Những số phận bất hạnh
Theo chị Lê Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm, hiện nay, Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 31 đối tượng cơ nhỡ, bất hạnh. Trong đó, có 16 người cao tuổi không nơi nương tựa, 10 người tâm thần, khuyết tật, 5 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật. Trung tâm được chia thành 2 khu, phía bên ngoài là khu nhà làm việc của cán bộ, nhân viên. Phía trong là Khu quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, gồm: Nhà ăn chung; dãy nhà hội trường và phòng y tế; dãy nhà quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người già; nhà nuôi dưỡng trẻ em; dãy nhà quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần đã ổn định; dãy nhà phục hồi chức năng.
Mỗi người được tiếp nhận vào Trung tâm có 1 hoàn cảnh khác nhau. Có đối tượng sức khỏe yếu, nằm tại chỗ không tự phục vụ được, không nhớ nổi tên, quê quán ở đâu. Có những đứa trẻ sinh ra không may bị khuyết tật vận động, bại não, vệ sinh không tự chủ, mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi; lại có những đối tượng không bình thường, thi thoảng “nổi khùng” lên, chỉ trực trèo tường trốn ra ngoài đi lang thang... Điểm chung ở họ là không còn nơi nào để đi, không có ai để nương tựa.
Nhân viên Trung tâm chăm sóc em Nịnh Văn Lợi, trẻ khuyết tật vận động.
Thật xúc động khi đến thăm dãy nhà quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật và người già. Em Nguyễn Quang Trung (sinh năm 2015) bị khiếm thị, tăng động và không nói được. Thấy có tiếng người đến, em đòi ôm và cứ nắm tay chị Thủy đòi đi chơi. Còn em Nịnh Văn Lợi, 15 tuổi, bị khuyết tật vận động, chân tay còng kèo, co quắp lại, chỉ nằm một chỗ xem ti vi... Hỏi thăm Lợi, em nói từng câu đầy khó nhọc: “Em vào đây từ năm 2022. Vào đây em được các cô yêu thương, cho ăn uống đầy đủ, đúng giờ như là ở nhà”.
Nhiều đối tượng ở đây đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Bà Nguyễn Thị Trường, 84 tuổi đến Trung tâm từ năm 2003, đến giờ được 21 năm rồi. Bà Trường chia sẻ, lúc mới đến bà thấy buồn chán vì xa dân làng, được các cô động viên nên bà dần quen. Đã nhiều cái tết trôi qua, bà coi trung tâm là nhà, cán bộ là con cháu. Ở đây, bà được Nhà nước, các cô cán bộ chăm nom đến nơi đến chốn. Ốm nặng được đi viện. Ốm ít thì được thuốc men. Ăn uống đầy đủ, không thiếu gì. Trung tâm còn tổ chức hoạt động kỷ niệm và tặng quà cho người cao tuổi nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi 1-10. Với hoàn cảnh của mình, đến đây được như thế này là bà thấy may mắn và thoải mái lắm.
Ấm áp những tấm lòng
Trung tâm hiện có 15 cán bộ, nhân viên. Với chức năng là chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý các đối tượng không nơi nương tựa, yếu thế của xã hội, cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn nỗ lực đảm bảo các quyền lợi thiết yếu cho các đối tượng đang sinh sống ở nơi đây như: bữa ăn đủ vi chất dinh dưỡng, cấp phát đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho cuộc sống hàng ngày; hướng dẫn các đối tượng tập luyện thể dục, vật lý trị liệu để nâng cao sức khỏe; tổ chức các hoạt động để các đối tượng được sống vui, sống khỏe, sống có ích. Ngoài ra, Trung tâm còn có bộ phận y tế để đảm bảo sức khỏe cho các đối tượng.
Chị Hà Thị Nga, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em vào làm tại Trung tâm đã được 15 năm. Chị chia sẻ, có những cháu bị bỏ rơi khi mới lọt lòng trước cổng Trung tâm, trước cổng Chùa, được đưa về Trung tâm trong tình trạng rất đáng thương. Các cháu lành lặn, minh mẫn được đưa đi làm con nuôi theo chương trình của Bộ Tư pháp, giờ chỉ còn những cháu bị bại não nằm 1 chỗ, cháu bị hỏng mắt...
Các đối tượng bảo trợ xã hội được sống trong môi trường sạch đẹp ở Trung tâm.
Chúng tôi muốn bù đắp cho các cháu bằng tình thương yêu, coi các cháu như con mình, thay ca nhau chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu; đưa các cháu bị đau ốm đi điều trị dài ngày tại bệnh viện; đưa, đón các cháu lành lặn, khỏe mạnh đi học... nhằm giúp các cháu vượt qua những rào cản của cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng một cách tích cực nhất.
Gắn bó với nghề được 15 năm, chị Nguyễn Thị Hạnh, chuyên viên Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh luôn làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo Trung tâm xây dựng các chương trình kết nối những tấm lòng nhân ái, tổ chức các chương trình từ thiện, giúp các trẻ em nghèo, khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám sàng lọc, được phẫu thuật miễn phí về: Mắt, môi - hàm ếch, tim và di chứng bỏng, vận động...
Chỉ tính riêng năm 2024, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã tiếp nhận trực tiếp và thông qua các chương trình tài trợ trị giá trên 3 tỷ đồng. Trong đó, đã hỗ trợ 111 trẻ phẫu thuật, điều trị các khuyết tật về mắt, môi - hàm ếch, vận động, tim bẩm sinh; trao 1.054 suất quà và tiền mặt, với trị giá gần 400 triệu đồng cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo vượt khó vươn lên trong học tập, trẻ em nghèo học giỏi nhân dịp Tết nguyên đán, năm học mới, rằm Trung thu, bão số 3; phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động các tổ chức khác thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh, với trị giá trên 1,96 tỷ đồng.
Mặc dù các đối tượng bảo trợ xã hội đã được sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước, được chăm sóc và sống trong tình yêu thương của cán bộ, nhân viên Trung tâm nhưng số người cần được bảo trợ xã hội vẫn còn nhiều, có nhiều hoàn cảnh đặc biệt, rất cần sự quan tâm, chung tay chăm lo của toàn xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết