Người khơi nguồn khởi nghiệp

- Công tác đào tạo nghề nếu không tâm huyết, không say mê thì không thể mang tới sự đổi mới, bứt phá. Tâm niệm như vậy nên nhiều năm qua, chị Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đã hướng dẫn, khơi nguồn cho nhiều thế hệ học viên khởi nghiệp.

Càng làm càng “say”

Nhiều năm nay, chị Hồng coi trường không chỉ là nơi làm việc mà còn như ngôi nhà thứ hai. Từng công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, năm 2017, chị được luân chuyển về làm tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên. Khi vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa, Ban Giám hiệu nhà trường gặp nhiều khó khăn. Chị Hồng luôn đau đáu về việc làm của học viên sau khi ra trường. Chị cùng Ban Giám hiệu, cán bộ của Trung tâm xây dựng kế hoạch, định hướng tương lai cho học viên.

Chị Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình.

Thời gian đầu, chị cùng các thầy cô của Trung tâm tận dụng tối đa thời gian đến từng nhà, từng xã vận động các gia đình cho con em đi học, vừa được học văn hóa lại được học nghề, khi ra trường có nhiều cơ hội tìm việc làm. Có những học sinh hoàn cảnh rất khó khăn, chị Hồng đến tận nhà để tìm hiểu lý do, thậm chí chị còn dùng tiền cá nhân của mình hỗ trợ cho các em học nghề thêu, bán hàng, cách tiếp xúc, giao tiếp với khách du lịch để giới thiệu với khách du lịch về các sản phẩm từ chính tay các em và người dân địa phương làm ra. Em Nguyễn Thị Tiếp, học sinh lớp 11, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên cho biết, hoàn cảnh gia đình em khó khăn, em ở với ông bà ngoại, nên trước kia em đã tự nghỉ học. Biết được hoàn cảnh của em, chị Hồng đã đến nhà động viên em đến trường, dạy nghề và tìm việc làm thêm lúc rảnh rỗi để Tiếp có tiền chi tiêu sinh hoạt. Nhờ vậy mà hơn 1 năm qua em không phải xin tiền gia đình và có thể tự trang trải cuộc sống.

Bằng cách làm như vậy, chị Hồng đã từng bước tạo được lòng tin với học viên và gia đình các em. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều gia đình đã đưa con em đến trường đăng ký học. 

Không chỉ có vậy, chị Hồng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp, công ty trong tỉnh và các tỉnh bạn kết nối tìm việc làm cho học viên. Quãng thời gian này, chị gặp nhiều khó khăn, phải đi lại nhiều lần để thuyết phục doanh nghiệp. Sự kiên trì, nỗ lực của chị, số lượng doanh nghiệp liên kết với trường ngày càng nhiều hơn và được mở rộng.

“Nhiều người bảo, là nữ mà làm công tác đào tạo nghề vất vả lắm. Nhưng càng làm tôi càng say. Mong muốn của tôi là đào tạo được nguồn nhân lực đã qua đào tạo nghề, đồng thời giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thay đổi cuộc sống qua việc học nghề” - Chị Hồng chia sẻ.

Đến nay, tỷ lệ học sinh ra trường hàng năm của Trung tâm có việc làm ngay và tự mở được xưởng, cửa hàng luôn chiếm trên 60%. Các thế hệ học sinh ra trường, nhiều em có cuộc sống ổn định, một số em tự tạo lập việc làm bằng cách phát triển kinh tế, có thu nhập tốt.

Chị Ma Thị Hồng giới thiệu sản phẩm của huyện Lâm Bình cho các du khách trong nước và quốc tế.

Đổi mới công tác đào tạo 

Cùng với việc đào tạo nghề cho học sinh theo chương trình, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp -Giáo dục thường xuyên đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang để mở thêm các lớp học nghề ngắn hạn như: hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống, mây tre đan, chăn nuôi... Nếu như trước kia các lớp tập huấn này chủ yếu là học lý thuyết, nhưng nay Trung tâm tăng cường phối hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh để cho các học viên được đi thực tế, cọ xát với thực tiễn.

Phát huy thế mạnh của địa phương là phát triển du lịch, chị Hồng và lãnh đạo Trung tâm đã định hướng mở các lớp dạy nghề truyền thống của địa phương, trong đó có nghề thêu thổ cẩm. Việc mở các lớp dạy nghề thêu đã nhận được sự đồng thuận lớn của học viên và gia đình học viên. Đến nay đã có rất nhiều học viên của chị Hồng đã tự tay làm nên những mảnh vải thổ cẩm, khăn tay, túi, vòng...

Chị Hồng là người khơi nguồn ý tưởng thành lập Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình, với 15 thành viên (chủ yếu là các em học sinh). Hiện nay, Hợp tác xã đã có một gian hàng để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn để phục vụ du khách khi đến với Lâm Bình. Vinh dự và tự hào là đầu năm 2022, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật-Công nghệ Tuyên Quang tham gia Chương trình khởi nghiệp toàn quốc đã chọn toàn bộ học sinh của Trung tâm tham gia. Kết quả đoàn Tuyên Quang đã đạt giải Nhì với dự án thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình.

Sau khi thành công từ Chương trình khởi nghiệp trở về, chị cùng các thầy cô, các em học viên của Trung tâm đã xuống thôn để hướng dẫn bà con làm các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình. Ban đầu, người dân đều có kỹ năng dệt trang phục nhưng các sản phẩm làm ra chủ yếu là các sản phẩm thô, tính hữu dụng ít. Để cải tiến mẫu mã, hình thức sản phẩm, chị đã xuống tận nơi để hướng dẫn bà con về cải tiến sợi dệt của người Tày. Từ sợi bông thô, to chuyển sang sợi bông nhỏ, không phai màu... các hoa văn, họa tiết vẫn giữ nguyên…Sau khi hướng dẫn người dân theo hướng "cầm tay chỉ việc", Trung tâm còn tổ chức cho người dân đi tham gia, học hỏi kinh nghiệm của đồng bào các dân tộc ở tỉnh khác để làm ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, bắt mắt.

Chị Ma Thị Hồng hướng dẫn người dân làm các sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Không chỉ hướng dẫn, khuyến khích người dân giữ gìn, phát triển các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình, chị Hồng còn cung cấp vải, chỉ, vật liệu để dệt cho bà con. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, Trung tâm nhận kết nối, bao tiêu sản phẩm cho nhân dân.

Các học viên học nghề tại Trung tâm, bên cạnh học văn hóa, học nghề còn được chị cùng các thầy cô Trung tâm đào tạo thêm nhiều kỹ năng khác như: kỹ năng bán hàng, tham gia các hoạt động văn nghệ ở các homestay, gia công các sản phẩm...

Em Vũ Thị Thùy Trang, xã Phù Lưu (Hàm Yên) chia sẻ, vì hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, năm học cấp 3, em đã chuyển lên ở với người nhà trên Lâm Bình để vừa học vừa làm thêm. Trong quá trình học tập tại Trung tâm, ngoài việc học tập theo chương trình đào tạo, em còn được chị Hồng trực tiếp hướng dẫn làm một số kỹ năng như: kỹ năng giới thiệu các sản phẩm của địa phương; tham gia nhóm văn nghệ phục vụ tại các homestay... Trong quá trình học tập tại Trung tâm, em không chỉ có kiến thức văn hóa mà còn có thêm nhiều kỹ năng sống khác nhau.

Với những việc làm cụ thể  và hiệu quả, nhiều năm qua Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Lâm Bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, tặng Bằng khen là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước. Bản thân chị Hồng nhiều năm liền đạt Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

“Ngoài công việc, người phụ nữ còn có thiên chức chăm lo gia đình, con cái. Nếu đảm đương vị trí quản lý, thời gian dành cho con và gia đình sẽ eo hẹp. Tôi thường lập phương án làm việc khoa học để dung hòa giữa hai bên. May mắn là chồng tôi luôn ủng hộ, sát cánh để vợ được sống với đam mê” - chị Hồng chia sẻ về khát vọng đào tạo được nhiều thế hệ học sinh giỏi nghề của mình.

Phóng sự: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục