Tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong Lễ khai mạc.
Lễ hội do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng Sản và thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức.
Dự Lễ hội có các ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, thành phố Hải Phòng và đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng du khách mọi miền Tổ quốc.
Phát biểu khai mạc lễ hội, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, Việt Nam là quốc gia biển, có bờ biển dài hơn 3.260km và hàng nghìn đảo lớn nhỏ phân bổ đều khắp đất nước.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, biển đảo luôn có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt, là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, không gian phát triển bao đời của dân tộc ta.
Cùng với quá trình “cộng sinh” với biển của dân tộc ta, biển đảo còn là cửa ngõ giao thương, hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới; là phòng tuyến vững chắc trong công cuộc bảo vệ đất nước…
Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc trong khai mạc Lễ hội Văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, biển đảo vừa khởi tạo không gian sinh tồn, vừa bồi đắp, kết tinh không gian văn hóa khoáng đạt, phong phú, đặc sắc.
Văn hóa biển đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam, thống nhất trong đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc tồn tại mãnh liệt trong tâm thức người Việt.
Trong văn hóa biển đó, nhiều lễ hội dân gian độc đáo được ghi dấu, lưu giữ, trao truyền, phát triển đến ngày nay và trở thành nét đẹp truyền thống, đặc trưng của người dân miền biển.
Lễ hội đảo Hòn Dấu- một lễ hội độc đáo của cư dân miền biển Hải Phòng.
Lễ hội văn hóa biển đảo Việt Nam thường gắn tục thờ thần biển, gắn với đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, mong ước cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn…
Phó Chủ tịch nước khẳng định, Lễ hội văn hóa biển đảo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Phòng là mốc khởi đầu ý nghĩa cho một sự kiện thường niên có giá trị văn hóa sâu sắc, nhằm giới thiệu, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa dân gian miền biển đến đông đảo người dân trong và ngoài nước.
Đồng thời, Lễ hội cũng là hoạt động nhằm kích cầu du lịch, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, nhất là đối với ngư dân và các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong rằng, lễ hội biển đảo sẽ trở thành nguồn lực và động lực tinh thần quan trọng, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.
Trong đêm khai mạc, đông đảo khán giả đã được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với các tiết mục được đầu tư công phu về ý tưởng, nghệ thuật, dàn dựng sân khấu và các tiết mục cũng mang đậm bản sắc văn hóa của biển đảo Việt Nam.
Các tiết mục tái hiện văn hóa độc đáo của cư dân miền biển Việt Nam.
Cùng với đó là màn trình diễn pháo hoa đặc sắc mở màn cho mùa du lịch biển sôi động tại Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng).
Đây cũng là món ăn tinh thần đặc biệt dành tặng người dân Đồ Sơn nói riêng, người dân Hải Phòng và đông đảo du khách trong và ngoài nước trong dịp nghỉ lễ 30/4 và ngày 1/5.
Trong ngày 29/4, tại bãi biển Vụng Hương trong Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn) cũng đã diễn ra Liên hoan trò chơi dân gian biển đảo với sự tham dự của hơn 300 vận động viên, đến từ 10 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước thi đấu 3 bộ môn đua thuyền rồng, bóng chuyền bãi biển và kéo co.
Các trò chơi dân gian biển đảo thu hút đông đảo mọi người tham dự và cổ vũ.
Các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian đặc sắc đã góp phần tôn vinh những nét đẹp truyền thống của Hải Phòng nói riêng cũng như văn hóa biển đảo Việt Nam nói chung, cổ vũ tinh thần rèn luyện sức khỏe thể chất để lao động và bảo vệ Tổ quốc của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết