Tăng cường quản lý các hoạt động lễ hội

Mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023, nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức tại các địa phương với quy mô lớn hơn, phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Hoạt động tâm linh, vui chơi tại các lễ hội đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo niềm hứng khởi và không khí vui tươi cho người dân trong dịp đầu năm mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm khắc phục trong thời gian tới.

Đông đảo người dân và du khách về dự lễ hội chùa Hương trong những ngày đầu Xuân. (Ảnh NHẬT NAM)

Đầu Xuân Quý Mão năm 2023, cùng với nhiều lễ hội được tổ chức rộng rãi trên khắp cả nước, năm nay Hội Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) được tổ chức trở lại với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc, thu hút hàng chục nghìn du khách thập phương về trảy hội.

Chị Lý Xuân Nhung, trú tại thành phố Bắc Ninh cho biết, ngay từ sáng sớm ngày 12 tháng Giêng, chị cùng cả gia đình đi từ thành phố Bắc Ninh đến Hội Lim để kịp dự Lễ khai mạc và tham gia các hoạt động của lễ hội. Cả gia đình rất vui vì sau hai năm mới được tham dự lễ hội truyền thống của địa phương.

Theo Ban Chỉ đạo lễ hội, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, cho nên các hoạt động tại Hội Lim năm nay diễn ra rất thuận lợi và bảo đảm theo quy định. Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp làm mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông. Ngăn chặn và giải quyết các trường hợp ăn xin tại khu vực lễ hội.

Thực hiện công tác kiểm tra phòng dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát giá cả tại khu vực lễ hội. Nghiêm cấm các dịch vụ điện tử, các trò chơi dùng loa có công suất lớn hoạt động tại địa điểm gần trung tâm lễ hội. Nghiêm cấm tất cả các hình thức hát quan họ ngửa nón nhận tiền. Khuyến khích các điểm hát quan họ dùng nhạc cụ dân tộc. Không hát nhạc mới, hát chèo, hát văn nhảy đồng, các loại nhạc khác không phù hợp.

Tại Lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2023) được tổ chức tại quận Đống Đa, Hà Nội ngày mồng 5 tháng Giêng, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách đã có mặt tại Công viên văn hóa Gò Đống Đa để tham dự. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách thập phương về dâng hương và tham gia các hoạt động của lễ hội, Ban Tổ chức đã bố trí lực lượng an ninh làm công tác phân luồng và hướng dẫn nơi gửi xe. Vì thế, dù đông người nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, chen lấn xô đẩy.

Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Năm và bà Trần Thanh Thảo năm nay bước sang tuổi 70 đã cùng con cháu đi từ xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội đến tham dự lễ hội từ đầu giờ sáng. Ông Năm cho biết, ông rất vui và phấn khởi khi đến với lễ hội sau gần 10 năm không thể tham dự do điều kiện sức khỏe không cho phép. Năm nay ông muốn tự tay dâng hương tại tượng đài Vua Quang Trung để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng dân tộc.

Trong mùa lễ hội năm nay, tại nhiều khu vực đền, chùa lớn mặc dù tình trạng mất an ninh trật tự đã được cải thiện nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, như tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Hương (Hà Nội). Ngay từ sáng mồng 8 tháng Giêng, đã có hàng chục nghìn du khách thập phương đến tham dự Lễ khai hội tại chùa Ba Vàng. Do lượng người tập trung quá đông tại cùng một thời điểm cho nên xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy dẫn đến nguy cơ mất an toàn.

Bên cạnh đó, đã xảy ra tình trạng một số du khách bị kẻ xấu móc túi lấy trộm tài sản. Còn tại chùa Hương, mặc dù các ngành chức năng của huyện Mỹ Đức đã có nhiều biện pháp tăng cường tuyên truyền nhắc nhở, kiểm tra, kiểm soát đối với các dịch vụ phục vụ người đi lễ, nhưng vẫn xảy ra tình trạng bắt chẹt du khách. Anh Trần Văn Quang, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, mặc dù hai vợ chồng anh đã mua vé đi đò, nhưng khi xuống đò vẫn bị thu thêm 50 nghìn đồng/người. Một số du khách cho biết, giá vé một người đi chùa Hương vào những ngày Tết năm nay ở mức từ 130 nghìn đến 140 nghìn đồng, bao gồm vé đò (50.000 đồng), vé vào cổng tham quan (80.000 đồng) và vé xe điện (10.000 đồng).

Tuy nhiên, lợi dụng dịp lễ, Tết, lượng khách tăng cao cho nên nhiều nhà đò đã yêu cầu tiền bồi dưỡng cho lái đò hoặc “bỏ” khách đã đặt trước để nhận những khách sau với giá cao hơn. Cũng do lượng du khách đi lễ quá đông cho nên tại chùa Tam Chúc cũng xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là tại khu vực bến thuyền. Nhiều du khách cho biết, mặc dù khoảng cách từ khu vực mua vé để xuống thuyền chỉ vài trăm mét nhưng phải đợi mất hai tiếng mới đến lượt, rất mệt mỏi...

Theo thống kê, cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội truyền thống. Hầu hết các lễ hội từ quy mô quốc gia đến lễ hội nhỏ trong phạm vi làng xã được tổ chức trang trọng, linh thiêng, thành kính; tạo môi trường thuận lợi để người dân tham gia hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự.

Nhiều địa phương, đơn vị vẫn còn nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương, tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ, làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội. Bên cạnh đó, do lượng du khách đổ về các điểm di tích quá đông trong một thời điểm khiến công tác tổ chức tại nhiều nơi gặp lúng túng.

Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hơn nữa năng lực quản lý các hoạt động lễ hội, cần phải có tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và ứng dụng khả thi trong thực tiễn. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân khi tham gia lễ hội để bảo đảm các hoạt động lễ hội truyền thống diễn ra văn minh, lành mạnh và an toàn.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục