Làng nhân ái ở Tân Thịnh

- Bản làng người Tày Đồng Quang, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) tựa như thung lũng nhỏ bình yên được dãy núi Chai Lý ôm ấp, chở che. Điều đặc biệt đây là bản làng duy nhất trong tỉnh có 100% hộ dân đều có hội viên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bà con luôn tự hào gọi làng mình là làng nhân ái, bởi suốt bao năm qua người dân đều đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống.

 “Tắt lửa tối đèn có nhau”

Khi biết tin bà Lèng Thị Kỷ bị ốm, ông Nguyễn Văn Phúc, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thôn cùng BCH Chi hội vội vã đến thăm nom, chuyện trò. Bà Kỷ dường như khá quen thuộc với bóng dáng của những cán bộ mang màu áo chữ thập đỏ. Bà vui vẻ nói: “Tuổi già mỗi khi đau ốm được mọi người trong chi hội quan tâm, hỏi han tận tình khiến tôi ấm lòng lắm”.

Còn với chị Đặng Thị Huệ, mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống hết sức khó khăn vì bao năm nay sức khỏe chị yếu, các con tuổi ăn tuổi học. Thế nhưng nhờ nghĩa tình làng xóm, chị luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của bà con. Năm 2021, chị đã vươn lên thoát nghèo với mô hình kinh tế chăn nuôi và trồng 5 ha rừng keo. Hay như gia đình ông Nguyễn Đức Trữ và gia đình ông Trần Duy Phượng nhiều năm liền sống trong căn nhà tạm. Cả 2 gia đình đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền và bà con xóm làng giúp đỡ ngày công để làm nhà mới.

Người dân thôn Đồng Quang luôn giúp đỡ, chia sẻ phát triển các mô hình kinh tế.

Năm 2021, khi dịch Covid – 19 bùng phát, xã Tân Thịnh phải thực hiện giãn cách xã hội; nhiều hộ phải cách ly tập trung cả gia đình. Thời điểm thực hiện giãn cách cũng là thời điểm thu hoạch lúa. Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, nhiều hội viên chi hội chữ thập đỏ đã tham gia tổ sản xuất hỗ trợ gặt lúa, chăm sóc hoa màu. Ngoài ra, các hội viên đã đảm nhận việc mua nhu yếu phẩm cung cấp đến từng nhà; chủ động phối hợp tiêu thụ lợn, gà, vịt, dưa... cho bà con trong thời gian giãn cách. Những việc làm thiết thực của hội viên góp phần quan trọng giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trong thời gian dịch bệnh; thắt chặt thêm nghĩa tình làng xóm.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thôn chia sẻ, bà con nơi đây sống yêu thương đoàn kết, giúp đỡ nhau khi ốm đau hoạn nạn. Các cháu mồ côi, người tàn tật luôn được chi hội quan tâm đặc biệt. Từ việc hỗ trợ, động viên tinh thần đến tặng quà mỗi dịp lễ Tết đều được chi hội làm thường xuyên. Ông Hà Phúc Toán chia sẻ, gia đình ông có con gái bị tàn tật, khó khăn trong vận động. Gia đình luôn nhận được sự quan tâm chu đáo của Chi hội Chữ thập đỏ thôn. Đó cũng là niềm động viên, an ủi giúp gia đình vơi bới khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Mỗi hộ gia đình có một hội viên chữ thập đỏ

Thôn Đồng Quang có 75 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Nhận thức rõ vai trò của công tác nhân đạo, 100% hộ dân đều có người tham gia chữ thập đỏ. Ngoài ra, chi hội còn kết nạp 2 hội viên từ thôn Minh Quang. Hiện nay, tổng số hội viên là 78 người. Nhiều năm qua, đây là một trong những chi hội của tỉnh có tỷ lệ hộ gia đình có người là hội viên hội chữ thập đỏ cao nhất.

Tại Đại hội Chữ thập đỏ tỉnh, bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: "Một bản làng  có 100% hộ gia đình tham gia tổ chức nhân đạo là điều đáng quý, thể hiện tấm lòng và sự nhiệt huyết trong việc tham gia sự nghiệp nhân đạo của bà con người Tày nơi đây. Mô hình mỗi hộ gia đình có một hội viên chữ thập đỏ cần được lan tỏa và phát huy trong cả nước".

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thôn Đồng Quang chia sẻ, với phương châm “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện”, ông tích cực tuyên truyền cho bà con biết vai trò của hội chữ thập đỏ, hoạt động thiện nguyện trong cuộc sống. Để làm tốt công tác Hội, ngoài lòng nhiệt tình, ông còn chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và triển khai những hoạt động, phong trào cụ thể. Ông luôn xác định vai trò là “đầu tàu”, luôn gương mẫu trong mọi hoạt động của chi hội. Điển hình như giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, kịp thời thăm hỏi gia đình hội viên khi ốm đau, hoạn nạn…Nhờ đó, chi hội thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và người dân

Các hội viên Chi hội Chữ thập đỏ thôn Đồng Quang, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) thường xuyên thăm hỏi người bị ốm đau, gặp khó khăn trong cuộc sống.

Nhờ tạo được sự đồng thuận và triển khai đồng bộ, từ năm 2012 đến nay, chi hội đã xây dựng được nguồn quỹ dồi dào khi 100% hội viên tham gia đóng góp hội phí, thực hiện tốt công tác từ thiện nhân đạo, cứu trợ đột xuất ngay từ cơ sở. Để bổ sung nguồn quỹ, chi hội vận động ủng hộ trong nhân dân sau mỗi vụ thu hoạch hoa màu hoặc thông qua các buổi biểu diễn văn nghệ, vận động trực tiếp các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Khi cần nguồn lực khẩn cấp để cứu người, chi hội sẽ tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và mạng xã hội, kịp thời giúp đỡ nhiều hoàn cảnh không may.

 Đơn cử như trường hợp em Dương Đức Nguyên mồ côi cha mẹ, bị tai nạn giao thông nhưng không có tiền điều trị phải đưa về nhà. Nắm bắt sự việc, chỉ trong hai ngày, chi hội đã vận động được 15 triệu đồng để đưa Nguyên đến cơ sở y tế điều trị và qua cơn nguy kịch.

Em Đức Nguyên chia sẻ: “Chi hội Chữ thập đỏ luôn là chỗ dựa cho những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Bản thân em luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ để vượt qua biến cố”.

Bên cạnh hỗ trợ về hoạt động nhân đạo thì các hội viên còn giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế. Ông Hà Phúc Hứa cho biết: “Ở đây bà con luôn đoàn kết, chia sẻ công việc, hỗ trợ ngày công trong các vụ thu hoạch. Gia đình tôi neo người, già cả thường xuyên nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các hội viên”.

Nhiều hội viên tìm tòi hướng đi mới, giúp đỡ nhau phát phát triển kinh tế. Điển hình như năm 2021, gia đình ông Hà Phúc Lực, Hà Phúc Văn tiên phong trồng 3 sào dưa chuột. Thấy được hiệu quả, anh tích cực tuyên truyền cho các hộ dân trồng và phát triển kinh tế theo hướng đi này. Hiện nay toàn thôn có 4 ha dưa chuột theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Hà Phúc Linh, Trưởng thôn Đồng Quang chia sẻ, nhận thấy vai trò, ý nghĩa khi tham gia tổ chức nhân đạo từ thiện, các hộ dân tự nguyện tham gia tổ chức hội chữ thập đỏ. Hàng năm khi có các hoạt động nhân đạo như hiến máu nhân đạo ở huyện, tháng nhân đạo…các hội viên đều tích cực tham gia. Nhiều năm liền thôn luôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, 90% gia đình đạt gia đình văn hóa. Thôn còn 5 hộ nghèo, phấn đấu hết năm 2023 giảm còn 3 hộ nghèo. Bà con luôn gắn bó, đoàn kết giúp đỡ nhau tạo nên nét đẹp riêng cho bản làng nơi đây.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục