Các tác phẩm được chọn trưng bày thể hiện trên chất liệu sơn dầu và acrylic, ghi lại cảnh sắc thiên nhiên, sinh hoạt thường nhật của đồng bào các dân tộc ở nhiều tỉnh biên giới phía bắc, với bút pháp hiện thực và phong cách nữ tính, lãng mạn. Tên gọi các tác phẩm cũng rất đặc trưng miền núi, như: Mùa hoa sở, Nắng ấm, Rét Tây Bắc, Bát cơm mùa mới, Dặm về, Mùa hoa cúc đá, Em vẫn tìm con chữ…
Họa sĩ Ðỗ Quyên Hoa tên thật là Phan Thị Hoa (sinh năm 1967, quê Thanh Hóa), hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Bà là nhiếp ảnh gia từng có nhiều năm gắn bó với Tây Bắc, Ðông Bắc, đã ghi lại hàng vạn bức ảnh về đất và người. Với trải nghiệm thực tế và tình yêu sâu sắc dành cho vùng đất này, nữ họa sĩ đã khắc họa nhiều chi tiết tinh tế, riêng có của thiên nhiên và cuộc sống vùng cao, và dần tạo được thương hiệu cá nhân với những hình ảnh về miền núi. Ðỗ Quyên Hoa bắt đầu vẽ tranh khá muộn, sau khi đã thành công ở lĩnh vực nhiếp ảnh và thiết kế thời trang. Chỉ với gần 40 tác phẩm trong vòng hai năm cầm cọ, họa sĩ Quyên Hoa đã nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên của giới chuyên môn. Là cái tên mới mẻ trong làng mỹ thuật, nhưng nữ họa sĩ không ngại thử thách mình với những kỹ thuật vẽ khó, những cách phối mầu ấn tượng. Trong tranh Ðỗ Quyên Hoa, con người sống chan hòa, hồn hậu giữa thiên nhiên. Những con đường nhỏ, những nếp nhà đơn sơ, ruộng nương nơi xa xôi, hiểm trở nhưng vẫn bừng lên sức sống mãnh liệt, đẹp đẽ.
Chia sẻ với khán giả, nữ họa sĩ Ðỗ Quyên Hoa cho biết: "Tôi đã rong ruổi miền núi nhiều lần trong nhiều năm nhưng không thấy chán, chuyến đi nào cũng ngập tràn xúc cảm như lần đầu. Trước đây tôi đã dùng máy ảnh để ghi lại phong cảnh đẹp, cuộc sống lao động và văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cũng từ nhiếp ảnh mà tôi quyết định dấn thân vào hội họa, bởi chỉ chụp ảnh thôi dường như chưa đủ để thỏa đắm say tình yêu mây, núi và con người vùng cao. Vẽ tranh giúp tôi thể hiện được đam mê tột cùng với sắc mầu cuộc sống. Cảm nhận của tranh rất khác với ảnh, nói như trong văn học thì tác giả có quyền hư cấu, sao cho đúng nhất với góc nhìn, với mong muốn của mình. Mỗi nghệ sĩ có cảm nhận riêng về bố cục, về ánh sáng, và tôi vẫn đang tiếp tục học hỏi, rèn luyện nhằm mang tới khán giả những khoảnh khắc độc đáo, sống động nhất của cuộc sống ở vùng cao".
Hầu hết các bức tranh tại triển lãm cá nhân đầu tiên của Ðỗ Quyên Hoa sử dụng gam mầu ấm và tông trầm, như nâu, vàng nâu, nâu đất, đỏ son, hồng sen... nhằm miêu tả những sắc thái đặc trưng nhất của miền núi với ánh lửa, nhà trình tường, bờ rào đá rêu phong, hay những rặng núi trùng điệp, những bụi dã quỳ vàng ươm hay cánh đồng tam giác mạch rực rỡ... Ðề tài trong tranh là cuộc sống giản dị, gần gũi, như em bé mùa đông hây hây má đỏ ở Hà Giang, như khe suối nhỏ nở đầy hoa dại ở Yên Bái, là mùa hồi chín ở Lạng Sơn, là bếp lửa hồng của người Dao ở Lào Cai... Mỗi bức tranh là một câu chuyện riêng về cuộc sống miền núi, mà đáng chú ý, nhân vật trong tranh đa phần là trẻ em và phụ nữ. Bằng sự quan sát tỉ mỉ và cả sự đồng cảm, tác giả gửi gắm vào tranh sự thương mến, tôn vinh những người mẹ, người chị vùng cao cần cù, chịu khó, hay những em nhỏ tuy cuộc sống khó khăn vẫn luôn tươi cười ngây thơ, thân thiện.
Ðến xem triển lãm "Tình biên viễn", nhà báo Hồ Quang Lợi nhận xét: "Có lẽ nhờ thế mạnh của một nhiếp ảnh gia từng lăn lộn nhiều năm ở các vùng đất biên cương, tiếp xúc nhiều với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời và đời sống văn hóa của bà con các dân tộc thiểu số phía bắc, mà Ðỗ Quyên Hoa đã trau dồi cho mình một tình cảm yêu thương thiết tha và cách nhìn đúng đắn. Tranh Ðỗ Quyên Hoa có những chủ thể thật giản dị nhưng thật đáng yêu, khiến người xem quyến luyến với miền biên viễn. Dẫu còn nhiều khó khăn, con người nơi ấy vẫn sống hồn nhiên với sức vươn lên đáng khâm phục".
Cũng trong dịp này, càng ý nghĩa hơn khi họa sĩ, nhà thiết kế Ðỗ Quyên Hoa trao tặng 5.000 suất ăn cho học sinh dân tộc thiểu số miền núi thông qua quỹ Cơm có thịt (còn gọi là quỹ "Trò nghèo vùng cao"), để góp phần cải thiện dinh dưỡng bữa ăn, giúp các em có thêm động lực khi đến trường.
Gửi phản hồi
In bài viết