Sức trẻ nơi rẻo cao

Tuyên Quang có trên 70% diện tích là đồi núi, địa hình chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và sông suối, độ dốc lớn, dân cư sinh sống không tập trung. Do đó, việc huy động nguồn lực trong nhân dân để đóng góp xây dựng công trình hạ tầng giao thông rất khó khăn. Thấm nhuần lời dạy của Bác “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, với tinh thần xung kích, tình nguyện, thanh niên Tuyên Quang đã đi đầu, đảm nhận những việc mới, việc khó, vì cuộc sống cộng đồng. Những công trình thanh niên hiện diện tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó là minh chứng của tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng, phát huy tinh thần, xung kích tình nguyện, sức trẻ xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh của tuổi trẻ tỉnh Tuyên Quang.

Dòng suối Phia Rôm ôm trọn vùng đất Thổ Bình (Lâm Bình), tạo cho xã vùng cao này một khung cảnh thơ mộng. Thế nhưng cách đây 2 năm, khi chưa có cây cầu bê tông cốt thép, dòng suối ấy là “nỗi sợ” của nhiều người dân Thổ Bình mỗi mùa mưa đến.

 “Giá mà quanh năm nước cứ hiền hòa chảy như thế thì chẳng nói làm gì, nhưng khi mùa mưa lũ, nước lên cuồn cuộn, người dân ở đây khổ lắm.  Để thuận tiện đi lại, bà con Bản Pước, Nà Cọn, Vàng Áng, xã Thổ Bình đã cùng nhau làm cây cầu tạm bằng tre để bắc ngang qua suối. Khổ là, ít nhất mỗi năm ba lần cầu bị nước lũ cuốn trôi. Đã có 5 người bị nước lũ cuối rồi, may là bà con phát hiện kịp thời đấy” - Ấy là nỗi lòng của anh Ma Văn Vĩnh, Bí thư Đoàn xã Thổ Bình khi nói về nỗi khổ mỗi mùa mưa đến.

Cầu tạm qua suối Phia Rôm và cuộc sống của bà con Thổ Bình khi lũ về.

Còn chị Ma Thị Cúc, đoàn viên thôn Vàng Áng than rằng: “Nhà ở bên này nhưng ruộng nương lại ở bên kia suối, mùa mưa muốn đi làm cũng chịu. Có năm nước lũ về nhanh, lúa, ngô của gia đình không kịp thu hoạch, bị hư hại hết. Khổ nhất vẫn là lũ trẻ đến trường. Mùa mưa đến phải nghỉ học dài ngày, không nhà nào dám cho con đến trường. Đến mùa thi, đoàn viên thanh niên lại đội mưa, lội nước, cõng thí sinh lội qua dòng lũ lớn đến điểm thi. Cũng bởi, con đường đến trường quá khó khăn mà không ít học sinh ở đây đã phải nghỉ học, bỏ dở ước mơ thoát nghèo”.

Đoàn viên thanh niên cõng thí sinh qua dòng lũ lớn đến điểm thi an toàn.

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả tại nơi mình sinh sống, vì thế, khi có chủ trương làm cầu qua suối Phia Rôm, tuổi trẻ Thổ Bình đã xung kích đi đầu đóng góp công sức, tiền bạc, ngày công lao động.

Bí thư Đoàn xã Thổ Bình Ma Văn Vĩnh nhìn về cây cầu 26-3 qua thôn Vàng Áng, nhớ lại một thời nhọc nhằn vất vả nhưng đầy quyết tâm: Do địa hình xây dựng cầu khó “nhằn”, xe ô tô không thể vào đến nơi, gần như toàn bộ vật liệu xây dựng đều phải vận chuyển tăng bo bằng sức người. Trước tình hình đó, thanh niên tình nguyện được huy động góp sức để khiêng từng bao cát, cõng từng bao xi măng đến các vị trí thi công. Cầu làm vào đúng mùa mưa lũ, 5 lần 7 lượt đào móng làm trụ cầu nước lại tràn vào. Cái khó ló cái khôn, anh em đoàn viên phân công nhau làm liên tục, vượt nắng, thắng mưa, xuyên cả những buổi trưa nắng cháy, vừa đào móng vừa nắn dòng. Nhờ vậy, chỉ chưa đầy 3 tháng kể từ khi triển khai, đoàn viên thanh niên xã đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ của mình.

Đoàn viên thanh niên và nhân dân góp sức xây cầu.

Cây cầu mới có tên 26/3, được xây mới bằng bê tông cốt thép với chiều dài 30 m, chiều rộng 2,5m, tổng kinh phí trên 400 triệu đồng. Trong đó, Tỉnh đoàn hỗ trợ 180 triệu đồng, đoàn viên thanh niên xã Thổ Bình đóng góp 20 triệu đồng, số tiền còn lại bà con Bản Phú, Vàng Áng đối ứng. Đặc biệt, không chỉ đóng góp kinh phí, đoàn viên thanh niên trong xã đã tiên phong hiến đất xây cầu.

Hàng chục năm qua, hơn 200 hộ dân thôn Tông Trang và Bình Thể, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) vẫn hằng ngày miệt mài vượt qua cây cầu cũ để mưu sinh hay đưa con em đến trường. Với người dân nơi đây, cây cầu tạm là cầu nối duy nhất với thế giới bên ngoài.

Anh Ma Văn Điện, Bí thư Đoàn xã Vinh Quang tâm sự: “Bà con đã nhiều lần bàn chuyện góp tiền xây cầu nhưng dở dang. Với thôn khó khăn như Tông Trang, Bình Thể, việc đóng góp kinh phí để xây một cây cầu gần như không thể thực hiện được. Trong các buổi họp, cử tri trong thôn đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền sớm xây dựng cây cầu kiên cố qua suối Cổ Linh nhưng đã bao năm qua vẫn chưa làm được.  Vì vậy, khi Tỉnh đoàn đến khảo sát, quyết định  hỗ trợ kinh phí xây cầu Bình Thể, Đoàn xã Vinh Quang đã chủ động đề xuất đảm nhận thi công công trình”. Đây cũng là một trong những phần việc, công trình đoàn viên, thanh niên xã đứng ra đảm nhiệm nhằm thực hiện cuộc vận động học và làm theo Bác”.

Đoàn viên thanh niên xã Vinh Quang cùng người dân vận chuyển đá làm cầu Bình Thể.

 Gắn bó từ những ngày đầu khảo sát làm cầu, anh Điện nhớ lại: Đoàn xã được giao nhiệm vụ trực tiếp khảo sát khu vực làm cầu, dự toán khối lượng vật liệu xây dựng cũng như kinh phí. Ban đầu, khu vực làm cầu được lựa chọn cách xa cây cầu hiện tại 300m. Thế nhưng do địa điểm xa, lòng suối rộng dẫn đến chi phí làm cầu tăng lên, vượt quá kinh phí được hỗ trợ. Vì thế, anh em đoàn viên thanh niên lại phải khảo sát địa điểm khác.

Không chỉ trực tiếp tham gia khảo sát làm cầu Bình Thể, đoàn viên thanh niên xã Vinh Quang còn tích cực tham gia vận động nhân dân hiến đất làm cầu. Có tất cả 5 hộ thôn Tông Trang và Bình Thể hiến trên 800 m2 đất để xây dựng cầu.

Anh Điện nhấn mạnh: Luôn tâm niệm thanh niên phải xung kích đi đầu, tích cực làm theo lời Bác Hồ dạy, phát huy tinh thần, sức trẻ vì sự phát triển của quê hương nên quá trình làm việc, khó khăn nối tiếp khó khăn nhưng anh em đoàn viên, thanh niên vẫn luôn động viên nhau, từng bước giải quyết từng phần việc.

Thôn Tông Trang và Bình Thể là một trong những địa phương có vùng trồng cây ăn quả  lớn của  xã Vinh Quang (Chiêm Hóa), với hơn 20 ha. Đất đai trù phú thuận lợi cho canh tác là thế nhưng cứ đến mùa lũ giao thông chia cắt, việc đi lại, phát triển kinh tế của người dân lại trở nên khó khăn. Có quả bưởi, quả ổi đến vụ thu hoạch cũng bị  thương lái ép giá.

Ông Ma Văn Phương, Trưởng thôn Bình Thể, xã Vinh Quang cũng thừa nhận: “Dân bị ép giá đủ đường vì hàng hóa phải vận chuyển đi đường vòng xa thêm gần 5 km mới có cầu qua suối”.

Cũng theo ông Phương, có cầu Bình Thể phá thế cô lập từ bao đời nay, người dân không lo bị ghìm giá, ép giá nữa. Người dân Bình Thể không chỉ mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, mà còn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế trồng ớt, dưa, chanh... Những tấm gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi như: Ma Văn Vui, Ma Văn Thắng, Ma Vĩnh Đại… xuất hiện ngày càng nhiều. Đây là động lực góp phần cổ vũ phong trào lập nghiệp ở địa phương.

Thanh niên xã Vinh Quang mở rộng diện tích vùng trồng chanh.

Hiệu quả phong trào học tập và làm theo gương Bác Hồ gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Tại xã Chiêu Yên (Yên Sơn), công trình mà tuổi trẻ địa phương đảm nhận đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trên khắp các bản làng vùng khó. Chị Hứa Thị Chang, Bí thư Đoàn xã Chiêu Yên cho biết: Trước đây, các trục đường liên thôn Chiêu Yên gồ ghề đất đá, mưa xuống thì trơn trượt, rất khó đi. Vì thế, việc vận chuyển vật liệu để xây dựng các tuyến đường này cũng vô cùng vất vả. Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, các đoàn viên thanh niên trong xã đã chủ động đề xuất đảm nhận thi công công trình này.

Đoàn xã đã vận động nhân dân đóng góp ngày công, mở rộng mặt đường, vận chuyển vật liệu, cùng với đoàn viên thanh niên trong xã làm mới 3km đường giao thông qua các thôn Cây Chanh và Tân Tiến. Con đường hoàn thành giúp cho bà con đi lại thuận lợi, tạo điều kiện phát triển kinh tế, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tuổi trẻ huyện Yên Sơn tham gia xây dựng nông thôn mới.

Đoàn viên Trương Thị Thủy, thôn Tân Lập tâm sự: “Trước đây gia đình chị là hộ nghèo của thôn, chỉ biết dựa vào cây lúa, cây ngô. Năm 2015, dù đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thế nhưng nông sản làm ra khó tiêu thụ do đường đi lại khó khăn, thương lái vào mua giá rẻ. Từ khi có chủ trương xây dựng cầu, đường, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa đã mở ra hy vọng mới cho đoàn viên thanh niên nói riêng và  nông dân ở đây nói chung. Gia đình chị mạnh dạn vay vốn đầu tư xe tải nhỏ để thu gom bưởi, na khắp Chiêu Yên. Đến nay, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo”.

Thông qua việc phát động học tập và làm theo gương Bác gắn với xây dựng nông thôn mới, từ một vùng quê nghèo, còn nhiều khó khăn, Thổ Bình hôm nay đã đổi mới toàn diện, với diện mạo nông thôn khang trang, hạ tầng được xây dựng hoàn hiện, cuộc sống người dân ngày càng nâng cao. Những thành tựu và kết quả đó là nhờ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân và đặc biệt còn có sự đóng góp to lớn của sức trẻ thanh niên xã nhà.

Diện mạo nông thôn, đời sống người dân vùng cao Tuyên Quang khởi sắc

 

Ông Ma Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Bình cho biết: Trong quá trình hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, có sự đóng góp không nhỏ của những màu áo xanh tình nguyện, trong đó có việc làm cầu, đường. Từ năm 2022 đến nay, xã Thổ Bình hoàn thành xây dựng 5 công trình cầu qua suối, trong đó có 2 công trình cầu do thanh niên đứng ra đảm nhận. Các bạn trẻ đã đứng ra nhận những việc khó từ vận động người dân giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền xây dựng, thuê, mượn máy móc cần thiết để làm cầu. Cầu kết nối đôi bờ là động lực để địa phương tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mớinâng cao trong thời gian tới.

Người dân xã Thổ Bình vui mừng đi lại trên cây cầu 26/3 được xây dựng kiên cố.

Đến nay, Thổ Bình đã hoàn thiện trên 90% đường giao thông nông thôn. Xã hiện tập trung phát triển các sản phẩm OCOP gồm sản phẩm dầu lạc, lạc củ, lạc nhân, thịt dê núi, chè Shan Khau Mút. Phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế ở Thổ Bình cũng được thúc đẩy với nhiều mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả, 12 gia trại do thanh niên làm chủ có thu nhập từ 70 - 100 triệu/năm. Chỉ riêng năm 2023, toàn xã giảm 49 hộ nghèo, đạt 112% kế hoạch được giao. 

Các sản phẩm OCOP xã Thổ Bình.

Với tinh thần xung kích, tình nguyện, những năm qua, thanh niên Tuyên Quang đã có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, đổi mới theo hướng cụ thể, rõ việc, sát với nhu cầu thực tiễn của địa phương.Các hoạt động tình nguyện với trọng tâm đưa nhân lực và huy động vật lực về hỗ trợ các thôn, xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa luôn là phong trào thường xuyên của tuổi trẻ Tuyên Quang.

Thanh niên Tuyên Quang tham gia hoạt động tình nguyện tại vùng cao Na Hang

Chỉ riêng năm 2023, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai thực hiện 5 công trình Trường đẹp cho em; 39 ngôi nhà 26/3, ngôi nhà khăn quàng đỏ; 10 nhà vệ sinh cho em; 48 sân chơi, điểm vui chơi thiếu nhi; 45 công trình thắp sáng đường quê, đường giao thông nông thôn; 2 con đường bích họa và 188 công trình, phần việc thanh niên cấp cơ sở với tổng trị giá gần 45 tỷ đồng. Trong đó, công trình “Trường đẹp cho em” tại các huyện vùng cao Chiêm Hóa, Na Hang trị giá hơn 3,1 tỷ đồng đã được Trung ương Đoàn công nhận là công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

“Trường đẹp cho em” là công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Đặc biệt, tại các địa phương đang hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì việc triển khai các công trình thanh niên càng thêm sôi nổi, hiệu quả. Các cơ sở Đoàn đã tích cực tìm kiếm các nguồn lực để thực hiện cải tạo, tu sửa và làm mới trên 500 km đường giao thông nông thôn; làm gần 500 tuyến đường điện thắp sáng đường quê; xây dựng 10 cầu qua suối… với tổng trị giá hơn 25 tỷ đồng.

Những ngày qua, dọc con đường vào thôn Liên Thành, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) sáng bừng ánh điện. Người dân vui mừng, phấn khởi khi công trình “Sáng - xanh - sạch đường quê nông thôn mới” dài 1 km được đưa vào hoạt động.

Tuổi trẻ huyện Sơn Dương tham gia làm tuyến đường điện thắp sáng đường quê.

Bà Nguyễn Thị Huyền, thôn Liên Thành hồ hởi khoe: “Bà con trong làng chúng tôi phấn khởi lắm vì được Huyện đoàn Sơn Dương lắp đặt hệ thống điện đèn chiếu sáng nông thôn. Những người thường xuyên phải đi làm về muộn không phải lo lắng xảy ra tai nạn, con trẻ vui chơi trước sân nhà thoải mái, bà con không còn phải nơm nớp lo sợ tình trạng trộm cắp vặt về đêm nên ai cũng rất vui”.

Huyện đoàn Chiêm Hóa khởi công xây dựng cầu dân sinh tại xã Bình Phú.

Tại huyện vùng cao Chiêm Hóa, năm 2023, Huyện đoàn đã huy động đoàn viên, thanh niên đóng góp trên 5.000 ngày công lao động thực hiện tu sửa, làm mới 5km đường giao thông liên thôn, 15 tuyến đường thắp sáng đường quê với chiều dài gần 50km; vận động kinh phí, hỗ trợ xây dựng 2 cây cầu dân sinh trị giá hơn 2 tỷ đồng. Những công trình được hoàn thành giúp cho bà con ở các bản vùng sâu vùng xa đi lại thuận lợi, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Qua các phong trào thi đua đã tạo ra môi trường tốt nhất để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, hướng cho tuổi trẻ sống có lý tưởng, ước mơ hoài bão, góp phần cho sự phát triển của quê hương. Đây chính là cơ sở để các cơ sở đoàn phát hiện những nhân tố tích cực, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Trong năm 2023, các cơ sở đoàn trong tỉnh đã giới thiệu 1.386 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, đã có 402 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng.

Năm 2023, toàn tỉnh đã có 402 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng.

Có thể thấy, các công trình thanh niên những năm gần đây đã có sự chuyển biến, không chỉ dừng ở khẩu hiệu mà những công trình đã được chú trọng về chất lượng, tính hiệu quả. Qua đó, đã góp phần khơi dậy sức trẻ, thể hiện vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương mà trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, hướng về cộng đồng, được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân đánh giá cao, tạo dấu ấn thiết thực và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Bí thư Tỉnh đoàn Dương Minh Nguyệt khẳng định: “Các công trình thanh niên đã được các cấp bộ Đoàn và tuổi trẻ toàn tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng.

Có thể thấy, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự đi vào cuộc sống, là động lực để tuổi trẻ tỉnh phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, đổi mới, sáng tạo, khẳng định rõ hơn vai trò của tuổi trẻ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. “Để xứng đáng là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, thời gian tới, các cấp bộ đoàn sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng các công trình hạ tầng, mở đường giao thông vào các bản khó khăn, giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hăng hái tham gia các hoạt động vì cộng đồng, an sinh xã hội; năng nổ, sáng tạo

trong phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương. Những nỗ lực đó hướng tới xây dựng thế hệ thanh niên thời kỳ mới có “tâm trong”, “trí sáng”, “hoài bão lớn”, xứng đáng với lời dạy của Bác "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên"” Bí thư Tỉnh đoàn Dương Minh Nguyệt nhấn mạnh.