Thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố năm 2017, doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo toàn cầu năm 2015 là 2,25 nghìn tỷ USD, thu hút 29,5 triệu việc làm. Tại một số quốc gia, công nghiệp văn hóa đang ngày càng chứng tỏ ưu thế khi khai thác tài nguyên ở mức hạn chế, ít tạo ra ô nhiễm môi trường, trong khi đem lại giá trị kinh tế cao. Phát triển công nghiệp văn hóa là một xu thế tất yếu mà Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng không thể đứng ngoài. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, Hà Nội là một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.
Thúc đẩy những lĩnh vực có thế mạnh
Trung tâm Hoạt động Văn hóa-khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám vừa "chạy thử" chương trình giới thiệu về đạo học Việt Nam bằng công nghệ 3D Mapping. Ánh đèn được tắt đi, toàn khu nhà Thái học chìm trong bóng tối. Nhưng tòa nhà Thái học bỗng "tỏa sáng" khi trở thành nền cho một cuộc trình diễn công nghệ. Những hình ảnh về văn hóa Việt, những danh nhân văn hóa, truyền thống hiếu học... trở nên sống động, hấp dẫn, tạo ra cảm giác choáng ngợp khi được trình chiếu bằng công nghệ 3D Mapping. Chương trình sẽ tiếp tục hiệu chỉnh nội dung, kịch bản để phục vụ khách du lịch khi được phép mở cửa trở lại. Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa-khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, TS Lê Xuân Kiêu cho biết: "Dịch bệnh đặt ra rất nhiều thách thức. Nhưng đây cũng là cơ hội để trung tâm tổ chức lại hoạt động, xây dựng sản phẩm mới. Ðơn vị đưa ra sản phẩm kể chuyện đạo học Việt bằng công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế du lịch thông minh, lộ trình số hóa. Sản phẩm này sẽ làm phong phú thêm hoạt động du lịch đêm để "giữ chân" khách ở lại Hà Nội, đóng góp thiết thực cho thúc đẩy công nghiệp văn hóa".
Những ngày cuối năm, không khí lao động, sản xuất tại làng nghề Bát Tràng đang "nóng" lên từng ngày. Những chuyến ô-tô tấp nập vào ra, công nhân tại các xưởng gốm luôn chân luôn tay để cho ra lò sản phẩm. Dịch bệnh khiến làng nghề gặp khó khăn, nhưng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động sản xuất tại Bát Tràng, đã được khôi phục hơn 80%. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: Do sớm ứng dụng công nghệ vào khâu bán hàng nên Bát Tràng đã giảm thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Các đơn hàng trực tuyến chiếm 60% lượng hàng xuất của Bát Tràng, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ vững sản lượng hàng xuất khẩu. Hiện tại, các lò đang tăng tốc phục vụ cho nhu cầu Tết Nguyên đán Nhâm Dần".
Dù là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng các hoạt động của Văn Miếu-Quốc Tử Giám và làng nghề Bát Tràng đều là những điển hình của công nghiệp văn hóa Thủ đô. Công nghiệp văn hóa trải rộng trên 12 lĩnh vực như: Du lịch văn hóa, quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, thời trang, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình, phát thanh... Những năm qua, công nghiệp văn hóa đã đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, quảng bá hình ảnh Hà Nội. Nhiều sự kiện, hoạt động công nghiệp văn hóa đã có tiếng vang trong nước và quốc tế như: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF), Lễ hội đường phố Hà Nội, Lễ hội ánh sáng, Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Lễ hội Nghệ thuật dân gian đương đại... Thành phố có gần 200 không gian sáng tạo, là môi trường cho nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa phát triển. Khối nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động... Mặc dù vậy, nhìn chung, việc khai thác tài nguyên văn hóa vẫn còn nặng tính tự phát, thiếu định hướng. Với bề dày văn hóa, gồm 5.922 di tích, 1.783 di sản văn hóa phi vật thể, 1.350 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, Hà Nội đang định hình lại đường lối phát triển. Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Lê Thị Minh Lý nhận định: "Thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa chính là vốn di sản văn hóa giàu có và đa dạng. Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Thủ đô đã bước đầu có những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hóa-tiềm năng của công nghiệp văn hóa".
Tạo môi trường cho công nghiệp văn hóa
Những hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nhiều di tích vẫn đón khách theo kiểu "sáng mở ra-tối đóng vào". Số lượng di sản phi vật thể được khai thác, phát triển thành sản phẩm còn hạn chế. Một số sự kiện uy tín như Lễ hội âm nhạc Gió mùa chưa được tổ chức bền vững... Ở khối làng nghề, phần lớn các làng nghề chưa phát huy được những nét đặc trưng trong xây dựng sản phẩm, hình thành chuỗi tham quan, trải nghiệm chất lượng... Di sản và các tài nguyên văn hóa muốn trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa cần trải qua quá trình sáng tạo. Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, đặt sự sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm vì mục tiêu phát triển bền vững. Ðây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy công nghiệp văn hóa. Song, thành phố vẫn thiếu những biện pháp cụ thể.
Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh cho rằng: "Hà Nội cần xây dựng, củng cố nhận thức và tư duy mới trong cấp ủy, chính quyền, người dân, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; sự cần thiết phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chính quyền cần trở thành "bà đỡ" cho những ngành nghề có tiềm năng, bao gồm việc khuyến khích sáng tạo, đầu tư phát triển nguồn nhân lực sáng tạo. Hà Nội đã định hướng phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo, thì thành phố phải trở thành một không gian sáng tạo lớn, cộng đồng phải được trải nghiệm không khí sáng tạo".
Phó Giáo sư Ðặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam nhấn mạnh vai trò của hợp tác công tư. Trong đó, về lâu dài, nhà nước đóng vai trò tạo cơ chế và quản lý, các hoạt động sáng tạo dựa vào cộng đồng, dựa vào tư nhân để phát triển. Nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa hiện nay chưa hấp dẫn. Hà Nội thiếu những nhà đầu tư lớn, những sản phẩm ấn tượng; thiếu những không gian sáng tạo mang tính động lực, hội tụ, liên kết được nhiều lĩnh vực khác nhau của công nghiệp văn hóa... Do đó, thành phố cần xây dựng cơ chế ưu đãi đến thu hút đầu tư vào văn hóa.
Ðể tạo xung lực mới cho phát triển kinh tế từ các hoạt động công nghiệp văn hóa, vừa qua Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố Hà Nội đã thảo luận Dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Sau khi thảo luận, hiện thành phố đang chỉnh sửa dựa trên đóng góp ý kiến của các đại biểu để chuẩn bị ban hành. Việc ban hành Nghị quyết chuyên đề vừa có tác dụng nâng tầm nhận thức của cán bộ, đảng viên; vừa đưa ra những giải pháp để tháo gỡ những nút thắt trong phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Văn Phong cho biết: "Hà Nội sẽ lựa chọn đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm. Sáu lĩnh vực thành phố ưu tiên gồm: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phần mềm và trò chơi giải trí, thiết kế sáng tạo, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp từ 4 đến 5% GRDP. Qua điều tra khảo sát, tạm tính năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội đóng góp giá trị khoảng 1,49 tỷ USD, tương đương 3,7% GRDP. Giá trị này còn chưa thống kê được đóng góp của các làng nghề trên địa bàn thành phố, nên chỉ tiêu trên là phù hợp và có tính khả thi".
Gửi phản hồi
In bài viết