Người nâng tầm “hạt ngọc” xứ Tuyên

“Trong quá trình làm, tôi chắt chiu, nhẹ nhàng từng bước một để làm sao cho không có sợi mì nào bị vương vãi, rơi xuống đất. Bởi đây chính là hạt ngọc, là tâm huyết của biết bao người…”. Đó là cái tâm, là đam mê của người làm nghề như anh Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuật Yến, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) sau những năm tháng xây dựng và phát triển thương hiệu mì Thuật Yến.    

Câu chuyện về hành trình xây dựng thương hiệu Mì gạo Thuật Yến với anh Nguyễn Văn Thuật là những thăng trầm mà ít ai biết đến. Anh Thuật quê ở Bắc Giang, nơi vẫn được biết đến với đặc sản Mì Chũ Lục Ngạn nổi tiếng. Bản thân anh vẫn nói vui, cơm có thể không ăn chứ ngày nào không ăn Mì Chũ anh lại thèm. Chẳng vậy mà khi lấy vợ rồi lên Tuyên Quang sinh sống, lắm lúc thèm Mì Chũ anh lại gọi điện cho người nhà gửi xe khách lên. Dần dần, nhiều người nhờ anh mua nên anh đã quyết định chuyển nghề làm mì gạo.

Anh Nguyễn Văn Thuật dành nhiều tâm huyết phát triển sản phẩm mì gạo.

Nhớ lại quãng thời gian bắt tay vào khởi nghiệp, anh Thuật chia sẻ, năm 2013, thời điểm bắt đầu làm anh cũng gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng anh quyết định về quê Bắc Giang học nghề, vì cả hai đều chưa làm mì bao giờ nên công đoạn nào cũng phải bỏ đi vài mẻ. Khi đã quen tay, mỗi ngày vợ chồng anh làm hơn 1 tạ gạo sau đó đi gửi các cửa hàng nhờ bán. Làm dần thành thạo, thậm chí thạo đến mức chỉ cần nhìn thời tiết, anh chị cũng biết nên xay bột nát hay mịn, ép bột khô hay ướt.

Quy trình sản xuất mì gạo Thuật Yến đảm bảo khép kín và được làm từ gạo bao thai trồng tại địa phương.

Thế nhưng, năm 2015, các sản phẩm mì gạo, miến dong trong và ngoài tỉnh chịu nhiều điều tiếng khi người ta đồn các sản phẩm này dùng chất tẩy trắng và chất bảo quản. Điều này khiến vợ chồng anh lo lắng và tính đến chuyện xa hơn để sản phẩm mì gạo của mình có sức cạnh tranh trên thị trường. Năm 2017, anh quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Thuật Yến và bắt tay vào xây dựng thương hiệu riêng.

Anh Thuật đầu tư hệ thống lò sấy để đảm bảo chất lượng và tăng năng suất sản phẩm.

Anh Thuật nhận ra các công đoạn làm mì không quá cầu kỳ nhưng mỗi người lại có bí quyết riêng. Muốn mì ngon thì điều quan trọng là phải chọn được gạo ngon. Bởi mì "kén" gạo nên công đoạn chọn gạo phải rất kỹ càng mới cho ra sợi mì mềm và ngon, nếu sử dụng gạo lai tạp sợi mỳ sẽ nát, dễ bị gãy.

 Chẳng vậy mà phải mất công kiểm tra hàng chục loại gạo, đổ đi biết bao mẻ thành phẩm anh mới tìm ra được nguyên liệu gạo bao thai ngon nhất được trồng tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn. Thế nhưng anh thất vọng khi biết có nơi vì lợi nhuận mà không ngần ngại sử dụng gạo bị mốc, gạo tồn kho để làm nguyên liệu. Thậm chí họ sử dụng chất tẩy trắng, phèn chua để làm trắng các loại gạo nấm mốc và làm trắng mì.

Tất cả các công đoạn sản xuất mì Thuật Yến đều được thực hiện theo quy trình khép kín, không sử dụng chất tẩy rửa, phụ gia. Ngoài các máy móc để làm mì, HTX chú trọng đầu tư vào hệ thống lò sấy để đảm bảo chất lượng, hương vị mì tốt nhất. Anh Thuật cho biết, sau thời gian hoạt động, HTX nhận thấy sự cần thiết của việc đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ 100 triệu đồng của Trung tâm Khuyến công tỉnh, năm 2022, HTX đã mạnh dạn mua mới thiết bị sản xuất mì sợi gồm hệ thống sấy và máy ép bột thủy lực với số tiền 270 triệu đồng. Thiết bị sấy mì sợi hoạt động với công suất cao đã giúp HTX sản xuất được quanh năm.

HTX đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm mì từ rau củ tự nhiên theo hướng hữu cơ.

Nếu trước đây mỗi năm chỉ sản xuất được 95 tấn thành phẩm thì giờ HTX sản xuất được 320 tấn mì sợi mỗi năm, doanh thu khoảng 3,6 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, HTX còn tạo ra chuỗi sản phẩm liên kết tiêu thụ gạo đầu tiên của xã.

HTX tạo việc làm cho nhiều (là bao nhiêu) lao động với mức lương trung bình 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Mì gạo Thuật Yến có mẫu mã bắt mắt, là sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh.

Từ những sản phẩm mì gạo chỉ tiêu thụ chủ yếu tại các chợ truyền thống của địa phương, qua thời gian, sản phẩm Mì gạo Thuật yến đã được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem nhãn, bao bì; được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021; năm 2022, sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh; có mặt tại nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh, được khách hàng lựa chọn. Mới đây, sản phẩm Mì gạo Thuật Yến là 1 trong 5 sản phẩm của tỉnh được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024.

Sản phẩm Mỳ gạo Thuật Yến là 1 trong 5 sản phẩm của tỉnh được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024.

Ông Lưu Hồng Châm, Chủ tịch UBND xã Kim Phú cho biết, nhờ năng động, sáng tạo nắm bắt thời cơ trong phát triển kinh tế, mô hình sản xuất mì gạo của HTX Nông nghiệp Thuật Yến không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần vào công tác giảm nghèo của xã. Anh Thuật là tấm gương cho nhiều người học tập và làm theo trong phát triển kinh tế.

Nối tiếp thành công của mì gạo truyền thống, sau nhiều lần thử nghiệm, anh Thuật đã cho ra đời sản phẩm mì gạo được làm từ các loại rau củ như: rau ngót, bí ngô, củ dền... Anh Thuật chia sẻ, đó là ý tưởng sau cuộc gặp 1 vị khách hàng đặc biệt đến từ Thái Nguyên. Họ chia sẻ với anh về mong muốn được thưởng thức mì gạo giàu chất xơ, hoà quyện với vị của rau củ. Chính mong muốn này đã thôi thúc anh phải làm nên sản phẩm hữu ích này.

Kết hợp cùng phương pháp làm mì thủ công, cầu kỳ, chăm chút anh đã tạo nên mì gạo rau củ một hương vị riêng biệt, đặc sắc không lẫn với bất cứ một loại mì nào khác. Các sản phẩm mới đều được anh mang đi kiểm định ghi nhận hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Đặc biệt, mì được sấy lạnh trực tiếp để tránh bụi và tác động từ môi trường.

Sản phẩm mì Thuật Yến được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Mô hình sản xuất hữu cơ, giàu dinh dưỡng là hướng đi mà anh Thuật đang hướng đến phù hợp với xu thế nông nghiệp hiện nay. Anh đã gửi trọn tình yêu và cái tâm trong từng gói mì gạo mang hương vị xứ Tuyên, mong muốn phát triển thương hiệu Mì gạo Thuật Yến xuất khẩu để khẳng định hơn nữa tên tuổi sản phẩm địa phương.