Bà Phạm Thị Viễn bên khẩu súng cao xạ tại Bảo tàng Chiến thắng B52.
Vào một ngày đông giá rét tháng 12/2022, cô tự vệ Phạm Thị Viễn hôm nào cùng những đồng đội đã nhau chiến đấu bên khẩu súng cao xạ, đã đến thăm Bảo tàng Chiến thắng B52.
Ở tuổi 73, đôi mắt đã mờ, đôi tay đã run, bà Viễn bồi hồi nhìn lại những chứng tích của một thời bão lửa cách đây tròn 50 năm.
Bà dừng hồi lâu trước xác những chiếc máy bay địch bị bắn cháy, những mảnh bom hay chiếc mũ sắt của bộ đội, tự vệ ta đã dùng hôm nào. Đặc biệt, ở đó có xác chiếc máy bay F111A mà năm xưa chính bà cùng đồng đội đã bắn cháy. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng chứng kiến những dấu tích chiến tranh, ký ức trong bà Viễn cùng anh em cựu dân quân tự vệ hôm nào lại sống dậy…
Năm 1972, nỗi đau ập xuống gia đình bà Phạm Thị Viễn. Trong một lần máy bay địch đánh phá, mẹ bà đã nhường chỗ cho một đứa trẻ trong hầm trú ẩn và bị trúng bom. Mẹ mất, em út của bà khi đó mới 4 tuổi.
Nén nỗi đau, bà Viễn xung phong nộp đơn xin vào Đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động. Lúc ấy, do chưa đủ tuổi bà còn phải khai tăng thêm một tuổi để được chấp nhận. Vừa sản xuất, đội tự vệ vừa tham gia trực chiến. Đến tháng 12/1972, cuộc tập kích Hà Nội và miền bắc của Mỹ bắt đầu với những chiếc pháo đài bay B-52 và nhiều loại máy bay hiện đại khác.
Những ngày đầu, đơn vị bà Viễn được giao nhiệm vụ hỗ trợ tiếp đạn cho trận địa pháo 100 ly do khẩu súng máy cao xạ 14,5 ly của đơn vị tự vệ không đủ tầm với đến B-52. Đến chiều 22/12, đơn vị bà được giao nhiệm vụ kéo hai khẩu súng cao xạ lên trận địa mới ở Vân Đồn (gần cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt- Xô). Cùng tham gia giữ trời Hà Nội ở đây là lực lượng tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên và Nhà máy Gỗ Hà Nội.
Bà Viễn bồi hồi nhớ lại: “Buổi tối hôm đấy địch đánh phá dữ dội. Liên đội chúng tôi giữ vững trận địa để “đón” những chiếc máy bay tầm thấp. Nhận được thông tin máy bay địch bay từ hướng Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đến Hà Nội, súng cao xạ của chúng tôi và các anh em tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên và Nhà máy Gỗ Hà Nội chĩa nòng đón lõng theo hướng định sẵn. Đây là hướng mà quân và dân ta đã theo dõi, nghiên cứu kỹ quy luật, dự đoán hướng máy bay địch sẽ di chuyển trước đó”. Khi máy bay địch bay “tới tầm”, nhận lệnh của chỉ huy, toàn liên đội đồng loạt cho “khạc lửa” loạt đạn 14,5 ly. Kết thúc loạt bắn, liên đội chỉ nhìn thấy chiếc máy bay “bay vèo” qua như một đốm sáng. Đến sáng hôm sau, Liên đội mới biết mình đã bắn rơi máy bay F111A. Chiếc máy bay sau khi trúng đạn đã bay tiếp và rơi ở Hòa Bình, quân dân đã bắt sống 2 phi công lái máy bay đó.
Vài ngày sau, bà Viễn nhận được tin dữ tiếp theo. Bố bà đã mất trong một trận B-52. Nén nỗi đau thêm một lần nữa, bà Viễn chít khăn tang giữ vững trận địa cùng anh em tự vệ bên khẩu súng cao xạ.
Nhiếp ảnh gia Văn Bảo đã chụp lại hình ảnh cô Viễn ngày ấy với vành khăn trắng trên đầu. Bức ảnh đó đã trở thành một hình ảnh đại diện cho Hà Nội kiên cường mà anh dũng. Bà Viễn còn tiếp tục công tác trong vai trò dân quân tự vệ thêm nhiều năm nữa.
Cùng thăm lại những chứng tích của 12 ngày đêm trận Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không với bà Viễn là ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên. Mái đầu của bà Viễn, ông Hùng nay đã điểm bạc. Nhưng họ nhớ mãi và tự hào về một thời thanh niên sôi nổi.
Lúc đó, ông Hùng vinh dự là xạ thủ số 1. Ông Hùng bảo: “Bước vào trận chiến, dù biết là hiểm nguy, nhưng ai cũng nóng lòng lập công, góp phần bảo vệ Hà Nội, đánh đuổi quân xâm lược. Khi chúng tôi đồng loạt cùng nhau điểm xạ, thì vẫn thấy chiếc máy bay rẹt qua đầu. Ngay sau đó chỉ huy yêu cầu báo cáo thao tác chiến đấu thì chúng tôi đã thực hiện đúng lệnh chỉ huy. Hôm sau nhận được tin chúng tôi đã bắn rơi máy bay, chúng tôi vô cùng xúc động khi được Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng tới thăm anh em dân quân tự vệ”.
Truyền thống giữ nước qua bao đời của người Việt là chiến tranh nhân dân, là thế trận lòng dân, với sự tham gia của nhiều lực lượng. Đối mặt với kẻ thù mạnh, đem đến những cỗ máy chiến tranh hiện đại hàng đầu, với những vũ khí còn thô sơ, nhưng sự phối hợp tác chiến đã giúp chúng ta làm nên chiến thắng. Bài học chiến tranh nhân dân vẫn luôn mang tính thời đại, dù chiến tranh đã lùi vào quá khứ.
Gửi phản hồi
In bài viết