Những hệ lụy
Ở Tuyên Quang, hiện có rất nhiều trang web thu hút số lượng lớn các thành viên tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa bởi sự tiện ích của nó, như trang: Hội người tiêu dùng thông minh (pass đồ, xả hàng, săn sale) với 93.854 thành viên; Tuyên Quang review (ăn uống, ngủ nghỉ, sự kiện, tourism, selfie) 48.379 thành viên; đồ ăn vặt Tuyên Quang 27.300 thành viên… Những trang này rất phong phú các sản phẩm, dịch vụ từ thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ gia dụng; đồ mua về mặc không vừa, nhượng bán lại… Chính bởi sự phong phú, tiện ích đó, nên có trang web đã thu hút đến gần 100 nghìn thành viên tham gia.
Chị Nguyễn Phương Chính, xã Thắng Quân (Yên Sơn) phấn khởi cho biết, giờ có nền tảng mạng xã hội rất tiện, mẹ chị đã cao tuổi, thay vì phải đi chợ bán hàng nông sản… thì giờ đây, chị đăng lên mạng xã hội bán giúp mẹ, rất thuận lợi, hàng không bị ế bao giờ.
Shipper giao hàng online đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận thì thương mại điện tử gây ra không ít phiền phức, rủi ro cho người tiêu dùng như giao hàng nhái, hàng kém chất lượng, việc để lộ lọt dữ liệu cá nhân người dùng dẫn đến bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chị Phạm Như Trang ở phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, mặt trái của việc đặt hàng trên các trang thương mại điện tử là rất ít đồ có ngày, tháng, địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng… Nguy hiểm nhất là họ lấy ảnh đẹp trên mạng để quảng cáo, rồi khi giao hàng lại giao đồ có chất lượng, mẫu mã kém xa so với ảnh quảng cáo, nên nhiều lúc, cảm giác như mình bị lừa vậy.
Còn Chị Hoàng Thị Thúy, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cho biết, chị đặt mua 1 chiếc áo trên shoppee, 3 ngày sau, chị thấy shipper gọi điện giao hàng, vừa nhận áo xong, lại có 1 shipper khác gọi điện giao hàng tiếp, vẫn sản phẩm đó. Tìm hiểu chị được biết, chị đã công khai thông tin cá nhân tên, địa chỉ, số điện thoại tại comment mua hàng và 1 cửa hàng khác đã nhanh tay lấy thông tin cá nhân giao cho chị 1 sản phẩm cùng chủng loại trước khi cửa hàng chị đặt kịp giao hàng đến tay người dùng. Đây là một hành vi thiếu văn minh trong kinh doanh thương mại điện tử cần phải được loại bỏ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng sẽ yên tâm mua sắm online hơn khi có các quy định cụ thể của Nhà nước như thông tin của người bán, ngày sản xuất, hạn sử dụng, ngày và nơi cấp phép được công khai… Có như vậy mới hạn chế việc người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngăn ngừa tình trạng bị giao hàng không đúng chủng loại, mẫu mã, chất lượng cũng không biết kêu ai, người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc liên lạc với người bán để đổi trả.
Chị Đinh Thị Thu Hiền (Hiền Debon) 1 địa chỉ kinh doanh mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp uy tín, tin cậy tại TP Tuyên Quang cho biết, livestream bán hàng vẫn còn là 1 hoạt động mới mẻ tại Tuyên Quang. Chị Hiền có tệp khách hàng cao cấp, nên việc livestream của chị chủ yếu giới thiệu không gian dịch vụ Spa để khách hàng có thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Mới đây, việc Chính phủ chỉ đạo siết chặt hoạt động livestream trên nền tảng số theo chị là cần thiết nhằm quản lý tối ưu việc thu thuế, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như hiện nay.
Để quản lý hiệu quả hoạt động thương mại trên môi trường số, tạo môi trường kinh doanh bền vững, lành mạnh, theo đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương, sở tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử. Ngành sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý thông tin định danh các cá nhân lập website bán hàng. Cá nhân kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội phải công khai thông tin cá nhân như tên, địa chỉ liên hệ, số điện thoại và thông tin chi tiết hàng hóa, sản phẩm bán ra, đồng thời cần xây dựng quy chế hoạt động, phân định trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch… từ đó ngành có thể thống kê, giám sát được các hoạt động. Khi người tiêu dùng có yêu cầu, phản hồi, ngành sẽ có biện pháp xử lý tài khoản giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Kinh doanh nói chung và kinh doanh trên môi trường điện tử một cách có trách nhiệm đang là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang Lê Mạnh Thao cho biết, thời gian tới, cục sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh trong sử dụng kênh mua sắm, tiêu dùng thông minh, đặc biệt là xử lý đối với các cơ sở vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức livestream bán hàng nhưng không thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, góp phần minh bạch hóa thị trường thương mại điện tử.
Gửi phản hồi
In bài viết