Phong trào cách mạng ở Tuyên Quang dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (tiếp theo)

- Chống sự khủng bố của kẻ thù. Tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng tại các huyện.

Sau khi đầu hàng phát xít Đức, ngày 23-9-1940, tại Hà Nội, thực dân Pháp lại ký hiệp định chấp nhận cho phát xít Nhật vào chiếm Đông Dương. Tuyên Quang lúc này cũng như mọi địa phương trong cả nước, phải cung cấp nhân lực, vật lực cho đế quốc Pháp - Nhật. Do đó đời sống của nhân dân ngày càng khốn cùng. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng tỉnh (thành lập giữa năm 1941) và Chi bộ Mỏ than đã tiến hành nhiều đợt đấu tranh, bí mật củng cố, phát triển cơ sở bên ngoài phạm vi thị xã: Năm 1941, bốn lần tổ chức rải truyền đơn tại công trường làm sân bay cho Nhật - Pháp ở km 5 (đường Tuyên Quang đi bến Bình Ca) kêu gọi nhân dân chống đi phu, đi lính, ủng hộ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn; đồng thời rải truyền đơn, dán áp phích tại trại lính, công sở, đường phố, nơi đông người. Bọn thống trị tức tối mở nhiều đợt truy lùng hòng bắt bằng được cán bộ cách mạng.

Núi Dùm, thành phố Tuyên Quang - nơi Chi bộ Mỏ than treo cờ đỏ Búa liềm ngày 28-1-1941.

Ngày 21-1-1941, địch đã bắt một số công nhân mỏ than (trong đó có 2 đảng viên) đưa vào trại lính khố xanh giam giữ, sau đó chúng đưa 4 người đi Hà Nội, số còn lại bị đưa vào dinh tuần phủ để hỏi cung. Chi bộ Mỏ than nhóm họp bất thường để giải quyết vấn đề củng cố Đảng và bàn biện pháp đấu tranh đánh lạc hướng địch, buộc chúng phải thả những người bị bắt. Thực hiện chủ trương của Chi bộ Mỏ than, ngày 28-1-1941, cờ đỏ búa liềm đã được treo ở núi Dùm. Địch mất phương hướng truy lùng những người cộng sản, đã phải trả tự do cho những người bị chúng giam giữ ở thị xã vì không có bằng chứng buộc tội, song vẫn ráo riết theo dõi, dò la các hoạt động của ta. Ngày 31-1-1941, dù không đủ chứng cớ, địch vẫn bắt một công nhân mỏ than (là đảng viên). Ngày 3-2-1941, truyền đơn lại xuất hiện ở hội chùa Hang (xã An Khang - Yên Sơn). Bọn Pháp đâm ra lúng túng, nghi hoặc sau đó đã phải thả đồng chí này. Ngày 12-3-1941, bọn địch phải trả tự do cho các đồng chí bị chúng bắt đưa đi Hà Nội. Tiếp đó ngày 12-4-1941, truyền đơn lại được tung ra ở trung tâm thị xã phản đối đế quốc Pháp tuyên án tử hình anh em binh sĩ tham gia khởi nghĩa Chợ Rạng và Đô Lương (Trung Bộ). Đêm 30-4-1941, truyền đơn, áp phích được rải và dán ở nhiều nơi trong thị xã đòi tự do lập nghiệp đoàn. Bọn thống trị điên cuồng, tăng cường mật thám sục sạo khắp nơi ở Mỏ than, thị xã và vùng lân cận như xã Ỷ La, Trung Môn, Vinh Phú, Tân Tiến... song không phát hiện được cơ sở cách mạng và tổ chức Đảng của ta. Phong trào cách mạng tại thị xã Tuyên Quang vẫn được giữ vững và tiếp tục phát triển.

Giữa lúc phong trào đấu tranh của công nhân mỏ than, nhân dân thị xã và các vùng ngoại thị đang trong giai đoạn gay go, quyết liệt thì ngày 8-2-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Dưới sự chủ trì của Người, tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương họp tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) với sứ mạng lịch sử là tổ chức, tập hợp đông đảo và rộng rãi nhất các lực lượng quần chúng để thực hiện nhiệm vụ trọng đại “phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật”.

Căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, được sự chỉ đạo của Xứ uỷ, Ban cán sự Đảng tỉnh và Chi bộ Mỏ than thành lập các tổ chức Cứu quốc như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc... với số hội viên ngày càng đông đảo. Tổ chức Nông dân cứu quốc phát triển tới các xã: Phúc Ninh, Thắng Quân, Tân Tiến, Chiêu Yên, Cường Đạt (huyện Yên Sơn), Hùng Đức (huyện Hàm Yên). Từ nhân mối đầu tiên là đồng chí La Ngọc Quế, đường dây liên lạc và cơ sở Việt Minh trong đồng bào Cao Lan được mở rộng thành hệ thống. Số hội viên trong đồng bào công giáo cũng khá nhiều.

Cuối năm 1941, Chi bộ Mỏ than tổ chức hai cuộc mít tinh lớn tại ấp Đồng Cả dưới hình thức kỷ niệm người anh hùng Nguyễn Huệ, phát động lòng yêu nước trong nhân dân và vận động quần chúng đấu tranh chống thuế, chống nộp thóc đầu mẫu, chống quyết định nhổ ngô trồng thầu dầu, góp tiền ủng hộ nhân dân tham gia các cuộc khởi nghĩa trong nước. Phát huy tinh thần đấu tranh của cuộc mít tinh, đồng bào xung quanh ấp Đồng Cả đã biểu tình chống sưu cao, thuế nặng, buộc tên tri phủ Yên Sơn phải nhượng bộ một phần yêu sách của bà con nông dân.

Những năm 1941-1943, mặc dù nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, bọn thực dân Pháp vẫn cam chịu làm tay sai cho Nhật ở Đông Dương song vẫn ngoan cố bám lấy ý đồ khôi phục độc quyền thống trị Đông Dương. Vì thế, chúng điên cuồng đàn áp cách mạng, khủng bố những cuộc nổi dậy của quần chúng. Hàng loạt cán bộ lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã bị thực dân Pháp bắt giam, tù đày và giết hại.

Tháng 6-1941, bọn Pháp huy động 4.000 quân càn quét vùng căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, âm mưu tiêu diệt lực lượng Cứu quốc dân và chặn đường đón bắt các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đi dự Hội nghị Pác Bó về xuôi.

Sau nhiều tháng kiên trì chiến đấu chống lại cuộc càn quét của địch và bảo vệ dân, một số bộ phận Cứu quốc quân đã rút lên biên giới Việt - Trung, một bộ phận khác do đồng chí Nguyễn Cao Đàm phụ trách đã rút về vùng Đại Từ (Thái Nguyên) vào ngày 19-11-1941, để bảo toàn lực lượng và xây dựng căn cứ mới. Sau khi bắt liên lạc với chi bộ La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên), được sự giúp đỡ của đồng chí Đặng Nguyên Minh - một thanh niên người Dao có ý thức giác ngộ cách mạng cao - Cứu quốc quân đã xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng chân núi Hồng (huyện Sơn Dương) và các xã hẻo phía Đông của Yên Sơn. Tại vùng này, dân cư chủ yếu là đồng bào Dao. Chỉ một thời gian ngắn, cơ sở Việt Minh, phong trào quần chúng đã được xây dựng ở Na Mao, Khuôn Trạn, Kim Lông, Thanh La, Ao Búc, Ngòi Nho, (Sơn Dương), Trung Minh, Trung Sơn, Hùng Lợi (Yên Sơn).

Cuối năm 1941, lực lượng Cứu quốc quân đã xây dựng được cơ sở Việt Minh tại một vùng rộng lớn trải dài từ Phú Lương, Đại Từ, Chợ Chu (Thái Nguyên) đến Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) lên Bản Mương, Bản Tạt (vùng Ba Bể). Được sự lãnh đạo, khuyến khích của cán bộ Việt Minh, bà con vùng núi Hồng đã làm đơn khiếu nại với công sứ tỉnh về tình hình thuế má ngặt nghèo, đấu tranh đòi làm nương, không bán vừng cho Pháp...

Trong khi phong trào cách mạng ở vùng núi phía đông Tuyên Quang đang được xây dựng, phát triển nhanh chóng thì phong trào tại thị xã và các vùng lân cận bị bọn thực dân và tay sai tập trung đánh phá, khủng bố, chịu nhiều tổn thất. Trong quá trình phát triển, nhân rộng cơ sở cách mạng tại soi Sính và soi Hồng Lương, vì thiếu cảnh giác, không thẩm tra kỹ, nên phần tử xấu lọt vào hàng ngũ cách mạng, do đó quần chúng ở hai soi bị lộ. Ngày 15-2-1942, địch bao vây khu vực soi, bắt đi 11 người, sau đó 15 ngày lại bắt thêm 6 người nữa. Trong 11 người bị địch tra tấn dã man và chịu cảnh tù đầy cực khổ, 10 người đã bị chết.

Soi Hồng Lương (xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang) - nơi Chi bộ Mỏ than và cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức các cuộc họp và cất giấu truyền đơn, tài liệu những năm 1940-1943.

Thấy rõ trung tâm của phong trào cách mạng ở thị xã Tuyên Quang là Mỏ than, thực dân Pháp xiết chặt vòng kiểm soát, chúng tập trung công nhân vào một khu gọi là “làng công nhân” và cử lý trưởng để dễ bề kiểm soát. Chúng phát phiếu mua hàng trong phạm vi mỏ thay tiền mặt để giữ chân công nhân. Thâm độc hơn chúng cho mở sòng bạc, xây miếu, đền, lôi kéo công nhân vào con đường cờ bạc, mê tín, làm cho họ lãng quên đấu tranh. Bên cạnh đó chúng thẳng tay vây bắt, tra tấn dã man những người chúng nghi là đảng viên cộng sản và cơ sở cách mạng.

Để bảo toàn lực lượng nòng cốt của phong trào, tiếp tục đấu tranh với địch, một số cán bộ của Xứ ủy công tác ở mỏ than và vùng lân cận đã chuyển hướng công tác về vùng nông thôn. Thời kỳ này địch tổng khủng bố phong trào cách mạng trong phạm vi toàn quốc, chúng giăng lưới kiểm soát đến tận vùng xa xôi, hẻo lánh, đặc biệt trên các tuyến đường. Cuối năm 1942, đồng chí Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ kiêm Bí thư khu D đã bị giặc bắt.

Sau đó một thời gian, đồng chí Đào Văn Thại (tức Lê Đồng) - Ủy viên Ban cán sự cũng bị bắt ở chợ Khổng (Sơn Dương). Đầu năm 1943, đồng chí Trương Đình Dần (tức Điều) - Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh bị bắt ở Sóc Đăng (Đoan Hùng - Phú Thọ). Tiếp đó, mật thám Pháp bắt đồng chí Lương Quang Mai ở Mỏ than thu được một số tài liệu như: báo Cờ giải phóng, Cứu quốc, Chặt xiềng... Trong nhà tù, có đồng chí đã không tỉnh táo, vững vàng trước đòn tra tấn dã man và thủ đoạn thâm độc của địch nên đã làm lộ đồng chí mình. Thực dân Pháp đưa lực lượng cảnh sát đặc biệt từ Hà Nội lên tiếp tục khủng bố phong trào cách mạng tại thị xã Tuyên Quang. Một số đảng viên và quần chúng tiếp tục bị địch bắt, giam cầm. Phong trào cách mạng ở thị xã Tuyên Quang bị tổn thất lớn. Sau những tổn thất này, Chi bộ Mỏ than và Ban cán sự Đảng tỉnh đã bị tan vỡ; phong trào quần chúng trong và xung quanh thị xã tạm thời lắng xuống.

Trong khi phong trào đấu tranh của công nhân Mỏ than và các tầng lớp nhân dân lao động xung quanh thị xã bị khủng bố nặng nề và mất phương hướng hoạt động, thì ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, lực lượng Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đẩy mạnh hoạt động, mở rộng cơ sở, chuẩn bị mọi mặt, đón thời cơ tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Cuối năm 1942, Cứu quốc quân đã xây dựng cơ sở Việt Minh tại các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Chợ Chu (Thái Nguyên) và Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), song phong trào vẫn bị hạn chế trong từng vùng nhỏ hẹp, Cứu quốc quân vẫn chưa bắt liên lạc được với Xứ ủy và căn cứ Võ Nhai nên rất lúng túng. Tháng 10-1942, lãnh đạo đội Cứu quốc quân ở Tuyên Quang đã cử người về xuôi bắt liên lạc với Xứ ủy và sang biên giới xin chỉ thị cấp trên. Tháng 12-1942, hai đồng chí Nhất Quý và Phương Cương đã gặp được Ban chỉ huy Cứu quốc quân.

Tháng 1-1943, một cuộc họp giữa Trung ương Đảng, liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và chỉ huy Cứu quốc quân được tổ chức, quyết định: Giữ vững vùng biên giới, đánh thông đường từ đó về Bình Gia, Bắc Sơn, Võ Nhai; gây dựng cơ sở mới ở Cao - Bắc - Lạng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, củng cố các cơ sở cũ và nối liền các đường liên lạc với nhau; xúc tiến thành lập đội xung phong Nam tiến. Từ căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, Định Hóa, Sơn Dương, mở bốn đường Bắc tiến; tìm bắt liên lạc với Trung ương ở dưới xuôi. Sau cuộc họp, Cứu quốc quân chia thành nhiều bộ phận nhỏ trở về nước, trong đó có một số đồng chí được tăng cường cho phong trào ở Tuyên Quang. Vừa về đến nơi, các đồng chí đã phối hợp với bộ phận Cứu quốc quân đến trước, mở các lớp huấn luyện cấp tốc cho cán bộ cơ sở kinh nghiệm tổ chức quần chúng, huấn luyện tự vệ, công tác binh vận... Phong trào Việt Minh nhờ đó phát triển nhanh chóng. Ở nhiều nơi nổ ra các cuộc đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống thu thóc, chống thuế... Bọn lý trưởng, trương mán tức tối, nhiều lần đưa quân lùng sục nhưng không làm gì nổi. Từ đội võ trang đầu tiên được thành lập đầu năm 1942 ở Khuôn Kẹn (Khuổi Kịch - Sơn Dương), đến đầu năm 1943, các đội tự vệ vũ trang đã ra đời ở hầu hết các địa bàn trong khu căn cứ. Tuy chỉ ít người và vũ khí thô sơ nhưng các đội vũ trang đã có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ cán bộ, giữ vững giao thông liên lạc, hỗ trợ và thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng. Ở nhiều xã, tuyệt đại bộ phận nhân dân đều tham gia các tổ chức cứu quốc như xã Trung Sơn, Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn), Bình Dân, Lũng Tẩu, Ngòi Nho, Ao Búc, Khuôn Đào (thuộc Sơn Dương). Tại những xã đó, Ban Việt Minh được thành lập, giải quyết mọi vấn đề. Chính quyền của địch hoàn toàn rệu rã và hoang mang, dao động.

Tháng 5-1943, Cứu quốc quân đã bắt liên lạc với Xứ ủy, đồng thời đường dây liên lạc với Trung ương ở miền xuôi cũng được nối liền. Từ đây phong trào lan rộng nhanh chóng, Mặt trận Việt Minh thu hút mọi tầng lớp quần chúng. Với chính sách đoàn kết các dân tộc của Đảng, phong trào không chỉ bó h p trong đồng bào Dao mà còn được xây dựng, phát triển tới đồng bào Kinh, Tày và bà con các dân tộc thiểu số khác... Thêm nhiều xã có Ban Việt Minh, bọn chánh tổng, lý trưởng tuy vẫn nằm trong bộ máy thống trị nhưng phải chịu phục tùng chính sách của Việt Minh. Cuối năm 1943, hai cánh quân Nam tiến và Bắc tiến gặp nhau tại xã Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn). Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành căn cứ địa Việt Bắc, tạo những nhân tố thuận lợi cho sự ra đời của Khu giải phóng sau này.

Tháng 11-1943, lãnh đạo Cứu quốc quân quyết định chọn vùng núi Hồng (Sơn Dương) làm địa bàn xây dựng căn cứ, lấy đây làm bàn đạp để phát triển cơ sở ra xung quanh. Thực hiện chủ trương này, hàng loạt các cơ sở cách mạng được xây dựng ở các xã: Hợp Thành, Trung Yên, Bình Yên, thôn Kháng Nhật, thôn Trúc Khê... (thuộc huyện Sơn Sương), xã Chiêu Yên, Quý Quân, Kiến Thiết, Trung Trực, Kim Quan (thuộc huyện Yên Sơn). Tại khu căn cứ cũ của Cứu quốc quân (Khuôn Đào, Ao Búc, Khuôn Trút - Sơn Dương) diễn ra hai cuộc mít tinh lớn của nông dân. Trong những cuộc mít tinh đó, các cán bộ cách mạng đã diễn thuyết vạch tội ác của giặc và phổ biến điều lệ, chính sách của Mặt trận Việt Minh.

Địa điểm thành lập Cứu quốc quân III tại Khuổi Kịch, xã Tân Trào (Sơn Dương). Ảnh: Hoàng Thảo.

Phong trào quần chúng phát triển, lực lượng Cứu quốc quân ngày càng lớn mạnh, đòi hỏi sự tổ chức và chỉ huy chặt chẽ. Được sự đồng ý của Trung ương, ngày 25-2-1944, Trung đội Cứu quốc quân III được thành lập tại Khuổi Kịch (Tân Trào - Sơn Dương). Đồng thời, do địa bàn ảnh hưởng của Việt Minh mở rộng nhanh chóng, Trung ương quyết định lấy sông Cầu làm ranh giới chia vùng căn cứ địa thành hai phân khu: Phân khu A (gọi là phân khu Quang Trung) gồm: Bắc Sơn, Võ Nhai, Yên Thế và một phần huyện Đồng Hỷ; phân khu B (gọi là phân khu Nguyễn Huệ) gồm: một phần huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Định Hóa (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Thái). Cả hai phân khu đều nằm trong chiến khu II. Sau sự kiện này, Việt Minh phát triển rầm rộ. Tại Sơn Dương, cơ sở cách mạng phát triển sang phía tây. Cùng thời điểm đó, đội công tác của Xứ ủy Bắc Kỳ đã hoàn thành nhiệm vụ đánh thông con đường từ miền xuôi qua Vĩnh Yên lên Tuyên Quang. Một địa bàn rộng lớn từ Sơn Nam, Thiện Kế đến Khoan Lư, Bằng Man, Hữu Vu... đã trở thành căn cứ của lực lượng cứu quốc quân. Các cơ sở quần chúng cũ ở soi Sính, soi Hồng Lương, đội thuyền sắt trên sông Lô bắt đầu hoạt động trở lại.

Đồng thời với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Việt Minh ở phía đông Tuyên Quang, từ Cao Bằng, Bắc Kạn, ngọn lửa cách mạng đã lan tới các huyện: Hàm Yên, Chiêm Hóa, Nà Hang, các xã nằm ở hữu ngạn sông Lô, sông Gâm thuộc huyện Yên Sơn. Quá trình xây dựng phong trào Việt Minh ở vùng núi phía Bắc Tuyên Quang gắn liền với nhiệm vụ đánh thông con đường từ Tuyên Quang, qua Yên Bái tới Hòa Bình của Ban Nam tiến chỉ huy cục, do các đồng chí: Lê Thùy (tức Thiết Lượng) và Hùng Sơn (tức Trọng) chịu trách nhiệm. Vào cuối năm 1943, hai đồng chí xây dựng cơ sở trong đồng bào Dao ở xã Tri Phương (huyện Chiêm Hóa). Vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, cơ sở cách mạng Tri Phương đã được giữ vững. Từ đây, đường dây liên lạc của cách mạng đã phát triển qua Cổng Bình, Đá Lem, Lũng Quần, Pác Hóp. Các đồng chí cán bộ đã sử dụng những hình thức tuyên truyền phù hợp với tâm lý của đồng bào như dựa vào quan hệ họ hàng, láng giềng, tuổi tác, phong tục tập quán... Các đồng chí đã mang theo báo chí, truyền đơn để phổ biến đường lối của Mặt trận Việt Minh như báo Giải phóng, Cứu quốc, Việt Nam độc lập đồng minh... Cuốn Việt Minh tự kinh do đồng chí Võ Nguyên Giáp soạn bằng tiếng Dao được coi là tài liệu cẩm nang để mở các lớp huấn luyện chương trình Việt Minh ngắn hạn. Đội “Nam Tiến” đã kết hợp giữa tuyên truyền cách mạng, gây dựng cơ sở với luyện tập quân sự, thành lập tự vệ võ trang, vận động quần chúng đấu tranh để tập dượt cho phong trào. Trong thời gian này, để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, vấn đề sắm sửa vũ khí được chú trọng.

Sau khi nghiên cứu kỹ địa hình và tình hình phát triển của phong trào ở địa phương, các đồng chí lãnh đạo đội công tác lấy dãy núi Ba Xứ làm xương sống cho con đường tiến quân, chọn Cánh Vần làm trung tâm để chỉ đạo phong trào.

Tháng 1-1944, đội Nam Tiến gặp đội Cứu quốc quân (do đồng chí Ba Thiều và Hoàng Xuân phụ trách) tại chân dãy núi Ba Xứ và thống nhất kế hoạch hành động. Mục tiêu đặt ra là nhanh chóng nối liền các vùng căn cứ ở Tuyên Quang với nhau, phát triển phong trào sang phía tây, lấy dãy núi Là làm con đường tiến sang Yên Bái, Nghĩa Lộ. Để hoàn thành nhiệm vụ to lớn, cấp bách đó, các đồng chí lãnh đạo Ban Nam Tiến, chỉ huy cục và chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân III đã tăng cường cán bộ cho mũi tiến quân của đồng chí Lê Thùy. Từ Cánh Vần, cơ sở quần chúng được mở rộng tới Kim Sơn, Thắng Lợi (Chiêm Hóa), Việt Minh, Cô Ba, Bình Xa, Pom Chạng, Phong Lưu, Đèo Ảng, Khuổi Nhầu, Khuổi Luyện, Phù Loan (Hàm Yên), Thượng Nông, Thượng Giáp, Thượng Lâm, Côn Lôn, Hoa Thành, Sinh Long, Khuôn Hà (Nà Hang), Bạch Xà, Vĩnh Hảo (Vĩnh Tuy - Hà Giang)...

Phong trào cách mạng ở phía tây tỉnh nhà được gây dựng từ năm 1943 (do đồng chí Nguyễn Đình Khôi tuyên truyền, giác ngộ quần chúng). Từ cơ sở quần chúng đầu tiên là gia đình ông Vi Văn Phúc dân tộc Cao Lan ở động Khuôn Lành (thuộc Kim Phú - Yên Sơn), đường dây liên lạc của cách mạng móc nối tới các địa bàn gồm một số xã thuộc huyện Yên Sơn, Yên Bình (tỉnh Yên Bái) và Đoan Hùng (tỉnh Vĩnh Phú).

Đầu năm 1944, một tổ Cứu quốc quân do đồng chí Chu Phóng chỉ huy đã tiến sang phía tây Tuyên Quang. Thời gian sau, cánh quân này bắt liên lạc được với căn cứ Khuôn Lành, phong trào quần chúng ở phía tây tỉnh hòa vào phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Động Bạch Xà (nằm ở chân núi Là, thuộc huyện Yên Bình) trở thành trung tâm của Mặt trận Việt Minh, Ban Việt Minh và các tổ chức Cứu quốc quân được thành lập ở hàng loạt xã: Thắng Quân, Giếng Tanh, Khuôn Lành, Làng Giao, Mơ Cao, Linh Cốc, Cây Thị, Bạch Xà, Mỹ Bằng, Đoan Hùng, Sóc Đăng...

Như vậy, đến giữa năm 1944, phong trào cách mạng đã hình thành ở hầu hết các vùng nông thôn Tuyên Quang; các căn cứ của phong trào đã được nối liền; cuộc đấu tranh của quần chúng phát triển lên thành cao trào; trọng tâm các hoạt động của cách mạng là chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền với những nhiệm vụ cấp bách: đẩy mạnh quá trình xây dựng lực lượng vũ trang có trang bị vũ khí, khẩn trương thực hiện huấn luyện chương trình Việt Minh, thành lập ban Việt Minh các cấp để khi khởi nghĩa nổ ra, các ban này có thể đảm nhiệm vai trò là đại diện của chính quyền cách mạng.

Trước sự lớn mạnh nhanh chóng của phong trào Việt Minh, địch đã mở các cuộc khủng bố, lùng sục vào tận vùng hẻo lánh hòng lùng bắt cán bộ, dập tắt phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc. Sau khi bắt được đồng chí liên lạc của Việt Minh ở Hùng Lợi (Yên Sơn), chúng vây bắt thêm 24 người (hầu hết là đồng bào Dao) giam giữ tại nhà tù Tuyên Quang. Trong nanh vuốt của quân thù, trước đòn tra tấn tàn bạo và thủ đoạn dụ dỗ xảo quyệt, bà con vẫn đứng vững, một lòng, một dạ trung thành với cách mạng. Bị thất bại, bọn Pháp đàn áp dã man những người bị bắt. Trong trận chiến đấu này, đồng chí Đặng Đức Hiến đã hy sinh anh dũng. Không khai thác được gì, cuối cùng bọn địch phải trả tự do cho những người bị bắt.

Tháng 4-1944, thực dân Pháp đã huy động một lực lượng lớn càn quét vùng căn cứ phía bắc tỉnh, bắt một số cán bộ Việt Minh ở Chiêm Hóa. Mặc dù hai đồng chí: Nguyên và Hưng (cán bộ người địa phương) bị địch bắt và tra tấn đến chết, song những người bị bắt không hề nao núng, run sợ. Nhờ tinh thần đấu tranh kiên cường, lòng trung thành tuyệt đối của các đồng chí đối với Đảng, với cách mạng, phong trào ở phía Bắc Tuyên Quang vẫn được giữ vững. Uy thế của cách mạng ngày càng cao, bọn phản động không dám tiếp tục khủng bố phong trào, điều đó đã củng cố lòng tin của quần chúng đối với Mặt trận Việt Minh, hăng hái gia nhập và hoạt động tích cực trong các tổ chức cứu quốc.

Cuối năm 1944, Chiến tranh thế giới thứ hai biến chuyển theo chiều hướng có lợi cho phong trào giải phóng dân tộc. Tình thế trực tiếp của cách mạng Việt Nam ngày càng đến gần. Đáp ứng yêu cầu cấp bách là phải tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho phong trào cách mạng, Trung ương chủ trương giải phóng các cán bộ, đảng viên đang bị giam cầm trong các nhà tù của đế quốc. Thực hiện chủ trương đó, ngày 11-10-1944, cuộc vượt ngục của 12 tù chính trị ở nhà tù Chợ Chu (Bắc Thái) đã được tổ chức thành công. Hầu hết các đồng chí được bổ sung cho phân khu Nguyễn Huệ (gồm có các đồng chí: Song Hào, Tạ Xuân Thu, Nguyễn Công Bình, Trần Thế Môn, Lê Hiến Mai, Chu Quý Lương, Lê Trung Đình...), lấy Tuyên Quang làm địa bàn hoạt động trọng yếu. Được tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo tài năng và dày dạn kinh nghiệm, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang và các tỉnh Bắc Thái, Yên Bái, Hà Giang, Vĩnh Phú... phát triển mạnh mẽ và đều khắp. Đồng thời với quá trình củng cố và mở rộng cơ sở cách mạng, các tổ chức Việt Minh, đội tự vệ, du kích được thành lập, công tác sắm vũ khí, luyện tập quân sự được tiến hành khẩn trương.

Tháng 11-1944, Ban lãnh đạo phân khu Nguyễn Huệ tổ chức hội nghị ở Phượng Liễn để kiểm tra tình hình, phân công địa bàn hoạt động và ra báo Bắc Sơn. Tháng 12-1944, cuộc họp của Ban lãnh đạo chiến khu Hoàng Hoa Thám cũng diễn ra tại Phượng Liễn, quyết định: mở rộng địa bàn hoạt động, chọn Thanh La - Ao Búc làm trung tâm của căn cứ cách mạng, phát động phong trào quần chúng, chuẩn bị lực lượng khi có thời cơ nhanh chóng tiến hành khởi nghĩa. Tại hội nghị này, đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên của Tuyên Quang được thành lập. Một cuộc triển lãm tranh ảnh, cờ Việt Minh đã được tổ chức gây ảnh hưởng rất lớn trong vùng.

Cuối năm 1944, một cuộc mít tinh lớn đã diễn ra ở Thâm Muồi (xã Thanh La - Sơn Dương) nhằm phát động khí thế đấu tranh của quần chúng.

Đầu năm 1945, bọn phản động tay sai đế quốc đem lính đến đàn áp phong trào. Ban chỉ huy Cứu quốc quân tổ chức cuộc mít tinh thu hút hầu hết nhân dân địa phương chống lại sự khủng bố của địch. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của đồng bào các dân tộc, bọn địch buộc phải hủy bỏ cuộc càn quét vào khu căn cứ.

Tình hình đó cho thấy, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang cũng như trong cả nước đã phát triển đến đỉnh cao, bão táp cách mạng đã áp đảo chính quyền của giai cấp thống trị đang trong tình trạng hoang mang, rệu rã cao độ... Điều kiện cho cuộc cách mạng giải phóng đang chín muồi, phong trào đấu tranh của nhân dân tỉnh ta bước sang giai đoạn mới, giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi toàn tỉnh.

(Còn nữa)

Theo Địa chí Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục