Sức trẻ nơi rẻo cao

- Từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm, những người trẻ ở miền rẻo cao Na Hang có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu và đưa những sản phẩm đặc trưng địa phương mình trở thành hàng hóa. Cơ hội làm giàu, với họ, không chỉ đến từ việc vượt lũy tre làng, mà từ chính những sản vật quê hương.

Mô hình chăn nuôi cá lồng của thành viên HTX Thủy sản Na Hang. 

“Vì yêu mà ở lại...”

Hợp tác xã Thủy sản Na Hang thành lập năm 2020, do một người hoàn toàn “ngoại đạo” làm giám đốc. Hoàng Thị Thanh Bình, sinh năm 1995, vốn là sinh viên Cao đẳng Sư phạm. Bình sinh ra ở xã Năng Khả - một trong những xã nằm ven hồ sinh thái Na Hang. Lớn lên đã thấy người lớn trong làng ven vào hồ mà sinh sống, không biết từ lúc nào, tình yêu với hồ, với nước, với cá tôm len vào từng suy nghĩ của Bình. Tốt nghiệp, rồi đi dạy được 1-2 năm, Bình quyết định nghỉ việc để theo nghề nuôi cá.

Những ngày đầu mới làm quen, Bình chỉ dám đầu tư một vài lồng, rồi theo đủ các lớp học. Đầu tiên là học trên mạng Internet, biết Phòng Nông nghiệp và PTNT mở lớp tập huấn nào, cô lại cắp cặp đến học lớp đấy. Kinh nghiệm tích lũy càng nhiều, thì cái ước muốn được liên kết với các bạn có cùng đam mê, sở thích lớn đến đấy. Cuối năm 2020, Hợp tác xã thủy sản Na Hang do Bình làm giám đốc được thành lập, với 8 thành viên, tuổi đời toàn 8X, 9X. Bình bảo, lợi thế của tuổi trẻ chính là sự liều lĩnh. Liều lĩnh, nhưng không làm bừa, tất cả mọi kế hoạch, bước đi đều được các thành viên tính toán, bàn bạc với nhau kỹ lưỡng. Từ việc nhập chung một nguồn giống, lấy chung một nguồn thức ăn và tìm chung thị trường tiêu thụ. Nhờ thế, các chi phí trung gian giảm đi khá nhiều. Giờ, Hợp tác xã thủy sản Na Hang đã có 200 lồng cá, mỗi năm xuất bán ra thị trường trên dưới 100 tấn cá thương phẩm các loại, từ cá lăng, trắm cỏ đến các loại cá bình dân hơn như rô phi…

Ma Thị Thoa, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đà Vị tốt nghiệp Đại học Văn Lang, Khoa Công nghệ kỹ thuật môi trường. Thoa kể, thời điểm đi học, mỗi dịp về quê lại “khăn gói” mang theo ít bún khô đặc sản quê mình để “chống đói” những ngày cuối tháng và cũng để giới thiệu với bạn bè cùng phòng, cùng lớp một niềm tự hào nho nhỏ quê mình. Thoa khoe, ai cũng thích quà quê mình, nên ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, Thoa đã ấp ủ ước muốn phải làm sao để sản phẩm quê mình được phủ sóng rộng hơn. Tốt nghiệp về quê, Thoa cùng với cậu em Hứa Văn Hướng quyết định thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Đà Vị, với sản phẩm chính tập trung phát triển là sản phẩm bún khô. Đầu tiên là bún trắng, sau các thành viên trong hợp tác xã quyết định phát triển thêm sản phẩm bún ngũ sắc, thành phần đều từ thiên nhiên.

Những giám đốc trẻ ở Na Hang trong một phiên quảng bá, giới thiệu đặc sản địa phương.

Sức mạnh Internet đã giúp việc kinh doanh của những người trẻ thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều. Những ngày mới thành lập, Thoa và Hướng mỗi ngày đều ưu tiên một khoảng thời gian để quảng bá sản phẩm trên Facebook, Zalo. Khách hàng đông dần. Thoa kể, công suất chế biến của hợp tác xã tăng đều đặn mỗi tháng. Từ vài trăm kg lên đến con số tấn sản phẩm rất nhanh. Những tháng cuối năm, Hợp tác xã nông nghiệp Đà Vị cung cấp ra thị trường 4 - 5 tấn sản phẩm/tháng. Thị trường cũng được mở rộng dần, từ Na Hang đến thành phố Tuyên Quang, rồi vươn dần ra Hà Giang, Sơn La, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước… Phó Giám đốc Hứa Văn Hướng dự tính, từ giờ đến Tết, sản lượng có thể tăng gấp đôi năm trước, vừa nhờ việc đã quen với khách hàng, vừa do tình hình dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng qua mạng xã hội tăng nhanh. Dự tính những tháng cuối năm, sản lượng cung cấp ra thị trường có thể đạt đến 7 - 8 tấn sản phẩm/tháng.

Những “giấc mơ sáng”…

Trương Mạnh Linh, trưởng nhóm doanh nhân trẻ ở Na Hang tự hào khoe, trong số trên 40 hợp tác xã chuyên về sản xuất chăn nuôi thì chiếm hơn một nửa là hợp tác xã chuyên về sản xuất và chăn nuôi, tạo ra các sản phẩm thương mại và du lịch, với những “người chèo đò” còn rất trẻ, từ 25 đến 35 tuổi. Đặc biệt, những “người chèo đò” này đều có trình độ từ Cao đẳng đến Đại học. Nhiều bạn đã từ chối cơ hội lập nghiệp ở phố thị, mà tập trung khởi nghiệp ở quê nhà.

Hoàng Văn Núi, xã Thượng Nông tốt nghiệp loại khá khoa Lâm Nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Núi đã đi làm thêm ở một cơ sở sản xuất cây giống. Sau này về quê, Núi cũng bắt tay khởi nghiệp từ chính chuyên môn của mình với một cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp cung cấp cho bà con quanh vùng. Sau này, khi công việc ở cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp đã ổn định, Hoàng Văn Núi quyết định “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực hơn. Nhận thấy ở Thượng Nông có nhiều đặc sản như: Gạo nếp Khau Láng của làng Tày, chè Pắc Củng, bún khô… Hoàng Văn Núi quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Nông với 8 thành viên. Trong đó Hoàng Văn Núi là Giám đốc, có 4 thành viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng đều hăng hái trở về quê hương lập nghiệp, làm giàu.

Núi bảo, sau một thời gian chạy thị trường, giới thiệu sản phẩm, giờ nhiều đặc sản của Thượng Nông không đủ cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng. Đơn cử như sản phẩm gạo nếp Khẩu Láng. Đặc điểm của giống gạo này là hạt to, tròn, xôi nếp thơm, dẻo, béo ngậy rất đặc trưng. Gạo được đăng ký thương hiệu, có nhãn mác, được đưa trưng bày, giới thiệu khắp các nơi trong ngoài tỉnh. Đây là niềm vui, niềm tự hào khi sản phẩm của mình được thị trường ưa chuộng. Vừa rồi, để có đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường, Hợp tác xã nông lâm nghiệp Thượng Nông ký hợp đồng liên kết với 40 hộ dân trong xã để thu mua ổn định.

Không chỉ câu chuyện của Hoàng Văn Núi, Ma Thị Thoa hay Hoàng Thị Thanh Bình, nhiều giám đốc hợp tác xã trẻ như La Thị Ánh Nguyệt với mô hình thanh niên cùng nhau liên kết chăn nuôi gà ta và dưa chuột sạch ở Năng Khả; Đặng Thị Dương, người đầu tiên ở xã Hồng Thái làm mô hình Homestay phát triển du lịch trải nghiệm; Ma Thị Lạc đang dẫn dắt thanh niên Sơn Phú xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nổi tiếng của quê hương như Rượu ngô và mật ong Sơn Phú…

Trưởng nhóm doanh nhân trẻ Na Hang Trương Mạnh Linh chia sẻ, ngoài lợi thế của tuổi đời, những giám đốc trẻ của phố núi đang nuôi những giấc mơ “sáng” cho ngày mai. Mỗi người một cách làm, nhưng tất cả, đều là để đưa những sản vật quê nhà vượt ra khỏi mọi lằn ranh của địa lý mà “phủ sóng” khắp các thị trường… Như cách nói của Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đà Vị: “Chúng em không chỉ bán sản phẩm, mà theo chân mỗi sản phẩm, là cả thương hiệu, địa danh và tình yêu quê hương mình!”.                 

  Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục