Binh lực của địch lúc đó có 12 tiểu đoàn bộ binh và quân nhảy dù. 3 tiểu đoàn trọng pháo và trọng bức kích pháo. Sau mấy đợt tấn công liên tiếp và thắng lợi của quân ta, quân địch bị thất bại phải lần lượt tăng thêm 5 tiểu đoàn quân nhảy dù tinh nhuệ nữa, cộng với một số đơn vị và binh chủng chuyên môn khác, tất cả có trên 21 tiểu đoàn và 10 đại đội. Quân địch bố trí thành một tập đoàn cứ điểm lớn kiên cố hơn Nà Sản nhiều, gồm có nhiều tập đoàn cứ điểm nhỏ hợp lại, cộng tất cả là 49 cứ điểm, đóng trên một khu vực dài 12 cây số, rộng 6 cây số có 2 trường bay lớn, phi cơ hạng nặng có thể xuống được.
Cuộc tấn công của quân ta vào Điện Biên Phủ kể từ ngày 13-3 cho đến ngày mồng 6-5 là ngày quân ta phát động cuộc tổng công kích đã tiếp diễn liên tục và mãnh liệt trong suốt 55 ngày và đêm. Cho đến 22 giờ ngày 7-5 thì quân ta tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã thu được toàn thắng.
Theo những thống kê đầu tiên, quân ta đã tiêu diệt 17 tiểu đoàn bộ binh và quân nhảy dù của địch, 3 tiểu đoàn trọng pháo và trọng bức kích pháo, ngoài ra còn nhiều đơn vị cơ giới, không quân, công binh, vận tải… cũng bị tiêu diệt không một lần nào chạy thoát. Tổng cộng có trên 21 tiểu đoàn bộ binh và quân nhảy dù và 10 đại đội ngụy bổ sung, quân số có đến 16.200 tên địch, đã bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn.
Tù binh Pháp bị quân ta bắt trong đợt tấn công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN
a) Sau đây là phiên hiệu các đơn vị của địch bị ta tiêu diệt
1 - Binh đoàn quân nhảy dù số 2 (GAP 2) gồm 7 tiểu đoàn dù:
- Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 (1er BPC), tiểu đoàn dù lê dương số 1 (1er BEP), tiểu đoàn dù thuộc địa số 2 (2e BPC), tiểu đoàn dù lê dương số 2 (2er BEP), tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 (6e BPC), tiểu đoàn dù thuộc địa số 8 (8e BPC), tiểu đoàn dù nguỵ số 5 (5e BPVN).
2 - Binh đoàn cơ động số 9 (GM 9) gồm 6 tiểu đoàn bộ binh:
- Tiểu đoàn thứ 1 thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 (1/13 DBLE), tiểu đoàn thứ 3 thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 (3/13 DBLE), tiểu đoàn thứ 1 thuộc trung đoàn lê dương số 2 (1/2 REI), tiểu đoàn thứ 3 thuộc trung đoàn Bắc Phi An-giê-ri số 3 (3/3 RTA), tiểu đoàn thứ 1 thuộc trung đoàn Bắc Phi Ma-rốc số 4 (1/4 RTM), tiểu đoàn ngụy Thái số 2 (2 BT).
3 - Binh đoàn cơ động số 6 (GM 6) gồm 4 tiểu đoàn bộ binh:
- Tiểu đoàn thứ 3 trung đoàn lê dương số 3 (3/3 REI), tiểu đoàn thứ 2 thuộc trung đoàn Bắc Phi An-giê-ri số 1 (2/1 RTA), tiểu đoàn thứ 5 thuộc trung đoàn Bắc Phi An-giê-ri số 7 (5/7 RTM), tiểu đoàn nguỵ Thái số 3 (3BT).
4 - Hai tiểu đoàn và 1 đại đội trọng pháo 155 và 105 ly và 1 tiểu đoàn trọng bức kích pháo 120 ly cộng 48 khẩu thuộc trung đoàn pháo binh thuộc địa số 4 (4er RAC).
5 - Hai trung đội phòng không 12 ly 7
6 - Một tiểu đoàn công binh, 1 đại đội cơ giới có 10 xe tăng 18 tấn, đại đội vận tải có 120 xe các loại.
7 - Căn cứ không quân Điện Biên Phủ trong đó có một đại đội không quân thường trực gồm 5 chiếc phi cơ thám thính, 7 chiếc phi cơ khu trục, 4 chiếc phi cơ vận tải, 1 chiếc phi cơ trực thăng, cộng 17 chiếc và cơ quan phụ trách không quân.
8 - Các cơ quan chỉ huy và trực thuộc như tình báo quân sự, thông tin, hậu cần, quân y, hiến binh, đội sửa chữa xe cộ và cơ giới v.v…
9 - 10 đại đội ngụy bổ sung người Thái
Ngoài ra còn có một số bộ binh lẻ thuộc các đơn vị cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ mà địch điều động đến và bắt buộc phải nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để bổ sung cho các đơn vị bị hao hụt. Địch đã gọi bọn này là “bộ đội tình nguyện nhảy dù tăng viện” cho Điện Biên Phủ.
b) Trong số quân địch bị chết hoặc bị bắt làm tù binh, có:
- Toàn bộ cơ quan tổng chỉ huy của địch ở Điện Biên Phủ.
- Toàn bộ 3 bộ chỉ huy ba phân khu Nam, Bắc và Trung tâm.
- Ba bộ chỉ huy của 3 binh đoàn cơ động và tất cả các ban chỉ huy các tiểu đoàn bộ binh và binh chủng nói trên.
Sĩ quan cao cấp hiện đã biết rõ có:
- Tên thiếu tướng Đờ Cát-tri, tư lệnh quân khu Tây Bắc kiêm tư lệnh Điện Biên Phủ bị bắt sống.
- 16 tên quan năm vừa bị bắt vừa bị giết, trong đó có:
Tên quan năm Tờ-răng-ca (Trancart) tư lệnh phó thứ nhất phụ trách công việc địa phương Tây Bắc.
Tên quan năm Gốt-sê (Goucher), tư lệnh phó thứ hai kiêm tư lệnh phân khu miền Bắc và chỉ huy trưởng binh đoàn cơ động số 9.
Tên quan năm Lăng-gờ-le (Langlais), tư lệnh phó thứ ba kiêm chỉ huy trưởng binh đoàn cơ động quân nhảy dù số 2.
Tên quan năm Pi-rốt (Piroth), tư lệnh phó thứ tư kiêm chỉ huy trưởng pháo binh.
Tên quan năm An-li-u (Alliou) thay cho Pi-rốt (Piroth) tử trận.
Tên quan năm La-lăng-đơ (Lalande), tư lệnh phân khu miền Nam kiêm chỉ huy trưởng binh đoàn cơ động số 6.
Tên quan năm Guýt (Guth), tham mưu trưởng Điện Biên Phủ.
Tên quan năm Đu-cờ-ruých (Ducruix) thay cho Guýt (Guth) tử trận.
Tên quan năm Gơ-ranh (Guerin), tư lệnh không quân Điện Biên Phủ.
Tên quan năm Vây-ăng (Vaillant) tư lệnh pháo binh thay An-li-u (Alliou).
Tên quan năm Lơ-mơ-ni-ê (Lemeunier) phó tư lệnh phân khu trung tâm.
Tên quan năm Sê-guyn Pac-di (Seguin Parzies) tham mưu trưởng thay Đờ-cờ-ruých (Ducruix) v.v…
Tổng số sĩ quan bị giết và bị bắt từ quan một đến quan tư là 353 tên, tổng số hạ sĩ quan bị giết và bị bắt là 1.396 tên. Cộng tất cả là 1.749 tên.
“Tổng cộng phi cơ bị bắn rơi và phá hủy ở ngay mặt trận có 57 chiếc, ngoài ra còn 5 chiếc bị bắn rơi trên các tuyến cung cấp cho mặt trận. Tổng cộng là 62 chiếc đủ các loại trong đó có những phi cơ oanh tạc hạng nặng B.24, phi cơ chống pháo B.26, phi cơ vận tải hạng nặng C.119 và phi cơ khu trục Hen-đi-vơ, đều toàn là của Mỹ viện trợ cho Pháp”.
Quân ta thu toàn bộ vũ khí và toàn bộ kho tàng đạn dược quân trang quân dụng trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, hiện chưa thống kê hết được, trong đó chỉ riêng số dù thu được đã có trên 3 vạn chiếc.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thu được thắng lợi vĩ đại như trên là do sự chỉ đạo sáng suốt của HỒ CHỦ TỊCH, TRUNG ƯƠNG ĐẢNG và CHÍNH PHỦ do tinh thần chiến đấu tích cực bền bỉ và anh dũng, tinh thần chịu đựng gian khổ rất cao và sự trưởng thành vượt bậc của toàn thể cán bộ và chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ, do tinh thần tích cực phục vụ tiền tuyến của đồng bào hậu phương và các anh chị em dân công, do sự phối hợp hoạt động rất đắc lực của quân đội và nhân dân trên các chiến trường toàn quốc. Thắng lợi Điện Biên Phủ là một chiến thắng rất to lớn xưa nay chưa từng có trong lịch sử đấu tranh vũ trang của quân dân Việt Nam.
Ngày 8 tháng 5 năm 1954
(Trích thông cáo Bộ Tổng Tư Lệnh)
(Trích Báo Quân đội nhân dân số 147, xuất bản tại mặt trận, ngày 11-5-1954)
Gửi phản hồi
In bài viết