Tượng đài Anh hùng dân tộc Trương Định tại thành phố Gò Công (Tiền Giang).
Phát biểu tại hội thảo khoa học, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, Bình Tây Đại nguyên soái-Trương Định sinh năm 1820 tại thôn Trường Định, xã Tư Cung, Phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).
Năm 24 tuổi (năm 1844), ông theo cha vào nam, lấy vợ và lập nghiệp ở Gò Công (thuộc tỉnh Tiền Giang).
Năm 1854, Trương Định chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận. Ông được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản Cơ và tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công.
Đến năm 1862, nhà Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang.
Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp.
Ngày 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân, Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng.
Sau khi Trương Định tuẫn tiết, thi hài ông được gia đình và nhân dân đưa về an táng trọng thể tại thị xã Gò Công (nay là thành phố Gò Công) thuộc tỉnh Tiền Giang. Đến năm 1972, nhân dân xây dựng đền thờ ông. Khí tiết của Trương Định mãi được lưu truyền sử sách và trong lòng nhân dân.
Đối với người dân Tiền Giang, tấm gương bất khuất, tinh thần chiến đấu kiên cường trong đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược những năm 60 thế kỷ XIX của Anh hùng dân tộc Trương Định là nguồn động lực to lớn để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh Tiền Giang tiếp tục chiến đấu dũng cảm vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cống hiến công sức, trí tuệ xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
Tại hội thảo khoa học, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Quân khu 7, Quân khu 9; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; các đại biểu tỉnh Quảng Ngãi-quê hương của Anh hùng dân tộc Trương Định đã trao đổi nhằm tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và những đóng góp to lớn của cuộc Khởi nghĩa Trương Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ 19.
Gửi phản hồi
In bài viết