Xuân về làng Hun

- Mùa xuân đang gõ cửa từng nhà, sưởi ấm lòng người. Con đường về khu tái định cư làng Hun, thôn Đóng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) tươi sáng hơn bởi lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới bên những ngôi nhà mới xây khang trang, sạch đẹp…

Nhân dân khu tái định cư làng Hun hân hoan trong những ngày đầu năm mới.

Đoàn kết tạo sức mạnh

Theo chân anh Ma Văn Hòa, trưởng thôn Đóng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) tôi đến khu tái định cư làng Hun. Đây là một trong 5 điểm tái định cư của xã Hùng Mỹ. 16 năm trước, 24 hộ dân di chuyển từ xã Xuân Tân (Na Hang) về đây. Với họ, mọi thứ đều thật mới mẻ, lạ lẫm. Ông Lý Dao Thọ chia sẻ: “Tôi cùng mọi người về đây, ngoài việc nhớ quê thì điều kiện sinh hoạt đều khá hơn. Đường sá đi lại thuận tiện, gần trường, trạm y tế nên tinh thần bà con cũng phấn khởi lắm. Vì ở quê cũ mọi người đều đã biết nhau, tinh thần đoàn kết những ngày đó đã được phát huy và gìn giữ đến tận bây giờ”.

Về nơi ở mới, bước đầu mọi người chung tay hỗ trợ nhau dựng nhà, vì thế mà chuyện đổi công xây nhà đã tạo thành nền nếp trong làng. Bởi vậy, hễ nhà ai xây nhà, những nhà còn lại tự giác cắt cử người đến hộ, kể cả những người đi làm xa, họ cũng xin nghỉ về làm giúp. Cứ thế, làng Hun ngày càng có nhiều nhà xây mọc lên. Những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp đều do người dân trong khu thiết kế và hoàn chỉnh. Làng Hun có 100% đồng bào dân tộc Dao đỏ. Bà con ở đây có truyền thống dựng nhà gỗ 3 gian. Đến nay, đời sống nâng cao, đã có một số hộ chuyển sang xây nhà từ 1 đến 2 tầng.

Từ năm 2020 đến nay, toàn khu đã có gần 20 hộ xây dựng nhà mới. Anh Bàn Càn Hào và vợ phấn khởi bên ngôi nhà đã được xây dựng xong, hiện chỉ còn đợi lắp cửa. Anh Hào khoe, tết năm nay chắc chắn sẽ là cái tết đáng nhớ nhất của vợ chồng anh. Bởi gia đình 4 người sẽ quây quần, đầm ấm bên ngôi nhà mới. Ngôi nhà được thiết kế 4 gian, 1 gian chính do anh em trong khu cùng nhau thiết kế và hoàn thiện. Hoàn tất ngôi nhà này anh Hào chỉ phải bỏ ra chi phí ra gần 100 triệu tiền mua vật liệu.

Phụ nữ khu tái định cư làng Hun, thôn Đóng, xã Hùng Mỹ giữ gìn nghề thêu truyền thống.

Có nhà đẹp, người dân trong khu lại nhắc nhở nhau vệ sinh khuôn viên đường làng, ngõ xóm. Chị Lý Thị Xuân, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn chia sẻ, đã thành thông lệ, ngày 25 hàng tháng, mọi người đều tập trung nhau lại làm cỏ, dọn dẹp khuôn viên, trồng hoa hai bên đường trong khu. Mỗi người dân đều tự ý thức được việc bảo vệ môi trường sống xanh, sạch đẹp người hưởng lợi chính là họ và con, cháu mình. Bức tranh khung cảnh làng quê với lũ trẻ con chơi đùa trên những con đường sạch đẹp, các bà, các mẹ quây quần ngồi thêu thùa, may những bộ trang phục mới đón tết làm cho không khí ngày xuân càng trở nên tươi vui.

An cư lạc nghiệp

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, người dân khu tái định cư làng Hun đã có cuộc sống ổn định. Kinh tế chính ở làng Hun là trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc trâu, bò, chăn nuôi lợn đen, dê và cấy lúa, ngô… Toàn thôn có trên 200 ha rừng trồng. Bình quân mỗi gia đình đều có khoảng hơn 1 ha rừng. Ngoài 3 mùa vụ, một số người dân chuyển sang buôn bán lợn, thanh niên thì đi lao động tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Anh Bàn Càn Thêm là một thanh niên trẻ dám nghĩ, dám làm của làng Hun. Sau 2 năm đi làm tại khu công nghiệp dưới Hải Phòng, anh trở về quê hương đầu tư chăn nuôi lợn đen và gà. Năm 2020, gia đình anh thu về gần 100 triệu đồng tiền lãi từ chăn nuôi lợn đen và gà. Hiện tại đàn lợn của anh có khoảng hơn 90 con lợn đen và gần 300 con gà thịt. Anh cho biết, sau những thất bại từ lần khởi nghiệp đầu tiên, và những ngày tháng đi làm ăn xa, anh mới thấm thía không đâu bằng quê mình. Vì vậy, anh đã đầu tư và lựa chọn mô hình nuôi lợn đen kết hợp nuôi gà để phát triển kinh tế. Anh hy vọng trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi và có nguồn thu nhập ổn định.

Mô hình chăn nuôi lợn đen, gà thịt của anh Bàn Càn Thêm cho hiệu quả kinh tế cao.

Cuộc sống nơi ở mới có nhiều điều mới mẻ, nhưng người dân làng Hun vẫn giữ được những nét văn hóa của dân tộc mình. Họ vẫn truyền dạy tiếng nói, chữ viết; duy trì, phát huy giá trị các nghi lễ: cúng tổ tiên, cấp sắc; thêu hoa văn trang trí trên trang phục; truyền dạy các làn điệu Páo dung, các điệu múa trong nghi lễ tín ngưỡng, các trò chơi dân gian... Anh Ma Văn Hòa, trưởng thôn Đóng cho biết, người dân khu tái định cư làng Hun luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giữ gìn những bản sắc văn hóa, xây dựng kinh tế hộ gia đình. Với thu nhập bình quân đầu người gần 1,4 triệu đồng/người/tháng, cả khu có 21 hộ giàu, khá/36 hộ. Trong thôn không có tình trạng vi phạm an ninh trật tự, người dân sống chan hòa.

Làng Hun đang tràn đầy sức xuân, trẻ em được bố mẹ diện quần áo mới tung tăng nô đùa trên con đường bê tông sạch đẹp. Bên bếp lửa hồng, những món ăn truyền thống của bà con nơi đây đã được chuẩn bị chu đáo để đón năm mới càng chứng minh rõ hơn sự no ấm, đủ đầy.

Phóng sự: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục