Ngay sau khi bài báo đăng, ngày 31-8, UBND tỉnh đã ký Văn bản số 4197/UBND-KT về việc "Tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng bắt giun đất bằng thiết bị kích điện trên địa bàn tỉnh". UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố khẩn trương vào cuộc để ngăn chặn tình trạng nạn kích diệt giun.
Vậy một tháng sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, tình hình "giun tặc" tại các địa phương vốn được coi là "điểm nóng" hiện nay thế nào? Báo Tuyên Quang tiếp tục giới thiệu loạt bài điều tra về vấn đề này.
Ngay sau khi UBND tỉnh ra văn bản về việc "Tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng bắt giun đất bằng thiết bị kích điện trên địa bàn tỉnh", tại một số địa phương, lực lượng chức năng đã hành động quyết liệt để ngăn chặn nạn "giun tặc".
Bắt tay vào cuộc
Suốt từ giữa tháng 8, Công an xã Xuân Vân (Yên Sơn) liên tục triển khai các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát ngăn chặn nạn kích diệt giun đất trên địa bàn. Thiếu tá Ma Văn Trường, Trưởng Công an xã Xuân Vân cho biết, các đối tượng kích giun đất thường hoạt động về đêm, khoảng 3 - 4 giờ sáng. Nắm bắt quy luật hoạt động của các đối tượng, lực lượng công an xã đã phối hợp với dân quân phục kích, thu giữ tang vật là bộ kích diệt giun đất. Tính từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9, Công an xã Xuân Vân đã thu giữ 5 bộ kích điện đánh bắt giun đất, lập biên bản nhắc nhở các trường hợp vi phạm.
Cán bộ xã Trung Yên (Sơn Dương) tuyên truyền cho người dân quy định về cấm đánh bắt giun đất.
Song song với công tác tuần tra, kiểm soát, UBND xã Xuân Vân yêu cầu tất cả các thôn rà soát, lập danh chính xác số hộ có người tham gia kích diệt, chế biến giun trên địa bàn để có hướng xử lý.
Đồng chí Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, qua rà soát, toàn xã có 42 hộ dân tham gia kích diệt, chế biến giun đất. Xã đã gửi giấy mời yêu cầu các hộ có tên trong danh sách lên trụ sở xã để làm việc và ký cam kết dừng ngay hành vi tận diệt giun. Xã khuyến khích các hộ giao nộp kích diệt, máy chế biến giun; cũng chỉ đạo lực lượng công an, dân quân, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể từ xã xuống thôn theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tháo dỡ, dẹp bỏ các lò sấy giun.
Theo phản ánh từ các hộ dân, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, bước đầu tình trạng kích diệt, chế biến giun đất trên địa bàn xã Xuân Vân có chuyển biến theo hướng tích cực. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân Triệu Ngọc Lý thông tin, đã có 17 hộ ký cam kết, giao nộp bộ kích, máy chế biến. Xã tiếp tục có giải pháp để 23 hộ còn lại ký kết không kích diệt giun, bảo vệ môi trường đất.
Liên tiếp các đợt phối hợp ra quân giữa công an, dân quân, kiểm lâm nên nạn kích diệt giun đất cũng đã tạm lắng trên địa bàn xã Trung Yên (Sơn Dương). Đại úy Trần Chung Kiên, Trưởng Công an xã cho biết, cán bộ trong đơn vị liên tục tuần tra, kiểm soát, trong đó tập trung vào ban đêm. Công an xã công khai số máy của trưởng, phó công an xã sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác của quần chúng Nhân dân về nạn kích giun ở bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Danh sách cam kết của người dân Xuân Vân (Yên Sơn) không tái diễn kích diệt giun đất.
Đồng chí Ma Văn Tụ, Chủ tịch UBND xã Trung Yên chia sẻ, cùng với những biện pháp của lực lượng chức năng, xã giao việc và gắn trách nhiệm của cán bộ trong việc ngăn chặn nạn kích diệt giun cụ thể: "Đất của xã, cán bộ, công an, dân quân có trách nhiệm giữ". Ở thôn, bản, xã tuyên truyền, vận động theo phương châm: "Đất nhà ai, nhà đó phải có trách nhiệm giữ", "đất thôn nào, trưởng thôn, người dân thôn đó giữ".
Chủ tịch UBND xã Ma Văn Tụ khẳng định, nạn kích diệt giun xảy ra trên địa bàn xã những tháng vừa qua đều do người địa phương khác cấu kết với một số người dân trong xã thực hiện. Xã tiếp tục duy trì, kiên quyết xử lý mạnh tay với các hành vi kích diệt giun đất.
Vẫn còn điểm nóng
Quá trình tìm hiểu, một số địa phương quyết liệt thực hiện thì tình trạng kích giun đã dịu xuống, tuy nhiên vẫn còn những địa phương nạn kích diệt giun đất vẫn "nóng" gây bức xúc trong cộng đồng. Ngay tại thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) dù đã có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Yên Sơn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng nhiều hộ vẫn ngang nhiên kích diệt giun giữa thanh thiên bạch nhật.
Công an xã Kim Bình (Chiêm Hóa) thu giữ dụng cụ kích giun đất trên địa bàn.
Trong vai người đi thu mua giun, chúng tôi không khó để tiếp cận những người kích diệt giun đất. Khi chúng tôi hỏi mua, ông N.T.T đang kích giun ngay trên ven đường thẳng thừng nói, hàng đã được đặt, không có bán ra ngoài. Mặc dù chúng tôi trả giá 60 nghìn đồng/1 kg giun sống, (tức cao hơn 15 nghìn đồng so với đầu nậu thu mua), người đàn ông lưỡng lự bảo để xem vì ở đây đầu thu mua sẵn sàng cung cấp máy kích mà không cần trả vốn.
Theo người dân thôn Soi Tiên chỉ trong 2 tháng mùa mưa, đã có khoảng 4 - 5 tấn giun sống được bán cho đầu nậu. Ông P.L.V, nguyên cán bộ xã Phúc Ninh bức xúc, thôn có khoảng 20 hộ có máy kích giun, cứ mưa xuống là người dân mang kích điện ra cắm tại trục đường thôn. Những âm thanh chói tai rít lên, không lâu sau những con giun bằng ngón tay không chịu được đòn tra tấn đã phải ngoi lên mặt đất. Với cương vị đảng viên, ông V. đã nhắc nhở nhưng nhiều người phớt lờ. Ông V. lo lắng: nếu xã, ngành chức năng không vào cuộc xử lý triệt để, những "bờ xôi, ruộng mật" của thôn sẽ không còn, thay vào đó là diện tích đất chết. Bởi xung điện từ những bộ máy kích sẽ hủy diệt tất cả những con giun, kiến và nhiều sinh vật khác.
Nhận diện chiêu bài
Giun sau chế biến sẽ tiêu thụ ở đâu? Sử dụng vào mục đích gì? Có tác dụng như thế nào với sức khỏe con người?... là câu hỏi luôn được nhóm phóng viên đặt ra trong quá trình thâm nhập, làm việc với những người kích diệt, chế biến giun. Và tất thảy các câu trả lời nhận về đều là sản phẩm không tiêu thụ trong nước, chỉ biết rằng có người thu mua, lợi nhuận cao nên họ bất chấp làm liều, không quan tâm đến hệ lụy sau này.
Theo một nguồn tin của công an các xã Trung Yên, Hợp Hòa, Thiện Kế (Sơn Dương), Xuân Vân, Trung Trực (Yên Sơn), Kim Bình (Chiêm Hóa) - những địa phương nhiều năm tồn tại tình trạng kích diệt, chế biến giun đất hay còn gọi là "địa long", giun khô được đầu nậu thu gom, vận chuyển ra địa bàn, tiếp tục bán cho thương lái nước ngoài vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Rất nhiều bài học đắt giá của thương lái nước ngoài thu mua những thứ dị biệt trong nhiều năm qua và hậu quả vẫn còn để lại như: Mua bán ốc bươu vàng, lá tre mai, móng trâu, cây sưa... và giờ đến giun đất.
Hoạt động kích diệt giun đất diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật tại thôn Soi Tiên và Những con giun bị kích diệt chờ đưa về sơ chế.
Hơn 10 năm về trước thương lái bất ngờ thu mua ốc bươu vàng, rất nhiều người dân thay vì diệt trừ lại phát triển. Khi ốc phát triển tràn lan, họ dừng thu mua. Hậu quả để lại không biết đến bao giờ mới diệt trừ hết.
Không đâu xa, 5 - 7 năm trước, thương lái nước ngoài thu mua cây sưa, đỉnh điểm, khi cơn sốt cây sưa rất nhiều nhà vườn phá bỏ diện tích cây ăn quả để lao vào trồng sưa, bất chấp những cảnh báo từ cơ quan chức năng. Và hậu quả là chính người dân gánh chịu, gần chục năm trồng, chăm sóc nhiều vườn sưa giờ đã không còn giá trị như trước, bỏ thì thương mà vương thì tội.
Ngoài ra, các mặt hàng như cau non, cau già và hàng loạt các mặt hàng lạ đời khác cũng từng được thương lái nước ngoài thu mua với chung một kịch bản. Thương lái nước ngoài giấu mặt, bỏ tiền thuê người Việt là đầu mối thu mua, dùng hiệu ứng "tâm lý đám đông", đánh đúng vào lòng tham vì lợi ích trước mắt của nhiều người.
Chân tướng sự việc và những hành động thu mua nông sản dị biệt, trong đó có giun đất của thương lái nước ngoài là những chiêu bài phá hoại sản xuất kinh tế, hủy hoại môi trường, gây mất an ninh trật tự trong cộng đồng và còn nhiều tác hại mà khó có thể lường hết.
Chưa có câu trả lời chính xác về tác dụng của sản phẩm giun đất sau chế biến nhưng tác hại của nó thì đã nhìn thấy rất rõ. Nhiều diện tích đất đang chết dần vì mất vi sinh vật có lợi, cộng đồng mất đoàn kết vì chuyện kích diệt giun.
Ông Ma Đình Văn, thôn Kim Quan, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) bức xúc, năm 2020, gia đình ông trồng 1.300 m2 chuối mô, tuy nhiên chưa được thu hoạch, nạn kích giun đã hủy hoại. Vắng bóng ông ở cánh đồng, là những đối tượng kích giun cắm xung điện xuống ruộng chuối, khiến cho những cây chuối mẹ cháy khô rễ, không đẻ được mầm, lụi dần và chết. Kế hoạch phát triển sản phẩm hàng hóa chuối tiêu hồng của ông thất bại chỉ trong thời gian rất ngắn.
Sản xuất nông nghiệp đang đi theo hướng bền vững và yêu cầu đầu tiên là chất lượng đất, trong đó tiêu chí quan trọng số 1 là số lượng giun đất trên một mét vuông đất. Khi số lượng giun đất trên một mét vuông đất lớn hơn 50 có nghĩa là đất ở trạng thái khỏe mạnh; khi số lượng từ 20 đến 50 có nghĩa là đất đang ở trạng thái thoái hóa vừa phải. Nếu chỉ có từ 4 đến 20 con nghĩa là đất đang ở trạng thái thoái hóa nặng. Nếu nạn kích diệt giun tràn lan mang tính hủy hoại như hiện nay sẽ giảm số lượng giun đất, từ đó làm thay đổi điều kiện đất, dẫn đến suy thoái cấu trúc đất. Đất sẽ chai cứng lại, thông gió và thấm nước kém, giảm khả năng trữ nước và phân bón, ảnh hưởng đến chức năng hệ sinh thái.
(còn nữa)
Thiếu tá Tướng Văn Ba
Trưởng Công an xã Hùng Lợi (Yên Sơn)
Siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát
Công an xã đã tham mưu với Chủ tịch UBND xã ban hành quy chế phối hợp giữa lực lượng công an và quân sự, kiểm lâm thực hiện tuần tra, kiểm soát, nhất là vào buổi tối, đêm hay khi trời vừa tạnh mưa. Bên cạnh đó, lực lượng công an đã tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức về tác dụng của giun đối với môi trường đất và nâng cao trách nhiệm, khi phát hiện trường hợp kích điện bắt giun đất trên địa bàn cần báo ngay cho chính quyền, công an xã để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; vận động người dân tự nguyện giao nộp máy kích giun và tháo dỡ lò sấy giun. Từ đầu năm đến nay, công an xã đã phát hiện thu giữ 8 bộ kích giun; yêu cầu 7 cơ sở, hộ gia đình ký cam kết dừng hoạt động.
Đồng chí Lý Văn Huynh
Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng (Yên Sơn)
Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân
Hiện nay, trên địa bàn xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) có 670 ha chè và gần 40 ha cây ăn quả. Sau khi nhận các văn bản chỉ đạo của cấp trên về nạn kích giun trên địa bàn huyện Yên Sơn, Ban Chỉ đạo phòng chống các vấn đề có hại đến môi trường của xã đã chỉ đạo lực lượng quân sự, công an viên tuần tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi kích giun trái phép trên địa bàn. Đồng thời tổ chức tuyên truyền tác hại việc kích giun đất đến từng hộ gia đình. UBND xã chỉ đạo cán bộ thôn, trưởng các tổ chức đoàn thể của thôn tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên về phòng, chống các hành vi này. UBND xã, cán bộ thôn đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, qua hệ thống loa truyền thanh không dây của xã, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của hành vi kích giun đất, các chế tài xử lý của pháp luật đối với hành vi kích giun đất. Từ đó vận động người dân trở thành "tai, mắt" của chính quyền khi phát hiện các hành vi kích diệt giun đất, vì vậy trên địa bàn xã không xảy ra trường hợp nào kích diệt giun.
Đồng chí Nguyễn Văn Đông
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cầu Bâm, xã Sơn Nam (Sơn Dương)
Phát hiện, xử lý các đối tượng kích giun đất
Trước đây, tình trạng kích giun đất xảy ra rất phức tạp ở nhiều nơi trong đó có thôn Cầu Bâm. Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối để thực hiện hành vi này. Sau khi UBND có văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng bắt giun đất bằng thiết bị kích điện trên địa bàn tỉnh, nhiều giải pháp đã được các cấp triển khai thực hiện. Thôn đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở người dân không tiếp tay cho đối tượng kích giun đất, khi phát hiện đối tượng lạ mặt thông báo ngay với thôn. Đồng thời tổ tự quản của thôn cũng tăng cường đi tuần tra, kiểm soát vừa đảm bảo an ninh trật tự để kịp thời phát hiện các trường hợp kích giun đất, báo với chính quyền xã có biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn.
Gửi phản hồi
In bài viết