Scotland công bố kế hoạch trưng cầu dân ý về nền độc lập: Nước Anh lại rơi vào tranh cãi

Thực hiện đúng cam kết đã đề ra khi tranh cử, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã công bố kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về nền độc lập của vùng này với Vương quốc Anh vào ngày 19-10-2023. Mặc dù, còn phải xin ý kiến từ Tòa án Tối cao Vương quốc Anh trước khi tổ chức trưng cầu dân ý, song động thái này từ phía Scotland vẫn châm ngòi cho những tranh cãi, thiếu đồng thuận trong nội bộ xứ sở Sương mù.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon theo đuổi kế hoạch đưa Scotland độc lập khỏi Anh.

Trong một phát biểu ngày 29-6, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý sẽ chỉ được tiến hành khi đủ điều kiện về pháp lý và Đảng Dân tộc Scotland (SNP) cầm quyền sẽ coi cuộc trưng cầu dân ý như một phép thử mức độ tín nhiệm cho cuộc tổng tuyển cử năm 2024. Phản ứng trước kế hoạch Thủ hiến Scotland đưa ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, hiện không phải là thời điểm để bàn về cuộc trưng cầu dân ý, song chính phủ của ông sẽ xem xét thận trọng về đề xuất này.

Theo nhận định của nhiều nhà bình luận, sở dĩ nhiều người Scotland luôn ôm ấp hy vọng độc lập trong suốt hàng chục năm qua bởi mối quan hệ Scotland - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (gồm 4 vùng lãnh thổ hợp thành là xứ England, Bắc Ireland, Scotland và Xứ Wales) rất phức tạp. Số người muốn ly khai và số người muốn duy trì một vương quốc hợp nhất gần như tương đương nhau, rất khó phân định. Những hệ lụy từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể làm gia tăng tỷ lệ cử tri Scotland ủng hộ độc lập bởi trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận thời điểm đó, có đến hơn 60% cử tri Scotland phản đối việc rời khỏi “mái nhà chung” EU. Đây là tỷ lệ phản đối cao nhất trong toàn bộ các vùng lãnh thổ của xứ sở Sương mù. Vì thế, đối với Scotland, việc không thể đảo ngược được tiến trình Brexit là một thực tế rất khó chấp nhận. Hầu hết người dân Scotland cho rằng, lợi ích và nguyện vọng của họ đã không được tính đến một cách đầy đủ. Thủ hiến Nicola Sturgeon còn nhấn mạnh: “Là một thành viên độc lập của EU, Scotland sẽ là đối tác và là cầu nối. Ngày càng nhiều người dân Scotland tin rằng khát khao của chúng tôi có thể được đáp ứng tốt nhất khi được tiếp tục đóng góp với sự nỗ lực chung và đoàn kết mà EU đại diện”. Trên thực tế, trong suốt hơn 3 năm đàm phán Brexit, Chính phủ Anh cũng hầu như không để tâm đến các yêu cầu và đòi hỏi từ phía các đảng chính trị tại Scotland. Họ cho rằng, chỉ có việc trở thành một quốc gia độc lập thì Scotland mới bảo vệ được lợi ích tốt nhất của mình.

Tuy nhiên, cũng nhiều nhận định tỏ ra không tin tưởng kết quả trưng cầu sẽ nghiêng về phe ủng hộ độc lập. Mặc dù các tư tưởng chia tách đang quay lại và thu hút sự chú ý lớn hơn tại Scotland nhưng đồng thời, mức độ hoài nghi về sự cần thiết và hợp lý của việc trở thành một quốc gia độc lập cũng không hề nhỏ. Cuộc bầu cử vừa qua ở Scotland cho thấy điều đó. Các nhóm ủng hộ và phản đối độc lập chia đều chiến thắng ở nhiều đơn vị bầu cử, dù cuối cùng, đảng SNP và đảng Xanh Scotland vốn ủng hộ độc lập, chiếm đa số tại Nghị viện. Hiện nay, khi hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế của cả Vương quốc Anh, cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine đang khiến nhiều nước châu Âu chao đảo, các ưu tiên trước mắt là giành cho bình ổn và phục hồi kinh tế. Chia tay Vương quốc Anh vào thời điểm này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho Scotland.

Tóm lại, để triển khai được cuộc trưng cầu dân ý về độc lập lần 2, đảng cầm quyền SNP phải tìm kiếm được sự ủng hộ của nhiều cơ quan chức năng của Anh và các đảng đối lập tại Scotland. Đây được coi là một “cuộc chiến” kéo dài cả về mặt pháp lý, truyền thông và khiến nội bộ nước Anh đứng trước nguy cơ chia rẽ mới.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục