Cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Theo kết quả công bố của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) năm 2022, PCI của tỉnh đạt 62,86 điểm, giảm 1,9 điểm; giảm 23 bậc, đứng thứ 52 cả nước; giảm 4 bậc, đứng thứ 10 khu vực Trung du miền núi phía Bắc và nằm trong số các tỉnh có điểm số thấp của cả nước.
Trong 10 chỉ số thành phần năm 2022, có 4 chỉ số tăng điểm gồm: Cạnh tranh bình đẳng (tăng 0,7 điểm), Chi phí không chính thức (tăng 0,16 điểm), Đào tạo lao động (tăng 0,09 điểm), Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (tăng 0,01 điểm). Tỉnh có 6 chỉ số bị giảm điểm gồm: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 0,95 điểm), Tính minh bạch (giảm 0,91 điểm), Tính năng động và tiên phong của chính quyền (giảm 0,74 điểm), Chi phí thời gian (giảm 0,53 điểm), Gia nhập thị trường (giảm 0,33 điểm), Tiếp cận đất đai (giảm 0,14 điểm).
Nhìn từ những chỉ số bị giảm điểm cho thấy, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh còn chậm, chưa đạt yêu cầu đặt ra. Đâu đó vẫn còn những điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại một số sở, ban, ngành và địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; một số nội dung triển khai còn mang tính hình thức, chất lượng hiệu quả chưa rõ nét.
Các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.
Theo đánh giá của VCCI, việc giảm điểm PCI của tỉnh cũng cho thấy vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang gặp nhiều vấn đề cần khắc phục. Qua thống kê năm 2022 số doanh nghiệp của tỉnh báo lãi chỉ đạt 48% (giảm 16% so với năm 2021), trong khi đó doanh nghiệp báo lỗ lên đến 33% (tăng 6% so với năm 2021). Các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ “sức đề kháng yếu” khi có những biến động về thị trường rất dễ chịu tác động, trong khi đó việc triển khai các chính sách hỗ trợ lại chậm, rất nhiều vướng mắc về thủ tục.
Theo thống kê, có tới 40% doanh nghiệp của tỉnh gặp phải khó khăn về tín dụng, trong khi đó việc tiếp cận về đất đai hiện nay gặp nhiều khó khăn, thiếu quỹ đất, việc giải quyết các TTHC về đất đai còn chậm. Một số cán bộ, công chức khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC vẫn có thái độ “vòi vĩnh” làm khó doanh nghiệp...
Điển hình như Công ty cổ phần May Yên Sơn đang phải thuê mặt bằng để sản xuất. Doanh nghiệp này đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện để doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất, không phải thuê nhà xưởng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết xong.
Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại của UBND tỉnh tháng 4/2023 nhiều doanh nghiệp phản ánh về lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự cởi mở, đồng hành cùng doanh nghiệp; có tư tưởng nhìn nhận và đánh giá năng lực, trình độ của doanh nghiệp đóng trên địa bàn yếu kém trong khi không có chính sách cởi mở để tạo điều kiện hỗ trợ, bảo vệ cho doanh nghiệp tại địa phương. Một số sở, ban, ngành, UBND cấp huyện chưa giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị, vướng mắc, khó khăn chính đáng của các doanh nghiệp tại các kỳ đối thoại Cafe Doanh nhân, Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp.
Cần sớm có giải pháp cải thiện Chỉ số PCI
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng việc giảm điểm phần lớn là nguyên nhân chủ quan. Trước hết việc xây dựng và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật là khá cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Nhiều cán bộ khi thực hiện công việc còn có tâm lý sợ sai, trình độ chuyên môn yếu, chậm nhất là đối với lĩnh vực về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Thập, qua những chỉ số giảm điểm, sở, ngành nào có liên quan thì cần phải có trách nhiệm phân tích kỹ các nguyên nhân của đơn vị mình để có giải pháp sớm khắc phục. Trong đó, đặc biệt phải nhanh chóng nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ tại Bộ phận Một cửa các cấp; các sở, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch, triển khai các dự án, giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với các thông tin chỉ đạo, điều hành và chủ trương, chính sách của tỉnh; tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các sở, ngành, huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện các giải pháp cụ thể, kịp thời chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị rằng các sở, ban, ngành, huyện, thành phố nên dành thời gian lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người dân để nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực thi áp dụng pháp luật với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Đối với nhiệm vụ cải thiện Chỉ số PCI, trong công tác chỉ đạo điều hành thời gian qua là rất quyết liệt, Ban Thường vụ Tỉnh đã có Chỉ thị số 02-CT/TU về đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022; UBND tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch chi tiết, có lộ trình về nâng cao Chỉ số (PCI) tỉnh Tuyên Quang năm 2022 và những năm tiếp theo... Vấn đề còn lại là cần phải thể hiện sự quyết tâm thể hiện các cơ quan, đơn vị: chính quyền minh bạch, cán bộ công chức tận tâm, trách nhiệm với tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Đội ngũ cán bộ, công chức phải thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ; giao tiếp với người dân và doanh nghiệp trên tinh thần “hỗ trợ - lắng nghe - thân thiện - nhiệt tình”. Quyết liệt đẩy mạnh cải cách TTHC, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.
Gửi phản hồi
In bài viết