Tạp chí Tân Trào số 3 - ấn phẩm đặc sắc về chủ đề Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Những ngày này, cả nước đang khẩn trương, quyết liệt thực hiện phương châm hành động “Chống dịch như chống giặc” trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chúng ta càng nhớ về quá khứ hào hùng chống giặc ngoại xâm của cha ông đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Bài viết của tác giả Việt Thanh sẽ ôn lại trang sử vàng của dân tộc, vai trò của căn cứ địa Tân Trào, nơi Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn đặt làm “đại bản doanh” để lãnh đạo cách mạng.

Chuyên mục Sự kiện bình luận thông tin về Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh. Kỳ họp đã có nhiều quyết sách quan trọng, trong đó nổi bật là nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, hứa hẹn sẽ mang lại sự đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Chuyên trang Chào mừng Lễ ra mắt Tạp chí Tân Trào với bài phát biểu chào mừng của các đồng chí: Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; đồng chí Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Các ý kiến đóng góp của hội viên là những đóng góp quý báu xuất phát từ trái tim, lòng nhiệt huyết của đại diện lãnh đạo, hội viên đã gắn bó với Hội suốt nhiều năm qua. Tất cả đều hướng tới mục tiêu đưa Tạp chí Tân Trào phát triển, có sức lan toả mạnh mẽ, không chỉ được bạn đọc trong tỉnh đón nhận nhiệt liệt, mà còn góp phần quảng bá thương hiệu xứ Tuyên đến với độc giả cả nước.

Trang thơ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Thắng, Lê Na, Lê Nguyệt Minh, Trần Xuân Việt, Đào Xuân Thủy, Phạm Thuyết, Tống Đại Hồng, Vương Huyền Nhung, Nguyễn Bình, Cao Xuân Thái. Trang thơ với những bài thơ dự thi ấn tượng, đa dạng về đề tài, thể loại, phong cách. Đặc biệt một số tác giả khẳng định mình bằng nội lực sáng tạo, chiều sâu của tư duy thơ. Ban biên tập vẫn mong chờ đón nhận những tác phẩm mới gửi đến đóng góp vào “Cuộc thi thơ Tuyên Quang năm 2021”. Bên cạnh đó còn có những tác phẩm sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Văn xuôi với các truyện ngắn, bút ký: Cái mồi rơm của Nguyễn Đình Lãm, A Lềnh đi chợ của Tạ Ngọc Dũng, Hẹn ngày về của Mai Thái Sơn, Bẩy quả thị tiên của Đỗ Anh Mỹ, Lặng lẽ êm trôi giữa lòng Việt Bắc của Phù Ninh, Lối rẽ cuộc đời của Lương Tùng Nam.

Cái mồi rơm khắc họa sinh động cuộc sống thường nhật của người nông dân thời xưa thông qua hình ảnh cái mồi rơm, một vật dụng thiết yếu dùng để giữ lửa khi mà diêm và bật lửa ga chưa thông dụng. Những tình tiết trong câu chuyện diễn ra giữa gia đình ông Lý Viễn và bà Tẹo hàng xóm diễn ra những câu chuyện dở khóc, dở cười…

A Lềnh đi chợ câu chuyện xoay quanh người đàn ông dân tộc Mông tên là Lềnh. Trước hoàn cảnh khó khăn của người cùng làng, anh đã có nghĩa cử cao đẹp, giúp đỡ người đang gặp khó khăn…

Trong truyện Hẹn ngày về ông Sần phải đi xa quê hương lên thành phố ở với con trai, con dâu để tiện chữa bệnh cho vợ. Cuộc sống nơi đất khách, ông Sần vẫn đau đáu nhớ về quê hương, nguồn cội. Trong một lần trở lại thăm quê, ông đã hẹn ngày trở về…

Bẩy quả thị tiên là truyện thiếu nhi với lối viết có sự hồn nhiên, ngây thơ, giàu tính hình ảnh lôi cuốn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Qua nội dung câu chuyện, các em thiếu nhi có thể liên hệ những điều thú vị trong cuộc sống được gửi gắm qua tác phẩm…

Lặng lẽ êm trôi giữa lòng Việt Bắc, tác giả Phù Ninh đã giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về dòng sông Phó Đáy, dòng sông êm đềm nhưng gắn với trang sử hào hùng của dân tộc, gắn với hình ảnh Bác Hồ, chứng kiến những tháng năm kháng chiến gian khổ của cả dân tộc ta...

Lối rẽ cuộc đời xoay quanh nhân vật Đấu làm nghề chuyên giết mổ gia súc, gia cầm. Là một đồ tể chuyên nghiệp, vơi tính cách bặm trợn, lươn lẹo ấy vậy mà khi làng Mô xây chùa, ông bỗng trở thành con người hoàn toàn khác, buông dao học đạo. Đấu đã có lối rẽ ngoạn mục cho cuộc đời của mình...

Mảng văn học còn có bút ký Sương sớm bản Mù của Tạ Bá Hương, ghi chép Nhọc nhằn Trung Minh của Bàn Minh Đoàn. Qua bài viết, độc giả sẽ hiểu thêm về những nét văn hóa độc đáo có nguy cơ bị mai một của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như sự đổi thay từng ngày của các vùng quê.

Âm nhạc Tạp chí số này là sáng tác Tân Trào ngày mới nhạc Tân Điều, ý thơ Hoàng Công Doanh

Ở chuyên mục Gương mặt nghệ sỹ, bạn đọc sẽ được gặp lại Cố nhà văn Đinh Công Diệp một đời vui vẻ của tác giả Trung Trung Đỉnh

Chuyên mục Lý luận - Phê bình có các bài viết: Truyện hay thường có chi tiết hay của Nguyễn Thế Hùng; Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ múa của Lê Cường.

Trang Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Khoai tây của Julio Ortega (pê-ru). Truyện do dịch giả Phúc Triêm chuyển ngữ.

Phần minh họa, ảnh với nhiều tranh, ảnh đẹp:

Bìa 1: Ban mai - ảnh: Quang Minh

Minh họa: Ngọc Điền, Quảng Tâm, Lê Cù Thuần…

Bìa 2: Hoa ban Tây Bắc giữa lòng thành phố Tuyên Quang - ảnh: Quốc Việt

Kính mời quý độc giả đón đọc!

Theo tuyenquang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục