Đóng góp tích cực của Đoàn Đại biểu Quốc hội tại đợt 1 - Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV

Đợt 1 của Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV đã khép lại 18 ngày làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Đoàn ĐBQH tỉnh với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đã chủ động, tích cực tham gia các nội dung với nhiều dấu ấn nổi bật... 

Tại kỳ họp này, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công làm tổ trưởng, điều hành thảo luận tại Tổ 11 gồm các tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh, Sơn La và thành phố Đà Nẵng. 


Đoàn ĐBQH tỉnh trong phiên thảo luận tại hội trường. 

Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Một trong những dấu ấn nổi bật nhất của đợt 1 kỳ họp này là Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, đồng thời kiện toàn nhiều vị trí nhân sự chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ. Đây cũng là nội dung được đông đảo người dân, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Với trọng trách của mình trước cử tri và nhân dân, sau những thảo luận, ngay trong ngày đầu tiên sau khai mạc Quốc hội (20-5), Đoàn ĐBQH tỉnh đã cùng Quốc hội bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026. Hai ngày sau, Quốc hội bầu Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. 


ĐBQH tỉnh tham gia bỏ phiếu công tác nhân sự tại kỳ họp. 

Tiếp đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu bà Nguyễn Thị Thanh làm Phó Chủ tịch Quốc hội; biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an. 


ĐBQH tỉnh phát huy trách nhiệm trước cử tri tham gia tích cực các nội dung kỳ họp. 

Trong đợt 1 của kỳ họp, đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã ghi dấu ấn nổi trong việc tích cực tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đất nước và tập trung thảo luận vào 14 dự thảo luật như: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên... 


Quang cảnh kỳ họp. 

Đơn cử như trong thảo luận vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy đã đề nghị làm rõ mức lương hưu thấp nhất, để từ đó đảm bảo cho đối tượng hưu trí có mức thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến người lao động để bảo đảm chính sách ban hành được khả thi, hiệu quả với nhiều chính sách tốt hơn, tiến bộ hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014”. Ý kiến của đại biểu Ma Thị Thúy đã được cử tri cả nước và các cư tri trong tỉnh đồng tình, đánh giá cao. 


Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy tham gia thảo luận. 

Hay như trong phiên thảo luận tại hội trường về về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, đại biểu Âu Thị Mai cũng đã đề xuất nhiều giải pháp trên cơ sở từ thực tiễn của tỉnh để Quốc hội, Chính phủ xem xét tiếp tục triển khai hiệu quả nghị quyết trong thời gian tiếp theo. Đáng chú ý là  giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai; nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; đảm bảo hoàn thành các dự án và bàn giao đưa vào sử dụng có hiệu quả các công trình, dự án. Đồng thời là các chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay... 


Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai tham gia thảo luận. 

Trong phiên thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 đại biểu Nguyễn Việt Hà đã đề xuất Quốc Hội, Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó cần chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho doanh nghiệp, đồng thời đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết... 


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà tham gia thảo luận. 

Các phiên thảo luận tổ cũng chứng kiến sự tham gia tích cực, sôi nổi của Đoàn ĐBQH tỉnh đối với những vấn đề chung, thể hiện quan điểm cùng gửi gắm những mong muốn của cử tri tỉnh nhà đến Quốc hội. 


Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia sôi nổi các phiên thảo luận tổ. 

Một trong những nội dung được cử tri quan tâm đó là phiên chất vấn, và trả lời chất vấn. Trong 2,5 ngày, Quốc hội đã tập trung vào bốn nhóm vấn đề thuộc bốn nhóm lĩnh vực là tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, văn hóa - thể thao và du lịch. Ngay trong ngày đầu tiên của phiên chất vấn, đã có 3 lượt đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường các nội dung về lĩnh vực dự trữ khoáng sản và vấn đề đấu giá khai thác khoáng sản và an ninh nguồn nước. Tiếp đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nhước về giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của Kiểm toán trong thời gian tới. 


Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn. 

Với trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, trên cơ cơ sở lắng nghe các ý kiến từ cử tri Tuyên Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều đóng góp, thảo luận, kiến nghị về nhiều nội dung quan trọng cho công tác xây dựng pháp luật cũng như đóng góp các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh tiếp tục phát triển. 


Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp tích cực vào thành công tại đợt 1 của kỳ họp.