Hơn 10 năm thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội phát triển, tác động của biến đổi khí hậu, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện.
Công nhân Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn thu gom bùn thải khắc phục sự cố phục hồi môi trường nước tại
xã Bình Phú (Chiêm Hóa).
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Luật Tài nguyên nước 2023 đã thể chế hóa nhiều nội dung quan trọng, đột phá hướng tới tài nguyên nước được quản lý như: Tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 và mục tiêu quan trọng nhất đó là: Bảo đảm an ninh nguồn nước Quốc gia; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước; phục hồi, làm sống lại các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phân công, phân cấp triệt để cho các địa phương; quy định rõ trách nhiệm các bộ, địa phương liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý… Luật Tài nguyên nước có hiệu lực đã siết chặt hơn công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước vì sự sống của con người và sự an toàn của quốc gia.
3 tháng nay, Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn đã phải huy động một lực lượng lớn công nhân, phương tiện, thiết bị, máy móc để khắc phục sự cố ô nhiễm trên địa bàn xã Bình Phú (Chiêm Hóa). Theo hồ sơ vụ việc, sau trận mưa lũ hoàn lưu bão số 3 hồi trung tuần tháng 9, hồ chứa bùn thải quặng của Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn đã bị vỡ gây ô nhiễm nặng toàn bộ hệ thống suối trên địa bàn xã Bình Phú. Thực hiện theo đúng Luật Tài nguyên nước 2023, Chi nhánh Kim loại màu đã phải khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố, nhanh chóng phục hồi lại nguồn nước. Đồng thời có trách nhiệm bồi thường với những hộ dân bị ảnh hưởng sau sự cố về môi trường.
Cơ quan chức năng lấy mẫu nước để kiểm tra phân tích trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.
Cũng kể từ khi Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực việc “tranh chấp” khai thác nguồn nước giữa một số người dân trên địa bàn xã Ninh Lai và Ban Quản lý Công trình cấp nước sạch nông thôn xã mới được ngã ngũ. Tất cả các hộ có hành vi xâm lấn, khai thác công trình nước của xã đều phải tự nguyện tháo dỡ nếu không sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ông Ôn Văn Tám, Tổ trưởng tổ quản lý công trình nước sạch nông thôn xã chia sẻ: Luật Tài nguyên nước 2012 có quy định “chia sẻ nguồn nước” với cộng đồng. Lợi dụng quy định không còn phù hợp với thực tiễn, một số hộ dân đã “lách luật” tự ý lắp đặt đường ống, thiết bị thu nước ngay đầu đập thu nước của công trình cấp nước của xã. Điều đáng nói là công trình cấp nước của xã đã được UBND tỉnh cấp phép vùng bảo hộ 1.000 m từ phía thượng lưu và 100 m về phía hạ lưu.
Ngoài siết chặt công tác phục hồi “làm sống lại” các dòng sông, suối bị ô nhiễm; quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác tài nguyên nước. Luật cũng quy định cụ thể điều hòa, phân phối tài nguyên nước; kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước... Với những quy định cụ thể, rõ ràng, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách bảo đảm phù hợp thực tế, khắc phục những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác có liên quan và những vấn đề vướng mắc phát sinh, tồn tại trong thực tiễn khi áp dụng các quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012. Theo đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt, Luật Tài nguyên nước đã có hiệu lực song để hiện thực hóa các quy định của Luật Tài nguyên nước vào cuộc sống, tạo khung pháp lý bảo vệ bền vững trong việc quản lý bảo vệ tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước đến mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh; rà soát lại các quy hoạch về tài nguyên nước; cấp phép khai thác nguồn nước đúng quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật Tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân và kiện toàn bộ máy, con người làm công tác quản lý tài nguyên nước ở các cấp, nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết