Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định "phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại" là một trong ba yếu tố cấu thành khâu đột phá thứ ba, góp phần đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 24,64%, tăng 3,2% so với đầu nhiệm kỳ, đạt 57,6% chỉ tiêu kế hoạch. Tỉnh có 7 đô thị, gồm: thành phố Tuyên Quang và trung tâm các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình.

Một góc phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang).

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 22/6/2021 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giai đoạn 2021 - 2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành riêng Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/5/2021 về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển đô thị và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Công tác quy hoạch xây dựng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm bố trí nguồn lực tổ chức lập quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của pháp luật, từng bước bảo đảm việc quy hoạch, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác quản lý đô thị được thực hiện bài bản hơn, quy hoạch đô thị từng bước bảo đảm sự thống nhất, liên thông với quy hoạch các ngành, giữa các cấp độ, trở thành công cụ hữu hiệu để thực hiện quản lý phát triển đô thị ngắn và dài hạn. Đến nay, hầu hết các đô thị là thành phố, thị trấn đã có quy hoạch chung đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tỷ lệ phủ kín các cấp độ quy hoạch được nâng cao. Tỉnh phấn đấu hết năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn đạt 25% và đến năm 2025 đạt trên 27%.

Thành phố Tuyên Quang đang hướng tới trở thành đô thị loại I và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống đường giao thông từ trung tâm thành phố đến các đường ngõ thôn, xóm, tổ dân phố được nâng cấp và xây dựng mới, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối, có sức lan tỏa như đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; đường trục phát triển đô thị từ thành phố đi trung tâm huyện Yên Sơn, đường dọc hai bờ sông Lô... Hiện thành phố đã thành lập được các phường mới như: Đội Cấn, Mỹ Lâm, An Tường và đã thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị Đông Sơn, An Phú, Thịnh Hưng, Việt Mỹ...gần đây nhất là dự án xây dựng đô thị thuộc Tập đoàn DanKo tại xã Kim Phú. Dự án Trung tâm thương mại GO! trên địa bàn phường Hưng Thành sắp được triển khai. Thành phố Tuyên Quang đã duy trì, củng cố và hoàn thành thêm 2 tiêu chuẩn đô thị loại II (Tỷ lệ tăng dân số và tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị), góp phần nâng cao tiêu chuẩn hiện có, hướng tới hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I. Năm 2023 tỷ lệ đô thị hóa thành phố ước đạt 75,2%, đạt gần 100%  mục tiêu nghị quyết.

Khu vực trung tâm xã Đà Vị (Na Hang) đang từng bước trở thành đô thị loại V.

Công tác quy hoạch đô thị, phát triển đô thị được triển khai đồng bộ. Theo Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 4 đô thị gồm Sơn Dương, Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa), Tân Yên (huyện Hàm Yên) và Na Hang (huyện Na Hang) đạt tiêu chí đô thị loại IV trong giai đoạn đến năm 2030, sau giai đoạn này sẽ từng bước đưa lên loại III. Ngoài ra, Tuyên Quang quy hoạch thêm 21 đô thị mới. Trong đó 19 đô thị loại V sẽ được thành lập trong giai đoạn 2021 - 2030, gồm: Lăng Can, Thượng Lâm, Phúc Sơn (huyện Lâm Bình), Đà Vị, Yên Hoa (huyện Na Hang), Hòa Phú, Kim Bình, Trung Hà, Ngọc Hội (huyện Chiêm Hóa), Phù Lưu, Thái Sơn (huyện Hàm Yên), Yên Sơn, Mỹ Bằng, Trung Môn, Xuân Vân, Trung Sơn (huyện Yên Sơn), Hồng Lạc, Sơn Nam, Tân Trào (huyện Sơn Dương). Hai đô thị hình thành giai đoạn sau năm 2030 gồm: Khuôn Hà (huyện Lâm Bình), Hồng Thái (huyện Na Hang).

Nhờ có quy hoạch tổng thể, các dự án đầu tư xây dựng tăng nhanh cả về số lượng, quy mô, tổng mức đầu tư, dần hình thành một số khu đô thị mới theo hướng hiện đại. Các đô thị đã từng bước được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tỉnh đã quy hoạch các cụm dân cư, tập trung gắn với phát triển các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Qua đó giúp diện mạo đô thị đang dần khởi sắc, hệ thống hạ tầng đô thị được cải thiện rõ rệt; nhiều đô thị cũ được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng; nhiều đô thị mới, quy mô lớn ra đời, với những công trình kiến trúc hiện đại, nhiều trung tâm xã  từng bước hình thành các cụm đô thị.

Mặc dù là huyện vùng cao nhưng Na Hang lại là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa khá cao, chỉ sau thành phố Tuyên Quang với tỷ lệ đô thị hóa năm 2023 ước đạt 16,96%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra là đưa thị trấn Na Hang phát triển lên thành đô thị loại IV, đến thời điểm này, huyện Na Hang đã tập trung các nguồn lực xây dựng theo quy hoạch, nhất là những công trình, dự án phát triển đô thị. Hệ thống giao thông nông thôn được ưu tiên đầu tư, đến nay, 100% số xã có đường nhựa hóa đến trung tâm xã; bê tông hóa đạt 98%. Bên cạnh đó các trung tâm xã như Yên Hoa, Đà Vị được lập quy hoạch theo hướng đô thị loại V. Đây chính là động lực quan trọng để Na Hang tiến nhanh, tiến kịp với các địa bàn vùng thấp.

Với hướng đi mới, hạ tầng đô thị tỉnh Tuyên Quang sẽ ngày càng phát triển theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại. Từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục