xe ô tô to còn không vào nổi. Giờ thì rộng đến 5 m lại trải nhựa, con cháu đi làm ăn xa có ô tô lớn nhỏ đều có thể đi vào tận sân nhà”.

Một đoạn đường ở thôn Mãn Sơn, xã Vân Sơn đang được thi công.

Bà Thanh cũng trải lòng, “của đau con xót” đất đai là tài sản của người nông dân, mất đi ai chẳng tiếc nhưng nghĩ lâu dài có đường là đồng nghĩa với sự phát triển về mọi mặt. Vì thế, bà cũng như người dân Mãn Sơn bỏ lợi ích riêng cho lợi ích chung. Ngoài hiến phần đất của gia đình khi tuyến đường đi qua, bà Thanh còn đổi mảnh đất trên 500 m2 cho một hộ gia đình trong thôn để hiến cho thôn làm đường. Lý giải về việc này, bà Thanh bảo: “Hộ này có ít đất sản xuất nên gia đình đã đổi đất cho họ để họ có đất sản xuất. Như vậy thuận cả đôi đường”.

Gần cả thôn hiến đất

Người đầu tiên tự nguyện hiến đất làm đường ở Mãn Sơn chính là thầy giáo già Chu Quang Dần. Từ sự tiên phong của ông Dần đã tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận hiến đất trong thôn. Ông Dần bảo, làm gì có ai không tiếc tài sản của mình, nhất là đất sản xuất. Tuy nhiên, ông cân nhắc đến sự phát triển lâu dài cũng như “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nên ông đã bàn với gia đình, thống nhất hiến trên 4.000 m2 đất  ruộng và đất vườn đồi để Nhà nước mở đường.

Thôn Mãn Sơn hôm nay không chỉ có nhà xây cao tầng, đường nhựa phẳng lỳ mà còn có “hương thơm” của lòng người. Bà Nguyễn Thị Gái, người hiến trên 1.000 m2 đất làm đường bày tỏ: “Chỉ có Mãn Sơn này là một, ngày mở đường cả thôn cùng làm, cùng hiến đất, cùng chặt hạ cây cối, thu vén bờ rào. Đấy! nhà tôi hiến đất làm đường xong, nhà cửa vẫn còn toang hoang ra đã làm lại được đâu. Thế nhưng vẫn thấy vui vì thôn có đường đẹp. Qua đây cũng thấy được tinh thần đoàn kết của người Mãn Sơn”.

Từ cách nhìn xa trông rộng, cộng với tinh thần đoàn kết Mãn Sơn đã trở thành địa phương hiến đất nhiều nhất trong số các thôn của tỉnh thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Xã Vân Sơn được Nhà nước đầu tư tuyến đường giao thông từ xã Vân Sơn đi Hồng Lạc. Tuyến đường đi qua thôn Đồn Hang và thôn Mãn Sơn của xã Vân Sơn. Qua khảo sát và thiết kế làm hết các tuyến chính trong nội thôn và liên thôn Mãn Sơn sẽ dài gần 7 km. Sau khi có chủ trương đầu tư của tỉnh, huyện và có chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã triển khai kế hoạch đầu tư, thôn đã tích cực vận động các hộ gia đình ở hành lang đường tự giác hiến đất để bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH Tỉnh Đào thi công.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Mãn Sơn cho biết: Thôn đã tổ chức 7 cuộc họp chuyên đề để vận động nhân dân hiến đất mở đường. Các tổ chức đoàn thể trong thôn đã phát huy vai trò vận động đoàn viên, hội viên đồng thuận hiến đất. Sau một năm, 170 hộ dân thì có trên 120 hộ hiến đất làm đường, trong đó có 70 hộ hiến từ 100 m2 đến trên 4.000 m2 với tổng diện tích đất hiến lên tới 24.500 m2 và tài sản trên đất để làm đường, trị giá trên 1 tỷ đồng để làm đường.   


Bà Lê Thị Thanh, thôn Mãn Sơn chỉ diện tích đất gia đình hiến để làm đường.

Học Bác dân vận khéo

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, Đảng ủy xã Vân Sơn đã triển khai việc học và làm theo Bác bằng thực hiện tốt công tác dân vận, nên đã có cách làm hay trong vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới.

Chuyện hiến đất làm đường ở thôn Đồn Hang, Mãn Sơn những năm qua cho thấy “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đồng chí Vũ Kim Tin, Bí thư Đảng ủy xã Vân Sơn khẳng định: bất kể triển khai công trình nào liên quan đến người dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã cũng xuống từng thôn, từng nhà vận động. Chuyện huy động sức dân hiến đất ở thôn Mãn Sơn được đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Cả mấy tháng trời, tối nào cứ cơm nước xong là tôi lại đến nhà hộ dân trong thôn. Đầu tiên là nắm tâm tư nguyện vọng, sau đó là vận động hiến đất. Đôi khi vừa vận động lại vừa kêu gọi luôn những hộ dân đồng thuận hiến đất trước đó vận động anh em, bà con trong nhà cùng hiến đất. Tối nào cũng đi, khiến những người trong nhà thắc mắc, có lần ông xã tôi bảo “cứ thì thà thì thụp như buôn bạc giả”. Ấy vậy mà hiệu quả, bởi người dân ban ngày bận đi làm đồng, làm đồi tối mới có thời gian để chia sẻ với mình. Việc xong rồi mới thấy người dân mình tiến bộ và ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước”.

Người dân Mãn Sơn không chỉ hiến đất mở đường mà dưới sự “chèo lái” của đồng chí Nguyễn Xuân Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn trong 5 năm qua đã đóng góp trên 100 triệu đồng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như làm sân thể thao, khuôn viên nhà văn hóa, làm đường vào khu nghĩa trang, thu gom rác thải... Đến nay, thôn có nhà văn hóa khang trang, 100% kênh mương được bê tông, 49% hộ khá giàu, chỉ còn 4,7% hộ nghèo; 100% số hộ được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; có 70% số hộ có các công trình phụ hợp vệ sinh, 100% số hộ có chuồng gia súc xa nhà...

Đồng chí Thanh khẳng định, Mãn Sơn chú trọng củng cố cơ sở Đảng vững mạnh, từ đó làm tốt vai trò chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể trong thôn thực hiện công tác dân vận, triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Vai trò lãnh đạo của Chi bộ thể hiện rõ nét, được nhân dân tín nhiệm và tin tưởng nên đã phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Với những việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên, nhân dân thôn Mãn Sơn trong học và làm theo Bác Hồ, tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Chi bộ và nhân dân thôn Mãn Sơn vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016 - 2020.

Phóng sự: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục