“Tết Xíp xí” ở Sơn La được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 16/8, tại di tích lịch sử Đình Chu, bản Chiềng Hạ, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã diễn ra lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Tết Xíp xí” của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai và huyện Phù Yên.

Theo phong tục của người Thái trắng, “Tết Xíp xí” (xíp xí nghĩa là 14) được tổ chức vào ngày 14 tháng 7 (âm lịch) hằng năm. Nghi lễ này được bắt nguồn từ chu kỳ sản xuất nông nghiệp lúa nước.

Sau khi cày bừa, cấy mạ xong, người nông dân làm lễ gác cày bừa, cúng vía cho trâu, thả trâu trở lại rừng; dâng lễ lên thần linh, tổ tiên cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên tặng 20 suất học bổng cho các em học sinh có thành tích học tập xuất sắc.

Ở huyện Phù Yên, nghi lễ “Tết Xíp xí” còn gắn với trẻ con nên còn được gọi là Tết của trẻ con. Vào ngày này, nếu trẻ con vẫn đi chăn trâu thì phải gói xôi, gói thịt, gói bánh ít mang đi để ăn và được bố mẹ mua cho quần áo mới.

Người Thái trắng tổ chức nghi lễ “Tết Xíp xí” nhằm tạ công ơn con trâu đã giúp người nông dân cày bừa, một công việc nặng nhọc vất vả; ghi nhớ công ơn những đứa trẻ trực tiếp chăn dắt, chăm sóc trâu; dâng lễ cúng tổ tiên, thần linh để nhờ thần linh, tổ tiên giúp đỡ, trông nom ruộng, nương, cầu cho mùa màng tươi tốt.

Người Thái trắng tại huyện Quỳnh Nhai thì cho rằng tổ chức “Tết Xíp xí” là để sơ kết 6 tháng đầu năm, đây là thời điểm các gia đình đã vừa cấy lúa xong…

Sau một thời gian sưu tầm tài liệu, xây dựng hồ sơ trình xin ý kiến các sở, ngành của tỉnh Sơn La; chỉnh sửa hoàn thiện và trình, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2313/QĐ-BVHTTDL công bố nghi lễ “Tết Xíp xí” của người Thái Trắng ở Sơn La vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn đối với cộng đồng người Thái trắng tại 2 huyện Phù Yên và Quỳnh Nhai; là động lực để cấp ủy, chính quyền và nhân dân 2 huyện cùng nhau quảng bá, giới thiệu nghi lễ “Tết Xíp xí” tới du khách thập phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.

Thi đi cầu treo và thi vót đũa dịp “Tết Xíp xí” tại huyện Phù Yên.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đề nghị trong thời gian tới, huyện Phù Yên cần tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp “Tết Xíp xí”; gắn di sản văn hóa phi vật thể với phát triển kinh tế-xã hội, đề nghị huyện Phù Yên tiếp tục gắn phát triển du lịch với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đông nhất là người Thái, chiếm 53,72% dân số toàn tỉnh, đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng; đã và đang giữ vị trí quan trọng trong khối đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.

Sơn La có hai ngành Thái, đó là Thái đen và Thái trắng. Trong đó người Thái đen chiếm đa số. Người Thái cư trú hầu khắp 12 huyện, thành phố của tỉnh, có huyện người Thái chiếm đến 70% dân số.

Người Thái đen tập trung chủ yếu ở thành phố Sơn La và các huyện: Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu.

Người Thái trắng cư trú dọc theo triền sông Đà, ở các vùng thấp, chủ yếu ở các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Quỳnh Nhai và Mường La.

Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên đã tặng 20 suất học bổng cho các em học sinh có thành tích học tập xuất sắc trên địa bàn huyện.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục