Tiếng hát của họ lúc này có ý nghĩa hơn bao giờ hết bởi khán giả là những người bệnh đang chống chọi với “bóng đen” Covid-19, là những y, bác sĩ ngày đêm chiến đấu với bệnh tật, là những người đang thực hiện cách ly, đội ngũ phục vụ... Tất cả đều đang chịu sức ép rất lớn về tinh thần và tiếng hát đến với họ như một cơn gió mát lành, xua tan ảm đạm, tiếp thêm sự phấn chấn để vượt qua bệnh tật, vượt qua khó khăn. Hình ảnh khán giả trong khu cách ly đứng trên tầng cao múa theo điệu nhạc, những y, bác sĩ giữa giờ giải lao xuống hát cùng ca sĩ... khiến người chứng kiến xúc động!
Trước đây, ở Hà Nội, chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” do ca sĩ Thái Thùy Linh và một số đồng nghiệp tổ chức cũng tạo ra hiệu ứng rất tốt. Âm nhạc có thể giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cả các y, bác sĩ có thêm nguồn năng lượng tích cực để vượt qua khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, với sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19, việc tổ chức biểu diễn khó hơn nhiều. Việc bảo hộ cho ca sĩ, tổ chức biểu diễn như thế nào cho gọn nhẹ mà vẫn đạt hiệu quả động viên tinh thần cao là điều không dễ. Nhưng rõ ràng, với những gì mà các nghệ sĩ phía Nam đã làm, có thể thấy không gì là không thể. Các ca sĩ vẫn say sưa hát qua khẩu trang, thậm chí nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đeo khẩu trang thổi saxophone tại sân bệnh viện dã chiến... Kinh nghiệm để tổ chức các đêm nhạc hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn cũng được nhiều nghệ sĩ chia sẻ trên mạng xã hội, có thể phù hợp để nhân rộng trong những điều kiện thích hợp.
Rõ ràng, âm nhạc vang lên trong bệnh viện, ở khu cách ly đang phát huy sức mạnh tinh thần rất lớn. Sẽ rất ý nghĩa nếu mô hình này được nhân rộng một cách bài bản, đảm bảo an toàn, để các nghệ sĩ có thêm cơ hội đóng góp công sức của mình với cộng đồng, động viên toàn dân chống dịch hiệu quả!
Gửi phản hồi
In bài viết