Như một điều kỳ diệu, những câu thơ ấy lại như chính để viết về những cô gái, chàng trai với tuổi thanh xuân sáng bừng như ngọc đã hy sinh anh dũng tại Truông Bồn, thuộc xã Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An ngày 31/10/1968.
“Cả nước đánh giặc, toàn dân là lính”, là tên một bài xã luận của nhà báo Hoàng Tùng đăng trên Báo Nhân Dân năm 1979.
Đó cũng là một tổng kết tính chất toàn dân, toàn diện trong mọi cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta, và vì thế mà nó trở nên vô địch. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với quân đội, thanh niên ta còn được tổ chức trong những lực lượng bán vũ trang là thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến để thực hiện các nhiệm vụ vừa đánh giặc, vừa chi viện cho các chiến trường như mở đường, bảo đảm giao thông, vận chuyển lương thực, vũ khí, tải thương...
Đó là những lực lượng luôn ở tuyến đầu lửa đạn, chịu hy sinh gian khổ bậc nhất và ở đâu cũng sáng chói chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà tiêu biểu là ở Đường 20 Quyết thắng Quảng Bình, Ngã ba Đồng Lộc Hà Tĩnh và Truông Bồn Nghệ An...
Đoạn quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh cơ giới đi qua Truông Bồn khoảng 5km, nhưng chỉ tính từ tháng 6 đến tháng 10/1968, đã hứng chịu 2.692 quả bom các loại của giặc Mỹ. Tại đây, hơn 1.240 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông đã anh dũng hy sinh. Nhưng sự tàn bạo của kẻ thù càng thổi bùng lên ý chí quyết thắng và mạch máu chi viện cho miền nam thân yêu vẫn chảy bền qua cuộc chiến không ngưng nghỉ một ngày.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng ấy mỗi nơi, mỗi lúc có những biểu hiện khác nhau. Với Truông Bồn, sự tình nguyện chiến đấu và hy sinh vào giờ phút cuối cùng khi đế quốc Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền bắc, để lại một thương tiếc không nguôi và mãi mãi xúc động lòng người.
Đoạn quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh cơ giới đi qua Truông Bồn khoảng 5km, nhưng chỉ tính từ tháng 6 đến tháng 10/1968, đã hứng chịu 2.692 quả bom các loại của giặc Mỹ. Tại đây, hơn 1.240 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông đã anh dũng hy sinh. Nhưng sự tàn bạo của kẻ thù càng thổi bùng lên ý chí quyết thắng và mạch máu chi viện cho miền nam thân yêu vẫn chảy bền qua cuộc chiến không ngưng nghỉ một ngày.
Sự ác liệt và anh dũng ở Truông Bồn đã được Anh hùng Lực lượng vũ trang, nhà khoa học quân sự, thành viên của nhóm “Nghiên cứu chống phá thủy lôi từ tính và bom từ trường đảm bảo giao thông những năm 1967-1972” Hoàng Kim Giao, người con của miền biển Đồ Sơn, kể lại trong một bức thư gửi về nhà vào ngày 10/11/1968: “Con được đi tới những vùng ác liệt nhất của chiến trường khu 4. Ở đây có những quãng chỉ 2km mà địch đã trút xuống 5.000 quả bom! Ở đây có những đội thanh niên xung phong cùng với mặt đường phải chịu từng ấy bom đạn và trong đội ngũ kiên cường đó những chiến sĩ phá bom là những người được yêu quý nhất... Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày, mà từng giờ một. Có đồng chí vừa thăm con, nửa tiếng sau đã bị hy sinh… Tuy vậy không phải lúc nào con cũng được cân nhắc tới chuyện sống chết. Bởi con nghĩ rằng cần phải sống, nhưng không thể từ bỏ hay trốn tránh những hy sinh cần thiết! Và lúc đó con lại vững vàng tự tin đứng giữa bãi bom”...
Anh không ngờ rằng, đó là bức thư cuối cùng. Anh đã hy sinh khi một quả bom nổ chậm anh đang phá thình lình phát nổ, thi thể của anh tan hòa trong đất đai xứ Nghệ. Nhà khoa học trẻ, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, lúc ấy mới tròn 27 tuổi...
Bác sĩ Hoàng Kim Ước, em trai Anh hùng Hoàng Kim Giao, người cho tôi xem bức thư này nói: Tin anh trai mất, làm cả nhà bàng hoàng như trời đất sụp xuống. Khi ấy tôi còn nhỏ, mới 8 tuổi. Có những thứ có thể khép lại nhưng nỗi đau thương ấy trong gia đình tôi không bao giờ khép lại được. Cả niềm đau lẫn thương nhớ, khâm phục anh, càng không thể đi ngược con đường, lối sống của anh...
Năm 1968, do chúng ta thắng lớn về quân sự trên chiến trường và trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris, Tổng thống Mỹ Johnson buộc phải ngừng ném bom ở miền bắc vào 0 giờ ngày 1/11/1968. Tại Đại đội 317 thanh niên xung phong Nghệ An, niềm vui hòa bình sắp đến với các anh chị Trần Thị Thông, Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa, Nguyễn Thị Tâm, Trần Thị Doãn, Phan Thị Dung, Hà Thị Đang, Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đàm Thị Bốn, Đinh Thị Vinh, Lê Thị Hường, Phan Thị Thao, Nguyễn Thị Minh... được nhân lên gấp bội khi người được xuất ngũ, người trúng tuyển vào các trường chuyên nghiệp.
Phía trước là đám cưới. Phía trước là giảng đường…
Nhiều anh chị lẽ ra đã rời đơn vị vào ngày 30/10. Nhưng khi nghe cấp trên phổ biến sáng sớm mai sẽ có một đoàn xe đặc biệt vào chiến trường và bộ đội hành quân qua; đơn vị phải ra mặt đường để bảo đảm giao thông, tất cả các anh chị đã tình nguyện ở lại chiến đấu cùng đồng đội, và để “chia tay cuốc xẻng” một thời gắn bó như có chị nói. 4 giờ 30 phút sáng 31/10, sau tiếng kẻng của trực ban Trần Văn Hạp, toàn đơn vị đã có ở mặt đường.
Đó là một buổi sáng mùa đông, bầu trời u ám, bóng đêm không nhìn rõ mặt người. Đại đội vừa sửa đường, vừa đứng làm cọc tiêu trong sương mù cho từng chuyến xe qua, tránh những chỗ lầy thụt và bờ vực. Khi chuyến xe cuối cùng vừa qua khỏi thì tiếng kẻng báo động vang lên. Lúc đó khoảng 6 giờ 10 phút. Một tốp máy bay địch như bầy chó đói điên cuồng ào đến trút những trận mưa bom xuống Truông Bồn. Đợt trước chưa dứt, đợt sau đã tới.
Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc, câu thơ ấy của nhà thơ Thanh Thảo đã nói đúng tâm thế của những thế hệ tuổi trẻ trong chiến tranh.
Trận bom tàn khốc đó đã khiến 13 chiến sĩ hy sinh. Tiểu đội 2 chỉ cứu được Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông nhờ một nòng súng trường nhô lên trong một căn hầm bị sập. Thân thể nhiều đồng chí khác đã tan hòa vào đất đá, cỏ cây. Đồng đội tìm thấy bên một hố bom nửa vành nón có ghi hai chữ “Tặng Dung”. Chị Phan Thị Dung cùng chị Hà Thị Đang, chị Nguyễn Thị Phúc đã có giấy báo nhập học vào Trung cấp Cơ khí Thanh Hóa.
Đồng đội nhặt được một cánh tay mà trên cổ tay còn buộc 1 chiếc khăn mùi soa mầu đỏ, bị bom Mỹ hất tung vào tận bìa rừng, trong chiếc khăn mùi soa có giấy báo nhập học vào Trung cấp Y Nghệ An mang tên Vũ Thị Hiên. Chị Nguyễn Thị Tâm quê Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cùng anh Cao Ngọc Hòa quê Diễn Lộc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) được phục viên, ăn hỏi rồi, chuẩn bị làm đám cưới, đã không bao giờ trở về, để lỡ một cuộc đưa dâu…
Những tấm thân làm cọc tiêu cho xe qua ngày ấy; những tấm thân đã ngã xuống trong loạt bom tọa độ ác nghiệt trước ngày ngừng bắn có hiệu lực, mãi mãi trở thành cọc tiêu cho đất nước, quê hương biết đi về đúng hướng; cho thế hệ mai sau biết đứng thẳng làm người!
Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc, câu thơ ấy của nhà thơ Thanh Thảo đã nói đúng tâm thế của những thế hệ tuổi trẻ trong chiến tranh.
Dĩ nhiên, các liệt sĩ đã không tiếc thân mình vì Tổ quốc.
Nhưng sẽ rất tiếc nếu hiện tại và tương lai không còn nhớ về quá khứ, không còn nhớ những tuổi hai mươi đã vùi tan xương thịt như ở Truông Bồn.
Gửi phản hồi
In bài viết