Nghệ nhân trình diễn dệt thổ cẩm tại chương trình.
Đây là một phần trong dự án Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng.
Dự án này được triển khai thực hiện theo Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trên cơ sở việc sử dụng các di sản văn hóa phi vật thể có tính chất tương đồng của các dân tộc thiểu số, là các di sản có khả năng bảo vệ và phát huy bền vững trong cộng đồng, tạo thành các điểm đến trong hành trình du lịch di sản, ở quy mô vùng, miền hoặc quy mô liên tỉnh, liên vùng.
Dự án lựa chọn các điểm có di sản tương đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng và huyện Đông Giang, Quảng Nam vinh dự được lựa chọn là nơi thực hiện dự án, gắn với hành trình du lịch Quảng Nam-Đà Nẵng.
Điệu múa Tung tung ya yá nổi tiếng của đồng bào Cơ Tu.
Trong khuôn khổ dự án, trong hai ngày 8 và 9/11, Cục Di sản Văn hóa phối hợp các đơn vị chức năng thành phố Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng dành cho đồng bào Cơ Tu tại huyện Hòa Vang.
Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào thực hành tốt hơn và có thêm nhiều kiến thức bổ ích để có thể duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, gắn với làm du lịch tại cộng đồng.
Tại chương trình này, Ban Tổ chức chiếu phim di sản kết nối 2 cộng đồng; Trưng bày hình ảnh về Nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu do cộng đồng tự chụp và các sản phẩm, công cụ của nghề dệt; Trình diễn dệt tại chỗ và múa Tung tung ya yá.
Gửi phản hồi
In bài viết