Toàn diện và mạnh mẽ

- Nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã và đang tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số tại đơn vị, địa phương, quyết tâm hoàn thành mục tiêu nằm trong Top 35 của cả nước về chuyển đổi số vào cuối năm nay.

Triển khai toàn diện

Nghị quyết 48-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây cũng là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền.

Trong thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Các đơn vị, địa phương đã không ngừng nâng cấp hệ thống dịch vụ công cũng như chất lượng phục vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Hiện tỉnh cung cấp 1.941 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Tuyên Quang phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dịch vụ công mức độ 3: 282 dịch vụ, đạt 15%; dịch vụ công mức độ 4: 1.054 dịch vụ, đạt 56%.

Phó chủ tịch UBND huyện Na Hang Nguyễn Trọng Đoan cho biết, bám sát Nghị quyết 48-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, UBND huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương trên địa bàn huyện tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng. UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc chuyển đổi số; phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ giúp việc chuyển đổi số huyện; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện. Cùng với đó, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã, thị trấn; hướng dẫn hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng các xã, thị trấn...

Người dân ứng dụng chuyển đổi số vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Yên, công tác chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Huyện đã nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT Ioffice phiên bản V3.0 lên phiên bản V5.0. Thời điểm hiện tại, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 98%.

Trang bị máy đọc mã QR cho Bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn của người dân đạt tới 99,9%. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện đã áp dụng công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế, nâng cao giá trị hàng hóa. Hiện nay, có 12 sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử DES ĐT…

Nêu cao vai trò, quyết tâm của người đứng đầu

Là một trong những địa phương đi đầu của huyện Chiêm Hóa về chuyển đổi số, xã Tân An đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của xã và các tổ công nghệ chuyển đổi số cộng đồng tại 100% thôn. Xã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa.

Đồng chí Ma Doãn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của nhân dân trong chuyển đổi số. Đến nay, 100% cán bộ, công chức sử dụng email công vụ, tài khoản sử dụng trên các phần mềm dùng chung của tỉnh. 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn đọng văn bản chưa được xử lý.

100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm hơn 25%. Một trong những chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi số là nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số. Việc thực hiện giao dịch điện tử được áp dụng trong thanh toán tiền điện, thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính; thành lập các nhóm Zalo, Facebook tại các tổ liên gia, thôn dân cư…

Để có được những kết quả đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vào cuộc, tiên phong đi đầu trong ứng dụng công nghệ số trong giải quyết công việc.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài do đó, cần có sự quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từng cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân phải luôn sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội; từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị mình, cho cộng đồng và xã hội.

Việc phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số là nhiệm vụ đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, đồng bộ ở các cấp, các ngành, các đơn vị. Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cộng với sự đồng thuận của toàn xã hội sẽ góp phần cho sự phát triển nhanh, bền vững trong việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.

Với sự quyết tâm, nỗ lực cao của người dân, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu sẽ góp phần đưa Nghị quyết 48-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục