Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương lập, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tổng hợp và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/11/2022.
Một vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua là có nên hay không nên làm dự án điện mặt trời trên đầm An Khê (nằm trong quần thể di tích văn hóa Sa Huỳnh), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Công thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, có văn bản báo cáo Bộ Công thương về việc không tiếp tục đề xuất bổ sung dự án điện mặt trời trên Đầm An Khê vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII).
Năm 1909, tại làng Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ), nhà khảo cổ học M.Vinet (người Pháp) lần đầu tiên phát hiện ra nền văn hóa Sa Huỳnh với trên 200 mộ chum có niên đại cách đây 2.500-3.000 năm. Theo thông lệ, địa danh Sa Huỳnh được lấy để đặt tên cho nền văn hóa Sa Huỳnh, bao gồm quần thể 3 điểm di tích khảo cổ: Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức.
Di tích văn hóa Sa Huỳnh có những giá trị đặc biệt, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1997.
Đây là nơi phát hiện đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh, đồng thời là nơi tìm thấy giai đoạn sớm thuộc sơ kỳ đồng thau phát triển trực tiếp lên Sa Huỳnh sơ kỳ sắt, đó là giai đoạn Long Thạnh. Từ đó, chứng minh văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ có nguồn gốc tính bản địa, hình thành, phát sinh, phát triển ngay trên dải đất miền trung Việt Nam.
Theo các chuyên gia khảo cổ, làng Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh, từ môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo.
Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, là “bảo tàng sống” cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững. Di sản văn hóa dân gian của cư dân sống quanh đầm An Khê, nương tựa vào đầm An Khê là một di sản văn hóa phong phú, đặc trưng, cần phải được sưu tầm, nghiên cứu toàn diện…
Do vậy, việc không tiếp tục đề xuất bổ sung dự án điện mặt trời trên Đầm An Khê vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nhằm bảo vệ quần thể di tích đầm An Khê là hết sức cần thiết.
Liên quan vấn đề này, Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nêu rõ: Giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh việc lập hồ sơ, trong đó lưu ý hồ sơ phải bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của địa phương; đồng thời, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Văn hóa Sa Huỳnh.
Gửi phản hồi
In bài viết