Tự hào những “công chúa xiếc” Việt Nam

Cuối năm vừa qua, khi tham dự Liên hoan quốc tế Công chúa xiếc tại Saratov (Liên bang Nga), tiết mục “Đu son” của Việt Nam do hai nữ nghệ sĩ Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) thể hiện đã xuất sắc giành Giải vàng chung cuộc. Đây không chỉ là “trái ngọt” xứng đáng dành cho hai nữ nghệ sĩ sau hơn 20 năm nỗ lực theo nghề, mà còn khơi lên niềm tự hào mang tên xiếc Việt.

Tiết mục “Đu son” do hai nữ nghệ sĩ Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng thể hiện.

Âm nhạc vừa vang lên trên sân khấu tròn, trong trang phục váy trắng thướt tha, nghệ sĩ Chu Hồng Thúy mở đầu bằng màn đu bay với đạo cụ hình khóa son lớn treo lơ lửng, nghệ sĩ Phạm Thị Hướng tạo dáng kéo đàn vi-ô-lông đầy điệu nghệ. Khóa son được kéo lên cao, Thúy lập tức treo ngược người trên khóa, dùng tay bắt lấy chân Hướng. Trong tư thế dốc ngược, Hướng vẫn say sưa chơi đàn ở độ cao cách gần 10m so với mặt đất. Cùng với sự sôi động của âm nhạc, tiết tấu biểu diễn càng lúc càng được đẩy lên cao. Hai nữ nghệ sĩ liên tục đu bám, di chuyển thoăn thoắt trên khóa son với những tạo hình mềm mại, đẹp mắt.

Khán giả vừa mãn nhãn, vừa thót tim với nhiều chuỗi động tác có độ mạo hiểm cao. Khi đang đu trên cao, Thúy dốc ngược người móc một chân vào khóa son, dùng răng cắn vào một đầu đạo cụ để đỡ toàn bộ cơ thể Hướng trong khi ở phía dưới Hướng cũng dốc ngược người móc chân vào một đầu đạo cụ còn lại thực hiện những động tác xoay tròn nhanh trên không.

Hồi hộp nhất là khi các nữ nghệ sĩ liên tiếp đẩy, thả và bắt nhau trên không hoàn toàn bằng tay. Và cao trào lên tới đỉnh điểm ở màn kết, khi Thúy treo ngược người, dùng răng cắn lấy đạo cụ được móc vào tóc của Hướng, tác động lực để Hướng xoay tròn 360 độ liên tục trên không với độ văng mạnh... Đây cũng là phần kỹ thuật được nâng cao độ khó hơn so với “Đu son” từng biểu diễn trong nước trước đó. Tiết mục khiến cả đoàn giám khảo quốc tế cùng khán giả có mặt đều phải đứng lên vỗ tay trong sự vỡ òa cảm xúc.

Là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn của “Đu son”, cũng là trưởng đoàn trực tiếp đưa các nghệ sĩ của mình đi tham dự Liên hoan Công chúa xiếc, Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, tiết mục dài gần tám phút thì có tới hơn bảy phút khán giả vỗ tay không ngừng. Bạn bè quốc tế đều đánh giá cao tiết mục bởi phô bày được những kỹ thuật khó, đòi hỏi diễn viên phải có trình độ điêu luyện và biết cách biến hóa liên tục.

Bên cạnh đó, sự ăn khớp giữa âm nhạc với vũ đạo, kỹ thuật, phong cách biểu diễn cũng đã giúp tiết mục ghi dấu ấn ngay từ những phút đầu tiên. Theo Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, tính tới thời điểm hiện tại, với thể loại đu trên cao, chỉ có duy nhất Việt Nam có tiết mục sử dụng đạo cụ hình khóa son. Khóa son làm bằng thép nhưng khi kết hợp cùng phần biểu diễn của hai nữ nghệ sĩ thì tính khô cứng của kim loại hoàn toàn biến mất, trái lại tạo nên sự hài hòa cùng vẻ đẹp đầy trữ tình, lãng mạn.

Đây cũng là Giải vàng quốc tế đầu tiên trong lịch sử xiếc Việt có được từ sân chơi nước Nga - nơi được coi là cái nôi của xiếc chuyên nghiệp. “Tiết mục hoàn toàn không sử dụng dây bảo vệ, tính mạo hiểm rất cao đòi hỏi sự chuẩn xác của các động tác kỹ thuật phải gần như tuyệt đối. Có những động tác với đu tĩnh đã khó, để thực hiện với đu động như thế này càng khó hơn.

Đều đã có gia đình riêng và không còn ở độ tuổi hoàng kim của nghề xiếc, nhất là nghệ sĩ Phạm Thị Hướng quay lại luyện tập sau thời gian nghỉ sinh, nhưng với tình yêu nghề và khao khát chinh phục những đỉnh cao mới trong nghề nghiệp, hai nữ nghệ sĩ đã nỗ lực vượt qua mọi thách thức, đau đớn để chiến thắng chính mình và gặt hái thành công”, Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng nhận định.

Ít ai biết, để có được gần tám phút tỏa sáng cùng “Đu son” trên sân khấu, hai “công chúa xiếc” Việt Nam đã phải dành cả bảy năm trời để tập luyện chung. Cùng sinh năm 1990, Chu Hồng Thúy làm quen với xiếc từ năm 11 tuổi, còn Phạm Thị Hướng đến với xiếc từ năm 13 tuổi. Cuối năm 2015, họ chính thức luyện tập cùng nhau.

Nhìn hai nữ nghệ sĩ xiếc Việt Nam nhỏ nhắn nhưng lại có thể vừa tạo dáng trên không, vừa nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của bản thân, của bạn diễn bằng một chân, thậm chí bằng răng hay bằng tóc, hẳn ai cũng phải trầm trồ ngưỡng mộ. Hai nghệ sĩ chia sẻ, để có thể kết hợp nhuần nhuyễn, họ phải tập riêng những kỹ thuật đơn lẻ, làm quen với đạo cụ sao cho có thể nắm bắt, di chuyển cùng đạo cụ một cách thuần thục nhất. Chẳng hạn, người làm con quay phải làm thật tốt kỹ thuật quay chân mới có thể ghép được với người làm trụ khi trụ treo ở bên trên tạo đà.

Thời gian thực hiện một kỹ thuật khó không thể tính bằng tháng mà phải tính bằng năm. Bởi dù đã có nền tảng cơ bản nhưng không phải cứ tập là được ngay, có khi hôm nay làm được nhưng hôm sau lại mất cảm giác, phải tiến hành tập lại, hoặc nhiều khi tập đơn lẻ đã ổn nhưng khi ghép với nhau lại không ăn khớp. Đó là chưa kể nhằm chinh phục độ khó của động tác, không ít lần các nghệ sĩ đã phải đối mặt với chấn thương.

Để có được những cú bắt tay chuẩn xác, những pha đu, thả chuyên nghiệp trên sân khấu là vô số lần họ đã phải chịu những cú ngã đau đớn từ trên cao do bản thân hay bạn diễn sơ sảy trong tích tắc. Và để những sai sót ấy không bao giờ xảy ra khi diễn phục vụ khán giả là cả quá trình hai nghệ sĩ khổ luyện cùng nhau hằng ngày suốt nhiều năm qua, nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, dù là phải tranh thủ khi trời tờ mờ sáng, vào lúc những người khác đang nghỉ trưa hay khi tối mịt vì còn phải phụ thuộc vào lịch trống của sân khấu biểu diễn.

Những ai quen biết nghệ sĩ Chu Hồng Thúy hẳn sẽ không còn xa lạ với vết chai sần thâm đen vòng quanh cổ chân cô suốt nhiều năm qua hình thành từ quá trình tập luyện. Thời gian đầu mới tập động tác cắn răng treo người, toàn bộ phần hàm của hai nữ nghệ sĩ đau nhức tới tận óc, thậm chí còn không muốn mở miệng nói hay nhai.

Nghệ sĩ Phạm Thị Hướng khi tập treo người bằng tóc, nước mắt, nước mũi chảy giàn giụa, khi thả tóc ra cả mảng da đầu sưng đỏ vì tụ máu, nhức buốt nhiều ngày. Chưa kể, dù trời rất lạnh, cô cũng phải nhúng đầu làm ướt tóc để bảo đảm tóc được búi thành khối chắc chắn...

Có những lúc phải chịu đau đến mức họ nghĩ mình sẽ không thể tiếp tục, sẽ phải bằng lòng với những động tác có độ khó thấp hơn. Nhưng với sự truyền lửa của Ban lãnh đạo Liên đoàn, đặc biệt là đam mê được thử sức, cống hiến cho nghề nghiệp, họ đã vượt qua được giới hạn của bản thân để chiến thắng...

Hiện tại, cùng với “Đu son”, hai nữ nghệ sĩ còn tham gia vào nhiều tiết mục đu cao của Liên đoàn Xiếc Việt Nam như: “Đu nón” bốn nữ, “Đu sen” bốn nữ. Đây cũng là những tiết mục đã giúp họ gặt hái nhiều giải vàng, bạc ở các cuộc thi, liên hoan xiếc chuyên nghiệp trong nước.

Hai nghệ sĩ cho biết họ sẽ tiếp tục nỗ lực luyện tập, nghiên cứu để nâng cao sức hấp dẫn của các tiết mục theo định hướng của lãnh đạo Liên đoàn. Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng cho hay, nhằm ghi nhận, tôn vinh các nữ nghệ sĩ xiếc Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 sắp tới, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ dàn dựng Chương trình Xiếc “Những cánh hồng bay” với chủ đề “công chúa xiếc”, bao gồm nhiều tiết mục xiếc đặc sắc được biểu diễn bởi những nữ nghệ sĩ đã khẳng định được thành công ở nhiều thể loại xiếc. Chương trình huy động sự chung tay từ một số đơn vị, doanh nghiệp để có những tri ân thiết thực đối với cống hiến trong năm của những “bóng hồng” trên sân khấu xiếc Việt Nam.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục