Nuôi dưỡng màu xanh cho phố

- Nhìn ông Trung Trấn Nàm cầm xẻng, cuốc trồng cây, mặc bộ bảo hộ; không ai nghĩ ông là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bảo Trung (TP Tuyên Quang), “sếp” của gần 100 lao động. Ông gom góp 30 năm kinh nghiệm nghề rừng của mình để nuôi dưỡng màu xanh cho phố, tạo không gian đô thị đậm “chất thơ”.

“Gừng càng già...”

Ông được giới chuyên môn đánh giá rất cao về độ “mát tay” của mình. Cây công trình đô thị đòi người trồng ngoài có yếu tố kỹ thuật phải có tâm, ý là không chỉ trồng xong là xong mà phải chăm cây như chăm người vậy.

Ông Nàm vốn học lâm sinh Trường Đại học Lâm nghiệp Xuân Mai Hà Nội. Ra trường, ông về công tác ngành Kiểm lâm, rồi làm công nhân, Trưởng phòng kỹ thuật, Phó Giám đốc, Giám đốc Lâm trường Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi (nay là Công ty cổ phần Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi) thuộc huyện Yên Sơn. Đúng công việc được đào tạo nên ông đã cống hiến hết khả năng đối với lĩnh vực mình yêu thích. Ông bảo, dấu chân ông đến khắp các cánh rừng, công ty được giao để được hòa mình với thiên nhiên, với màu xanh bất tận. Giờ ông vẫn nhớ cánh rừng nào trồng gỗ tốt, cánh rừng nào cây hay bị chết do địch hại…

Những kinh nghiệm quý đó được ông vận vào nghề trồng cây công trình hiện giờ, vậy nên tỷ lệ cây sống rất cao. Người ta bảo ông rằng, “gừng càng già càng cay” là ở chỗ ấy. Nhưng theo ông, kỹ thuật trồng cây là quan trọng thật nhưng cái tâm người trồng quan trọng hơn. Ông thở dài khi nghĩ đến những cây to lớn được đánh về trồng ở thành phố, ở các khu vực kiến trúc công cộng có dấu hiệu “ốm”, ông lại bước thấp bước cao đến xem như thế nào. Có khi phải cào đất xem lại bộ rễ, nếu rễ bị bệnh thì cây không phát triển nổi. Xử lý cây bệnh là xử lý từ gốc rễ, đất trồng bảo đảm nên ông cứu được nhiều cây lắm. Lúc ấy thật vui vì “đời cây như đời người” vậy, mỗi cây trồng xuống là gieo thêm sự sống...


Ông Trung Trấn Nàm bên khu vườn bách thảo.

Về nghỉ hưu, nhưng tình yêu nghề rừng là động lực để ông quyết định mở Công ty TNHH Bảo Trung Tuyên Quang để nhận quy hoạch, thiết kế, trồng cây đô thị… với kỳ vọng mang  không gian sống xanh vào đô thị, góp sức cho thành phố, thị trấn đẹp xanh. Ở tuổi 70, là người đứng đầu doanh nghiệp gần 100 lao động nhưng người ta thường thấy ông bước thấp bước cao, tự tay ươm từng cây vào bầu. Ông bảo, giá trị của cây xanh mang lại thì không thể đong đếm được, nhất là cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thu những khí độc như NO2, CO2, CO…

Theo nhiều nghiên cứu, cây xanh có thể hấp thụ tới 6% các loại khí thải độc. Cây xanh sẽ giúp lọc bớt bụi bẩn, đồng thời thải ra nhiều O2. Vì vậy có thể xem cây xanh là “lá phổi” của thành phố, đô thị. Bên cạnh đó, cây xanh còn có tác dụng hấp thu bức xạ, thải ra hơi nước làm không khí bức bối của đô thị trở nên mát mẻ, trong lành hơn. Đồng thời, khi ánh sáng mặt trời gay gắt, tán cây sẽ che chở cho con người, tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cây xanh còn giúp chắn gió và giảm tiếng ồn, giúp cuộc sống của người dân trở nên thư thái hơn.

Đam mê trồng cây, ông Nàm đã vào Nam ra Bắc tìm tòi, học hỏi để trồng các loại cây quý, cây phục vụ trang trí đô thị. Nghề trồng cây tưởng đơn giản, nhưng đòi hỏi người làm phải hiểu đặc tính của từng loài cây, phương pháp chăm sóc và phòng trừ dịch hại. Cây trồng chỉ thực sự có giá trị khi được thị trường chấp nhận. Lòng đam mê cùng với những kỹ thuật có sẵn đã đem đến thành công cho ông Nàm. Ông trải lòng, làm cây dịch vụ khác với trồng rừng. Trồng rừng chỉ cần đúng kỹ thuật nhưng trồng cây dịch vụ thì phải nghiên cứu nắm bắt nhu cầu của thị trường, đặc biệt trang trí đô thị lại càng phải nghiên cứu sâu, đảm bảo yếu tố mỹ thuật để tạo nên không gian đô thị đặc trưng. Khuôn mặt ông như sáng bừng lên, giọng hào sảng hẳn khi nhắc đến những công trình nổi tiếng của tỉnh mà ông được gieo những mầm xanh như Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang), Trung tâm Hội nghị tỉnh, trung tâm huyện Na Hang, Lâm Bình và các khu di tích lịch sử trong tỉnh.

Tỷ lệ sống cây công trình ông trồng đạt đến 99%, tạo nên “thương hiệu” ông Nàm. Vậy nên, ông được lãnh đạo tỉnh rất tín nhiệm, luôn là người được lựa chọn trồng cây ở những sự kiện lớn, những công trình lớn, quan trọng của tỉnh và các địa phương.

“Phim trường” bách thảo

Ông có vốn liếng nên đầu tư xây dựng khu vườn bách thảo 5 ha tại tổ 11, phường An Tường (TP Tuyên Quang) - Nơi được giới trẻ gọi là “phim trường” đến để chụp hình, check in, họp lớp… dưới cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, mát rượi. Về đây, người ta được đắm mình vào các sắc hoa, cỏ cây, ao hồ và cả những gian nhà xây theo kiến trúc phương tây, phương đông thời cổ…

Ông Trung Trấn Nàm giới thiệu cây Ngọc Am được di thực từ huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang)
về trồng tại Khu vườn sinh thái của công ty.

Chị Nguyễn Lan Anh, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) đang thực hiện bộ ảnh cưới tại đây cho biết, chị được mọi người giới thiệu đến “phim trường” này chụp ảnh vì có nhiều cảnh đẹp, gần gũi với thiên nhiên. Khi đến đây, chị thấy đúng là rất tuyệt, nhân lên dư vị tình yêu ngọt ngào, lãng mạn biết bao.

Khi thấy những đôi uyên ương về đây chụp ảnh, trong lòng ông Nàm phấn chấn, mừng thầm vì làm được điều ý nghĩa cho cuộc sống. Khu bách thảo này tự tay ông thiết kế, đầu tư xây dựng 3 năm qua với 4 khu chức năng gồm: Khu cây xanh đô thị, khu vườn bách thảo, khu dịch vụ và khu hạ tầng kỹ thuật. Bước đầu đã thu hút được du khách đến  tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, theo ông thì đây mới chỉ là “dạo đầu” cho một vườn bách thảo đa dạng sinh thái sau này.

Ông bảo, vườn ươm đô thị và dịch vụ chỉ để “lấy ngắn nuôi dài” bởi không có doanh thu sẽ không có kinh phí để tiếp tục trồng các loại cây quý hiếm để thành hệ sinh thái đa dạng hơn. Nói rồi, ông chỉ tay vào cây Ngọc Am khoe: “Cây này được di thực từ huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) về trồng. Khó trồng lắm! thất bại nhiều, lần này mới trồng thành công. Cây ưa bóng mát và độ ẩm. Cây Ngọc Am ở miền Nam là Hoàng Đàn, miền Bắc là Sa Mu dầu già hóa thành, giống quý nhất ở huyện Hoàng Su Phì. Rồi ông giới thiệu hàng loạt cây gỗ quý như đinh, lim, sến, táu của miền Bắc; xá xị, trầm hương, long não, cẩm lai ở miền Trung, miền Nam. Tính đến thời điểm này, khu vườn của ông có cả trăm loài cây, “ngốn” trên 15 tỷ đồng.

Khoát tay về phía trước, ông Nàm bảo, cơ bản vườn đã lên khung nhưng để đạt được ý đồ như ông mong muốn thì cần phải mở rộng diện tích lên gấp đôi. Ông lý giải, những cây gỗ quý thường có tán rộng nếu không có diện tích đất phù hợp thì cây khó phát triển lâu dài. Hơn nữa, vườn bách thảo mà quá nhỏ sẽ khó thành công. Vậy nên, ông đang quy hoạch lại và xin thuê thêm đất mở rộng lên khoảng 10 ha, đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn.

“Dự án này tôi ấp ủ suốt đời đấy! từ khi còn công tác đã muốn làm khu vườn bách thảo để lưu giữ lại những loài gỗ quý phục vụ công tác học tập, nghiên cứu cho thế hệ trẻ, nhưng chưa làm được. Về nghỉ hưu, ông có điều kiện thời gian, bao vốn liếng dồn vào đây cả để thỏa nguyện” - ông Nàm vui vẻ nói. Ông bảo, giờ đang truyền lại cho anh con trai Trung Vĩnh Trí đang đảm đương Giám đốc Công ty nối nghiệp nghề này. Ông bảo, “trước thằng bé học nghề kỹ sư giao thông, chả biết nó ngấm cái nghề trồng cây từ bố khi nào nữa. Thế là nó bỏ hẳn nghề đã học, theo nghề suốt ngày lặn lội với cây rừng”. 

Tuổi ông cao rồi nhưng “giấc mơ xanh” trong ông vẫn rất bay bổng theo từng nhịp bước. Ông mong muốn góp sức nhỏ của mình tạo nên không gian xanh cho thành phố, tạo điểm du lịch hấp dẫn du khách, chung tay thực hiện mục tiêu đưa du lịch Tuyên Quang ngày càng hấp dẫn, thân thiện hơn.

Phóng sự: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục