Những nẻo đường “vàng”

- Chạy xe máy băng băng lên khu đồi Đồng Cỏ, ông Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) phóng tầm mắt nhìn ra những vườn cây ăn quả đang thì vào xuân. Ông phấn khởi bảo, đường bê tông đã vươn tỏa về khắp các khu trồng bưởi, trồng cam của đất Soi Tiên này. Người Soi Tiên ví von đấy là những con đường “vàng”, bởi đường thuận, nông sản của cả khu mới vươn xa đến khắp các thị trường trong nước, mang lại giá trị lớn cho người dân.

Đường nối vào núi

Khu Đồng Cỏ là một trong những “vựa” sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực của Phúc Ninh. Trước năm 2014, bà con nơi đây trồng mía, mỗi mùa thu hoạch thì khổ quá đỗi.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Soi Tiên chẹp miệng khi nhắc lại chuyện cũ. Ông bảo, dạo ấy xe trâu là phương tiện duy nhất để “tăng bo” mía cả cây số mới ra tới tuyến đường chính. Bốc xếp xong, cả người cả trâu lại quay đầu cho chuyến mới, vất vả mà năng suất lao động không cao, tiến độ khai thác chậm lắm. Sau này, thôn trồng thêm bưởi, cam, na thì việc mở rộng đường vận chuyển hàng hóa là nhu cầu cấp thiết. Con đường vào khu Đồng Cỏ là đường huyết mạch của cả thôn để vào sản xuất hàng hóa, đường lầy lội, bùn đất ngập lốp xe mỗi khi mưa lớn, xe thu mua nông sản của thương lái không vào được, giá bán vì thế cũng giảm đi. Ông Dũng thở dài nhớ lại.

Đường vào khu trồng bưởi, cam, na thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) được bê tông hóa.

Năm 2018, 420 m đường lên khu Đồng Cỏ được hoàn thiện. Xen lẫn với màu xanh thẳm cây rừng là bưởi, cam, khiến khung cảnh nơi này thật nên thơ. Hiện Soi Tiên có hơn 175 ha cây ăn quả, chiếm trên 70% diện tích đất tự nhiên của thôn. Từ trồng cây ăn quả, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 3,2 triệu đồng/người/tháng, hiện thôn chỉ còn 3 hộ nghèo. Ông Dũng bảo, thôn đã hoàn thành bê tông hóa hơn 1 km đường vào các khu vực sản xuất hàng hóa, vẫn còn hơn 2 km đường vào khu soi 

Bến Cát, đồng Vắt Chăn và một phần của đồng Vách Thành, Đồng Cỏ chưa được bê tông hóa. Thôn đã đăng ký với xã làm đường theo Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn của tỉnh.

Vùng bưởi và cam Hòn Vang nay là thôn Văn Lập, xã Thắng Quân hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng biệt lập với các khu vực bên ngoài. Nơi này đất đai hợp với bưởi, cam nên mùa nào cũng đơm hoa kết quả ngon. Ông Trần Quốc Quân, Giám đốc Hợp tác xã Quốc Quân chia sẻ, những khoảnh đồi được phủ kín bởi 130 ha cây ăn quả trong toàn khu, đường vào tới khu trồng xa nhất của thôn cũng vòng vèo tới 2 km toàn đường dốc cao thăm thẳm. Ngày trước vận chuyển hoa quả đi bán chỉ bằng xe máy, ô tô không lên được, đến là vất vả.

Nhưng từ khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ xi măng, nhân dân góp công, vật liệu xây dựng để làm đường bê tông, ai cũng phấn khởi cùng nhau xây đường mới tỏa về khắp các nhà vườn. Ông Quân cho biết, có nhánh đường dài tới cả km mới đến khu ở của 3 hộ dân thế mà bà con cũng chung tay góp công, góp của để làm đường cơ đấy. Mới đây, hợp tác xã được tỉnh hỗ trợ hoàn thiện 2 km đường bê tông vào khu sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi để nông sản được vận chuyển nhanh hơn, thương lái không còn chèn ép người dân vì đường khó nữa. Hiện nay, toàn xã Thắng Quân có trên 4,2 km đường bê tông vào khu vực sản xuất hàng hóa chủ yếu vào 2 thôn Yên Thắng và Văn Lập.

Thêm những con đường... kỳ tích

Như nhiều miền quê trên địa bàn tỉnh, ở Yên Sơn những nhánh đường bê tông chạy về tít tắp tới tận chân rừng trồng, vươn về phía núi nơi có những thung lũng cây ăn quả trù phú, ươm màu ấm no.
Để “chắp cánh” cho nông sản vươn xa, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện đã hoàn thành trên 100 km đường vào vùng sản xuất hàng hóa. Đây là những vùng trồng cây chủ lực của huyện như vùng cây ăn quả Lực Hành, Phúc Ninh, Chiêu Yên, Thắng Quân; vùng rừng trồng, chăn nuôi đại gia súc ở Trung Minh, Hùng Lợi, Trung Sơn, Công Đa, Đạo Viện, Kim Quan; chè nguyên liệu các xã Mỹ Bằng, Nhữ Khê, Nhữ Hán.

Đồng chí Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh phấn khởi cho biết, diện tích đất sản xuất của xã tương đối lớn, nhưng trước đây đường giao thông rất khó khăn, người dân phải tốn nhiều chi phí vận chuyển. Chính vì vậy, việc mở đường vào các khu sản xuất được bà con đồng tình ủng hộ.Toàn xã có trên 15,5 km đường vào các vùng sản xuất hàng hóa được bê tông hóa trong tổng số hơn 30 km. Năm 2021 này xã đã xây dựng kế hoạch và khi được phân bổ nguồn vốn sẽ tập trung thi công trên 1,6 km vào vùng sản xuất hàng hóa còn khó khăn. Xã cũng tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng các tuyến đường, đồng thời huy động tối đa sức dân để làm nên những con đường phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Năm 2021, Yên Sơn triển khai bê tông hóa trên 23 km đường giao thông vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đường bê tông vươn về những nẻo khó của huyện càng nhân lên ý chí làm giàu cho mỗi hộ gia đình. Đồng chí Cao Văn Luân, Bí thư chi bộ thôn Văn Lập, xã Thắng Quân hào hứng chia sẻ, năm 2021, thôn tiếp tục đăng ký bê tông hóa 2 tuyến trục thôn và 2 tuyến đường vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Những năm qua, nhờ có những tuyến đường bê tông hóa đã tạo sự thông thương, trao đổi hàng hóa thuận lợi hơn nhiều. Thu nhập bình quân của thôn được nâng lên với 39 triệu đồng/người/năm 2020, cuộc sống người dân đổi thay nhiều.

Đồng chí Phạm Ninh Thái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Sơn nhấn mạnh, huyện đã phát động và ra quân thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện thực hiện bê tông hóa 228 km đường giao thông nông thôn, 123 km đường giao thông nội đồng, 49 cầu trên đường giao thông nông thôn. Người dân trong toàn huyện đã sẵn sàng và đồng lòng triển khai đề án, bảo đảm tăng cường kết nối giữa các khu vực, đặc biệt là khơi thông điểm nghẽn đến các vùng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho người dân. Đây là yếu tố quan trọng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo động lực để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có chất lượng, thương hiệu mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Phóng sự: Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục