Nỗi lo thiếu người theo nghề
Khác với các loại hình nghệ thuật còn lại, sân khấu phải biểu diễn trước khán giả và tương tác trực tiếp với người xem để đạt hiệu ứng tốt nhất. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xuất hiện và ảnh hưởng sâu rộng hơn một năm qua, hầu hết các sân khấu biểu diễn đều ít "sáng đèn". Đặc biệt, trong năm 2021, đến thời điểm hiện tại, có nhiều nhà hát còn chưa biểu diễn buổi nào phục vụ khán giả.
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, cuối tháng 5 đầu tháng 6 hằng năm là thời điểm vô cùng sôi động của nghệ thuật sân khấu, nhưng năm nay, để tuân thủ và bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, các nhà hát đều ngừng diễn. Trong khi đó, Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng xong chương trình mới cho thiếu nhi là vở nhạc kịch "Bầy chim thiên nga" và đang hoàn thiện vở nhạc kịch "Cuộc chiến vi rút".
Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã chuẩn bị vở kịch xiếc "Biệt đội anh hùng" phục vụ thiếu nhi dịp hè này, nhưng phải tạm gác lại, hy vọng dịch Covid-19 được kiểm soát nhanh chóng để đến dịp Trung thu đem đến khán giả. Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: "Sân khấu dừng phục vụ sẽ thiệt thòi cho khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi. Nhưng nỗi lo lớn nhất là đơn vị không có doanh thu, các nghệ sĩ sẽ khó trụ lại với nghề, sân khấu sẽ mất dần nguồn nhân lực".
Cùng chung trăn trở, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam lý giải, sân khấu phải có nghệ sĩ trẻ biểu diễn mới đáp ứng được nhu cầu khán giả hiện nay. Tuy nhiên, lực lượng này ở các đơn vị nghệ thuật công lập đều đang ký hợp đồng. Thời gian qua, sân khấu không có biểu diễn nên không có doanh thu để trả lương cho họ.
"Gần đây, không chỉ người trẻ mà cả những người có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú hoặc có thành tích và gắn bó nhiều năm với sân khấu cũng rời bỏ nghề. Đáng tiếc là họ xin nghỉ không phải để đến đơn vị nghệ thuật khác mà làm các công việc như bán bảo hiểm, bán hàng, làm nhôm kính... để kiếm sống", Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ lo lắng.
Tìm mọi cách để sân khấu "sống"
Sân khấu muốn "sống" được phải có biểu diễn. Vì vậy, các đơn vị nghệ thuật đã và đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động. Thời gian qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn duy trì cho nghệ sĩ tập luyện vở mới, bảo đảm thực hiện "5K" trong phòng, chống dịch, để sẵn sàng phục vụ khán giả khi dịch được khống chế. Theo Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn, sân khấu trong bối cảnh này cần nhất giữ nghệ sĩ ở lại với nghề, nên các đơn vị phải linh hoạt xoay xở để trả lương cho nghệ sĩ.
Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, đơn vị đã dự phòng để trả lương giữ nghệ sĩ trẻ. Bên cạnh đó, nhà hát đang xây dựng các kênh trên Youtube và TikTok để nghệ sĩ biểu diễn phục vụ khán giả. Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đơn vị thực hiện ghi hình, ghi âm các làn điệu, vở diễn cho công tác bảo tồn. Về giải pháp cho sân khấu sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan đề xuất, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giao cho mỗi nhà hát biểu diễn 10 buổi để tạo đà cho các đơn vị đưa nghệ thuật đến khán giả.
Còn Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đề xuất, thay vì một năm dựng 2 vở như trước đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng mỗi đơn vị nghệ thuật 2 năm thực hiện một tác phẩm công phu, hoành tráng, chất lượng. Tác phẩm hoàn thiện được đưa đến phục vụ cho các đối tượng nhất định như học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp...
Về phía cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết, Cục vừa có kế hoạch gửi các đơn vị nghệ thuật sân khấu để chọn tác phẩm mới, chất lượng phối hợp với các đài truyền hình dàn dựng, ghi hình phát sóng phục vụ khán giả trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết