Các đại biểu cắt băng khai trương trưng bày và tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946 -1954
từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc”.
Việt Bắc trở thành cái nôi của báo chí cách mạng, nơi quy tụ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện lời kêu gọi Toàn dân kháng chiến và tiếp tục sứ mệnh tuyên truyền, đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm từ 1945 đến 1954, nhiều cơ quan báo chí lớn như Đài Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Sự Thật, Cứu Quốc, Độc Lập... kịp thời rút lên Việt Bắc. Cũng tại đây, Hội những người viết báo Việt Nam, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cùng nhiều tờ báo, tạp chí khác đã khai sinh tại đây. Trong khó khăn, gian khổ, báo chí vùng ATK Việt Bắc đã nỗ lực không ngừng, tạo được những dấu ấn tích cực, đóng góp không nhỏ vào trang sử vẻ vang của dân tộc.
Các đại biểu tham quan trưng bày những hình ảnh, ấn phẩm báo chí.
Dịp này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam trưng bày, giới thiệu một số tư liệu ảnh quý, hiện vật quý trong đó có tư liệu lần đầu tiên ra mắt công chúng ở Việt Nam bằng hình ảnh, tác phẩm, hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1946-1954 đã được nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân nghiên cứu kỹ lưỡng. Những ấn phẩm, những hiện vật báo chí có tuổi đời trên 70 năm gắn liền với những câu chuyện làm báo trong rừng, làm báo ở chiến khu…
Nhà báo Thái Duy, nguyên phóng viên Báo Cứu Quốc (nay là báo Đại đoàn kết) tham luận tại hội thảo.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã ôn lại những năm tháng tại chiến khu Việt Bắc, vùng đất gắn với những câu chuyện làm báo, những nỗ lực và hy sinh của một thế hệ nhà báo - chiến sĩ với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Dấu ấn về những năm tháng tại chiến khu Việt Bắc đã và đang tiếp tục để lại những bài học quý giá về nghề báo, về kỹ năng tác nghiệp báo chí trong chiến tranh, trong những hoàn cảnh đặc biệt... Càng gian khổ, càng hiểm nghèo càng năng động sáng tạo.
Gửi phản hồi
In bài viết