Vẫn còn nhiều hạn chế
Kiến Thiết là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Sơn. Toàn xã có trên 6.710 nhân khẩu, gồm 12 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, dân tộc Mông chiếm khoảng 40%, dân tộc Tày và Nùng chiếm khoảng 30%, còn lại các dân tộc khác... Theo ông Hoàng Tiến Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kiến Khiết: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xã Kiến Thiết còn rất nhiều bất cập, như: còn có đám cưới tổ chức rình rang, hầu hết các đám cưới đều tổ chức bữa thứ 3, mở loa đài quá giờ quy định; việc tang đã có sự thay đổi, hầu hết các đám tang không còn dùng vòng hoa, bức trướng, nhưng vẫn sử dụng kèn trống gây tiếng ồn. Đặc biệt kinh phí thầy cúng trong các đám tang còn hơi cao so với khả năng kinh tế của các gia đình nông thôn.
Đồng chí Hoàng Cao Thượng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bắc Triển, xã Kiến Thiết chia sẻ: Mặc dù chi bộ, thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền tại các cuộc họp chi bộ, họp thôn, sinh hoạt các đoàn thể, nhưng tình trạng sử dụng kèn trống trong các đám tang của thôn chưa chuyển biến, nhất là các đám tang của dân tộc Tày vẫn còn nặng nề phần lễ. Tuy nhiên, vấn đề này chưa thể thay đổi ngay được mà cần thời gian. Trong năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đảng viên, nhân dân từng bước đổi mới, để vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc, vừa loại trừ một số thủ tục rườm rà, tiết kiệm chi phí tiền bạc cho các gia đình.
Cán bộ MTTQ xã Kiến Thiết (Yên Sơn) tuyên truyền người dân thôn Bắc Triển thực hiện nếp sống văn minh việc cưới, việc tang.
Thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) có trên 800 nhân khẩu, chiếm 99% là người dân tộc Mông. Theo đồng chí Lý Văn Súa, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, trước đây, các đám cưới của người Mông trong thôn nhà gái thách cưới cao lắm, phải mấy chục triệu/đám. Nhưng giờ có nhiều đổi mới, không còn chuyện thách cưới. Lễ dẫn cưới tùy thuộc điều kiện kinh tế của từng gia đình nhà trai, kinh tế khá giả thì lễ dẫn cưới khoảng 10 đến 15 triệu/lễ, còn những hộ bình thường thì dao động từ 5 đến 10 triệu/lễ. Các gia đình nhà gái cũng không còn gánh nặng lễ hồi môn khi gả chồng cho con.
Nếu như trước đây, nhà nào có con gái gả chồng, bố mẹ phải chuẩn bị trâu, bò làm của hồi môn cho con, thì nay cũng dần được lược bỏ. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới ở thôn đã có chuyển biến nhiều, tuy nhiên, thôn vẫn còn xảy ra trường hợp tảo hôn. Năm 2024, thôn xảy ra một trường hợp 2 cháu cùng thôn N.V.Tr và H.N.A tảo hôn khi em H.N.A chưa đủ 18 tuổi, dẫn đến con cái 2 cháu sinh ra không đăng ký được khai sinh, khi làm các thủ tục hưởng quyền lợi cho cháu bé gặp nhiều khó khăn.
Trong truyền thống văn hóa của người Việt nói chung và Tuyên Quang nói riêng, việc tổ chức lễ cưới, lễ tang vừa kế thừa truyền thống phong tục, tập quán, mang bản sắc riêng của các dân tộc, vừa được cải biến ngày càng văn minh phù hợp với sự phát triển của xã hội. Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh, bên cạnh mặt tích cực, phong tục, tập quán tổ chức việc cưới, việc tang ở một địa phương trong tỉnh vẫn còn nặng nề, gây tốn kém, lãng phí tiền bạc, thời gian.
Trong đó, đối việc cưới vẫn còn hiện tượng sử dụng loa đài với âm lượng lớn; lấn chiếm lòng đường, vỉa hè dựng rạp; tổ chức tiệc ăn uống linh đình, tốn kém, lãng phí; tình trạng tảo hôn vẫn còn. Đối với việc tang, tang lễ của một số dân tộc tuy đã rút ngắn về thời gian tổ chức nhưng vẫn tốn kém nhiều chi phí tiền bạc và đồ lễ; một số đám tang vẫn còn hiện tượng rải tiền vàng trên đường đưa tang; tình trạng phúng vòng hoa, bức trướng vẫn còn nhiều; việc tổ chức ăn uống nhiều bữa trong đám tang vẫn diễn ra ở một số nơi...
Những tác động tiêu cực đó không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Vì vậy, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là việc làm cần thiết, rất cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và ý thức của mỗi người dân.
Đồng bộ các giải pháp
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, ngày 17/7/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU về việc tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Người dân thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) mặc trang phục truyền thống trong ngày cưới.
Triển khai Chỉ thị, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến và hướng dẫn cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân triển khai thực hiện. Các hoạt động truyền thông được tổ chức đa dạng dưới nhiều hình thức như vận động tuyên truyền, lồng ghép qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố, trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tuyên truyền trực quan bằng treo khẩu hiệu, pano, áp phích; tuyên truyền qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo…
Các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa việc triển khai Chỉ thị. HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết về việc hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên; nghị quyết thông qua Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay toàn tỉnh có 1.367/1.681 nhà văn hóa thôn, bản đạt chuẩn, cơ bản tạo không gian, địa điểm cho các gia đình tổ chức đám cưới, khắc phục dần việc tổ chức tại gia đình, gây nên tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Đồng chí Tăng Thị Dương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Nhận thức rõ việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi gia đình và cộng đồng. Trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín, người thực hành tín ngưỡng tâm linh, các chức sắc, chức việc trong vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức các hội nghị, các cuộc tọa đàm, gặp mặt từng dân tộc để cung cấp thông tin, tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Những ý kiến tại các hội nghị, tọa đàm đã góp phần để chúng tôi có những tham mưu, kiến nghị lên cấp trên nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Sau thời gian triển khai thực hiện, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể được nâng lên; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh đang từng bước đi vào quy củ, được cán bộ, đảng viên và đại bộ phận quần chúng Nhân dân tích cực hưởng ứng.
Tại các xã, phường, thị trấn việc vận động thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang đã được triển khai tích cực. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động các gia đình thực hiện nếp sống văn minh, các cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các khu dân cư nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu. Nội dung thực hiện nếp sống văn minh được đưa vào quy ước, hương ước và trở thành tiêu chí bình xét, đánh giá, xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa… Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn xây dựng quy chế của cơ quan về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; 100% thôn, tổ dân phố hoàn thành sửa đổi, bổ sung và ban hành quy ước thôn, tổ dân phố.
Ở một số xã, các mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, các câu lạc bộ tiền hôn nhân được thành lập. Cùng với đó, những phong tục tập quán tốt đẹp như cô dâu, chú rể mặc trang phục dân tộc trong ngày vui trọng đại ngày càng được nhân rộng. Các thủ tục trước, trong và sau đám cưới ở một số nơi đã đơn giản, gọn nhẹ; các đám tang cơ bản được tổ chức tiết kiệm. Nhiều gia đình đã thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức việc tang, như: sử dụng vòng hoa luân chuyển; không đốt vàng, mã; không rải tiền Việt Nam...
Sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của Nhân dân, từng bước làm thay đổi hành động của mỗi người. Cùng chung tay xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã và đang góp phần bồi đắp những giá trị mới trên nền tảng văn hóa truyền thống, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Đồng chí Phạm Ngọc Hải
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tuyên Quang
Nhân rộng mô hình nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
Thời gian qua, các nội dung quy định nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được MTTQ thành phố Tuyên Quang triển khai gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đạt được hiệu quả thiết thực. Việc phối hợp triển khai, nhân rộng các mô hình như: Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật; Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc của Hội phụ nữ; Gia đình học tập, dòng họ học tập… được thực hiện tốt đã góp phần tích cực trong việc thực hiện quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Thời gian tới, MTTQ các cấp thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự tự giác của nhân dân khi có việc cưới, việc tang; tăng cường vận động, thuyết phục để những người thực hành tín ngưỡng tâm linh, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đồng thuận và gương mẫu đi đầu trong thực hiện.
Đồng chí Lò Thị Hoa
Dân tộc Mông, Bí thư chi bộ thôn Nà Lòa, xã Xuân Lập (Lâm Bình)
Thay đổi nếp sống
Thôn Nà Lòa, xã Xuân Lập (Lâm Bình) hiện có 97 hộ dân, 495 nhân khẩu, có 4 dân tộc sinh sống, trong đó người dân tộc Mông chiếm trên 65%. Ngoài việc chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, người dân đã có ý thức tốt trong việc thực hiện hương ước, quy ước thôn đề ra, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang.
Nếu như trước kia, tổ chức đám cưới, các gia đình thường ăn uống dài ngày, thì hiện nay, thôn đã thống nhất tổ chức ăn 1 ngày, chỉ 1 bữa chính. Việc thách cưới không còn. Đặc biệt, âm thanh, loa đài không được bật sau 22h đêm, để tránh gây ảnh hưởng cuộc sống của người trong thôn, bản.
Việc tang cũng quy định không vượt quá 48 tiếng đồng hồ, người mất phải để trong quan tài để bảo đảm vệ sinh. Đặc biệt, một quy định khá nhân văn đã được bà con thực hiện thành thông lệ là, nếu nhà nào trong thôn có người mất, người dân trong thôn sẽ đóng góp gạo, củi để hỗ trợ gia chủ giảm bớt khó khăn.
Bà Đặng Thị Hà
Dân tộc Dao, xã Hợp Hòa (Sơn Dương)
Gìn giữ bản sắc dân tộc
Là người dân tộc Dao, tôi luôn tự hào về việc giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc, đặc biệt là trong những dịp quan trọng như cưới hỏi và tang ma. Những nghi thức như lễ rước dâu, lễ tơ hồng trong đám cưới hay các nghi lễ tiễn đưa người đã khuất không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng và gia đình. Tôi nghĩ rằng, dù cuộc sống hiện đại có thay đổi thế nào, chúng ta vẫn cần bảo tồn và truyền lại những giá trị này cho thế hệ trẻ.
Điều quan trọng nhất là vẫn giữ được nét đặc trưng của đồng bào mình, bởi những nghi lễ này không chỉ dành riêng cho gia đình mà còn là dịp để thắt chặt tình đoàn kết xóm làng, cùng chung vui, cùng sẻ chia. Tôi luôn dặn dò con cháu rằng, dù ở đâu, làm gì, cũng đừng quên cội nguồn, đừng quên những nét đẹp văn hóa của tổ tiên. Giữ gìn và phát huy bản sắc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cách để chúng ta khẳng định giá trị của dân tộc mình giữa muôn vàn sự đổi thay.
Ông Tạ Quốc Hiến
Thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa)
Gương mẫu trước hết từ gia đình
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang tại địa phương, tôi luôn nghĩ, thay đổi nhận thức, làm gương trước hết phải từ chính gia đình mình. Khi người nhà mình gương mẫu, tự khắc bà con thấy được cái hay, cái lợi mà làm theo. Giờ ở Đồng Hương, việc tổ chức đám cưới đã giảm những thủ tục phiền hà mất nhiều thời gian như: lễ dạm ngõ, ăn hỏi, dẫn cưới, hai bên 2 gia đình thống nhất chỉ tổ chức vào một ngày; việc thách cưới cao đã giảm; khuyến khích cô dâu, chú rể mặc trang phục dân tộc Tày trong lễ cưới, trong đám cưới không mở loa đài quá to, thời gian kéo dài; trước khi tổ chức cưới các cặp vợ chồng đều ra UBND xã tổ chức đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Đối với việc tang, người dân trong thôn giảm bớt những thủ tục rườm rà, lặp lại nhiều lần. Không làm nhà xe hoặc có làm chỉ làm một tầng, hạn chế làm “ma khô”, không dùng loa phóng thanh, không tổ chức ăn uống linh đình...
Gửi phản hồi
In bài viết