Ông Đào Quang Tuấn, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết, từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ lãi suất tiền vay cho 268 hộ nghèo và cận nghèo để phát triển chăn nuôi kết hợp xây bể Biogas với kinh phí trên 2,5 tỷ đồng theo nguồn vốn hỗ trợ của UBND tỉnh; cho 482 hộ nghèo, cận nghèo vay hỗ trợ sản xuất hàng hóa với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn đẩy mạnh công tác khuyến nông, lâm, ngư và hướng dẫn, hỗ trợ cho 57.776 lượt người dân và các hộ gia đình, hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; thực hiện chuyển giao kỹ thuật sản xuất bằng phương pháp cầm tay chỉ việc cho người nghèo. Trong năm 2020, huyện thực hiện 14 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế tại 14 xã trên địa bàn huyện, kinh phí hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng với 289 hộ nghèo và cận nghèo tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Các dự án như hỗ trợ 128 con trâu sinh sản, 46 con bò sinh sản, 98 con lợn sinh sản, 8 con dê sinh sản, 15 máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp…
Phụ nữ xã Thiện Kế (Sơn Dương) hướng dẫn hội viên thôn Vạt Chanh trồng dưa chuột thoát nghèo để phát triển kinh tế.
Định kỳ hằng năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức rà soát, bình xét hộ gia đình nghèo, người nghèo và hộ cận nghèo đảm bảo đúng quy trình, quy định. Anh Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế nói, xã có 14 thôn với 633 hộ và 6.904 nhân khẩu, gồm 10 dân tộc anh em cùng sinh sống. Để làm tốt công tác giảm nghèo, xã chủ động xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng thôn, kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã, các tiểu ban chỉ đạo giảm nghèo của từng thôn hàng năm. Hằng năm, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện, Hội Nông dân xã tổ chức các lớp tập huấn, nhằm nâng cao kiến thức cho nông dân, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Đầu năm 2020, xã có 94 hộ nghèo, chiếm 5,93% đến cuối năm còn 73 hộ, chiếm 4,6%, thu nhập bình quân 39 triệu đồng/người/năm.
Ngoài hỗ trợ về vốn, hằng năm huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ nghèo được tiếp cận một cách hiệu quả. Anh Bùi Tiến Vũ, thôn Ao Búc, xã Trung Yên cho biết, nhờ được tập huấn về trồng dưa chuột do xã tổ chức, gia đình anh đã áp dụng và trồng được 10 sào, đến nay mỗi sào dưa cho thu 1,5 - 2 tấn quả, giá bán 6.000 đồng/1kg. Qua hơn 1 vụ trồng dưa chuột, gia đình anh cũng thu được hơn 30 triệu đồng. Anh thấy mô hình rất hợp với đồng đất ở đây để cho người dân lựa chọn trồng, phát triển kinh tế có hiệu quả.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng các chính sách hỗ trợ y tế cho hộ nghèo như cấp thẻ BHYT cho các đối tượng người dân tộc thiểu số vùng khó khăn; đã có 32.075 lượt hộ nghèo được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT với kinh phí trên 6 tỷ đồng. Huyện cũng hỗ trợ 336 phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách; xây dựng 4 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 4 hộ nghèo được hỗ trợ giếng nước, bể nước… Đầu năm 2020, toàn huyện có 4.644 hộ nghèo, chiếm 9,31%; hộ cận nghèo 6.583 hộ, chiếm 13,2%. Đến cuối năm toàn huyện còn 3.331 hộ nghèo, chiếm 6,66%; số hộ cận nghèo 5.853 hộ chiếm 11,71%.
Năm 2021, huyện Sơn Dương phấn đấu giảm 996 hộ nghèo, còn 2,03%. Để đạt được kết quả này, huyện sẽ tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai đến người dân, nhất là những hộ nghèo về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn; liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Gửi phản hồi
In bài viết