Phong trào cách mạng ở Tuyên Quang dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương

- Phong trào cách mạng hình thành, phát triển. Chi bộ Mỏ Than và Ban cán sự Đảng ra đời.

Tháng 6-1937, tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương đã cử đồng chí Hoàng Văn Lịch (Hai Cao) về Tuyên Quang hoạt động. Đồng chí vào mỏ than Tuyên Quang làm việc, tuyên truyền giác ngộ công nhân tinh thần yêu nước, tập hợp thanh niên ưu tú vào tổ chức Đoàn Thanh niên dân chủ, tập hợp nhân dân lao động, công nhân mỏ than vào Hội ái hữu thợ thuyền. Giữa năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Lịch trở về Cao Bằng hoạt động, Xứ ủy Bắc Kỳ phân công đồng chí Vũ Mùi lên phụ trách phong trào Tuyên Quang. Đồng chí Vũ Mùi tiếp tục tuyên truyền trong công nhân mỏ và nhân dân lao động, tổ chức các cuộc đấu tranh chống đánh đập, đòi tăng lương, giảm giờ làm...

Những cuộc đình công đó đã giành được thắng lợi. Bọn chủ mỏ phải chấp nhận đề nghị của công nhân: tăng lương 10%, thợ đốt lò được tăng 5 xu/ngày. Từ đây, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương càng thêm sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân lao động Tuyên Quang; cơ sở cách mạng được gây dựng trong công nhân vận tải đường sông (đoàn thuyền sắt), trong nông dân ở soi Hồng Lương, soi Sính.

Di tích Chi bộ Mỏ Than tại tổ 12, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Tại nước ta, để phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc, thực dân Pháp áp dụng chính sách kinh tế thời chiến, vừa bóc lột nhân dân hết sức tàn bạo, vừa tăng cường đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Phân tích tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (ngày 6-11-1939) nhấn mạnh vấn đề giải phóng dân tộc, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương.

Hội nghị quyết định chuyển hướng chiến lược và phương pháp cách mạng, chỉ thị cho cán bộ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật và giữ vững liên hệ với quần chúng, chuyển trọng tâm về nông thôn, xây dựng nông thôn thành căn cứ địa rộng lớn của cách mạng. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi có đông thợ thuyền.

Tuyên Quang đã xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng, phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động đã có bước phát triển nhưng chưa có tổ chức cộng sản lãnh đạo trực tiếp và thống nhất. Trong khi đó, thực dân Pháp một mặt ráo riết bắt lính, vơ vét tài nguyên phục vụ chiến tranh, một mặt ra sức đàn áp khủng bố phong trào cách mạng.

Nắm vững chủ trương của Đảng, đánh giá đúng thực trạng và yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng địa phương, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập chi bộ Đảng ở Tuyên Quang. Ngày 20-3-1940, Chi bộ Mỏ than, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tuyên Quang được thành lập. Chi bộ có 7 đảng viên là các đồng chí: Vũ Mùi, Lương Quang Mai, Trần Xuân Hồng, Bùi Văn Đức, Lương Hải Bằng, Trần Hải Kế và Trần Thị Minh Châu, do đồng chí Vũ Mùi làm Bí thư.

Ba trong số 7 đảng viên đầu tiên của Chi Bộ Mỏ Than tại nơi thành lập Chi bộ (nay thuộc tổ 12, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang). Từ trái sang phải là các đồng chí: Bùi Đức Kim, Trần Thị Minh Châu, Lương Hải Bằng.

Sự ra đời và các hoạt động của Chi bộ Mỏ than tác động mạnh đến ý thức chống áp bức, chống ngoại xâm của đồng bào các dân tộc địa phương. Sau khi Chi bộ Mỏ than được thành lập, đội tự vệ mỏ cũng được thành lập để bảo vệ và hỗ trợ các hoạt động của quần chúng.

Những năm 1939 - 1940, trong khi phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Mỏ than phát triển mạnh mẽ ở vùng tỉnh lỵ Tuyên Quang, trong mỏ than và vùng lân cận, thì ở vùng nông thôn Sơn Dương, Yên Sơn nhiều cuộc đấu tranh liên tiếp nổ ra với nhiều hình thức như chống thuế, chống bắt lính, khi bị phát xít Nhật bắt trồng thầu dầu, người dân đem hạt ngâm nước sôi làm cho cây không mọc...

(Còn nữa)

Theo Địa chí Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục