Đây còn là dịp để mỗi người dân cảm nhận sâu sắc hơn về “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”; thấu hiểu vì sao suốt chiều dài lịch sử, lớp lớp cha anh sẵn sàng hy sinh tất cả để hiện thực hóa khát vọng dân tộc là độc lập, tự do, văn hiến, hùng cường - giá trị cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước, yếu tố quy tụ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Triệu trái tim hướng về đất Tổ
Nhộn nhịp và náo nức là cảm nhận thường trực trong những ngày này tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Dù không chính thức mở hội để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, song hàng vạn đồng bào vẫn nhất tâm hướng về đất Tổ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai sơn, trị thủy, gìn giữ sơn hà. Từ mọi ngả đường, dòng người liên tục đổ về khu trung tâm di tích, nhưng việc phòng, chống dịch vẫn được thực hiện nghiêm, không có tình trạng chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi… Trong không khí trang nghiêm, thành kính, người người cùng ngưỡng vọng công đức tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, dân tộc trường tồn, quốc gia thịnh vượng.
Không nhớ đã bao lần hành hương về đất Tổ, song ông Nguyễn Trung Kiên (xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vẫn nguyên cảm giác hồi hộp. Ông Kiên cho biết: “Từ sáng sớm 18-4, tôi đã theo đoàn tham quan của làng về lễ tổ tiên tại di tích Đền Hùng. Cả đêm khấp khởi không ngủ được, lại đi bộ hàng cây số, lên xuống hàng nghìn bậc đá tới các điểm dâng hương, nhưng tôi không thấy mệt mỏi. Có lẽ niềm vui về nguồn đã mang đến cảm giác phấn chấn, giúp bản thân quên vất vả”.
Còn chị Trương Thị Hải (xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) chia sẻ: "Tâm niệm bao năm, nay mới có dịp cả vợ chồng, con cái về đất Tổ, để các cháu hình dung rõ hơn về Vua Hùng và cội nguồn đất nước, để rồi sau này có đi đâu cũng biết tổ tông, nguồn cội".
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2021 dù chỉ tổ chức phần lễ, thu hẹp nhiều hoạt động phần hội, song công tác chuẩn bị các điều kiện đón tiếp đồng bào về hành hương, chiêm bái vẫn được triển khai chu đáo.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng, lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự, hỗ trợ đồng bào túc trực dọc Đại lộ Hùng Vương tới khu trung tâm di tích. Ban tổ chức cũng bố trí các chốt y tế để đo thân nhiệt, cung cấp nước sát khuẩn tay và khẩu trang miễn phí cho bà con... Cùng với đó là hệ thống phát thanh trải rộng, luôn nhắc nhở mọi người nêu cao ý thức phòng, chống dịch; bảng điện tử thông báo mật độ du khách để người dân lựa chọn hành trình di chuyển hợp lý, tránh dồn ứ trong cùng một thời điểm, không gian, vừa ngăn chặn nguy cơ về dịch, vừa bảo đảm nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của mọi người.
Tôn vinh văn hóa, khát vọng dân tộc
Hôm nay, mùng 10 tháng Ba (tức ngày 21-4), chính lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Với những người sinh ra và lớn lên dưới mái nhà chung đất Việt, không ai không một lần được nghe về truyền thuyết con Lạc, cháu Hồng và thời đại Hùng Vương lừng lẫy. Dịp Giỗ tổ Hùng Vương là cơ hội để mọi người hiểu thêm về quá khứ kỳ vĩ, cảm nhận sâu sắc về “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” cũng như căn nguyên vì sao suốt chiều dài lịch sử, lớp lớp cha anh hy sinh xương máu để hiện thực hóa khát vọng độc lập dân tộc.
Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang cho biết, để giúp nhân dân thêm cơ hội hiểu về nguồn cội, Ban tổ chức duy trì toàn bộ nghi thức chính trong phần lễ và một số hoạt động phần hội được thực hành nhiều đời nay. “Các hoạt động này không chỉ là minh chứng cho sự trường tồn của lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ, mà còn giúp đồng bào thêm tự hào về nguồn gốc con Lạc, cháu Hồng, tìm thấy ở đó gốc rễ bền chặt, làm nên giá trị trường tồn của dân tộc”, ông Lê Trường Giang nhấn mạnh.
Theo Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Hồng Tung, xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam luôn chứng tỏ là một dân tộc có tính cố kết cộng đồng rất cao, có khát vọng vô cùng mạnh mẽ. Nhìn lại những chứng cứ khảo cổ học từ thời sơ khai của lịch sử dân tộc đến thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, để thấy khát vọng thường trực, cháy bỏng của người dân đất Việt là độc lập, tự do, văn hiến và hùng cường. Đó vừa là tình cảm, vừa là niềm tin duy lý, khơi dậy lý tưởng và ý chí của toàn dân.
Về với đất Tổ hôm nay, chứng kiến sự gắn kết nghĩa đồng bào để càng thấu hiểu nội dung của khát vọng dân tộc được thể hiện, trao truyền qua bao thế hệ. Cũng vì lẽ đó, Giỗ tổ Hùng Vương vẫn mãi là "Quốc giỗ", Đền Hùng vẫn mãi là “Thánh địa linh thiêng” của cả nước, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết, tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa và khát vọng Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết