Tới dự Lễ ra mắt có ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ; ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện thông tin và truyền thông cùng các ban, ngành địa phương và quan khách, bà con trong thôn.
Ý tưởng thiết kế, cải tạo, tích hợp đưa sách vào nhà văn hóa là dự án đã được Tân Việt Books lên kế hoạch chuẩn bị trong một khoảng thời gian dài. Với dự án này, mỗi mô hình nhà văn hóa sẽ được trang bị khoảng 3.000-5.000 đầu sách chất lượng cao cho các lứa tuổi, đa dạng về thể loại của các đơn vị xuất bản uy tín trong và ngoài nước. Ngoài ra, không gian đọc rộng rãi, thoáng mát cũng là ưu điểm vượt trội để bà con địa phương, nhất là trẻ em có thể tiếp cận sách dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đã chúc mừng và chia sẻ trong buổi lễ ra mắt về dự án xây dựng và cải tạo các nhà văn hóa cộng đồng tại địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn do do Tân Việt Books khởi xướng.
Ông cho biết, sau 8 năm thực hiện ngày sách Việt Nam, năm 2021 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1862/QĐ-TTg tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được tổ chức vào 21/4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc. Ngay lập tức, Cục đã phối hợp với Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai kế hoạch toàn quốc”.
Ông Nguyễn Đức Hồng, Chủ tịch UBND Xã Long Hưng cho biết, trước đây nhà văn hóa thôn Như Lân chủ yếu sử dụng để họp các vấn đề của thôn. Tuy nhiên công trình xây dựng mấy chục năm đã xuống cấp. Khi được đầu tư chỉnh trang, nhà văn hóa vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng vừa là không gian đọc sách với hơn 6.000 đầu sách hay, sách quý.
Người dân các lứa tuổi trong thôn được tiếp cận văn hóa đọc qua những cuốn sách mới nhất, đa dạng về thể loại và mang đến giá trị tinh thần quý báu nên rất vui mừng. Ông mong muốn mô hình này có thể lan tỏa tới tất cả các thôn, xã của tỉnh Hưng Yên.
Sau mô hình đầu tiên là nhà văn hóa thôn Như Lân, Tân Việt Books sẽ cùng các thành viên trong Ban Dự án tiếp tục kêu gọi tài trợ và triển khai xây dựng không gian đọc cộng đồng tại nhiều vùng quê mới. Mục tiêu mà Ban Dự án đặt ra là khoảng 300 điểm Nhà văn hóa và Không gian văn hóa đọc cộng đồng.
“Tôi đặt ra con số như vậy là tạo áp lực cho chính mình để cố gắng hơn nữa trong việc lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng. Chúng tôi sẽ cùng chính quyền địa phương thành lập ban quản lý cho mỗi nhà văn hóa với ít nhất từ 4 đến 5 cán bộ. Chúng tôi sẽ đào tạo, hướng dẫn và đồng hành cùng địa phương để cải tạo, duy trì hoạt động thường xuyên và hữu ích”, CEO Tân Việt Books Nguyễn Kim Thoa chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở đó, bà Kim Thoa còn lên kế hoạch thực hiện những buổi talk show hằng tuần với các chủ đề khác nhau, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc đọc sách, hình thành thói quen đọc, và vận dụng sáng tạo những điều học trong sách, yêu sách như người bạn tri kỷ của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết