Hành trình ấy đang được kể lại một cách hấp dẫn tại Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954”, do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tổ chức. Đây là sự kiện thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam (1973-2023).
Du khách tham quan tại Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954”.
Được mệnh danh là trường đại học đầu tiên của cả nước, điểm đến đặc sắc không thể bỏ qua khi tới thăm Hà Nội, ít ai ngờ trong quá khứ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng có giai đoạn hoang phế tới mức bị gọi là “chùa quạ”, thậm chí có nguy cơ bị dỡ bỏ như các chùa Báo Ân, Báo Thiên hay nhiều di tích khác ở Hà Nội, nếu nằm gần không gian hồ Hoàn Kiếm hay khu vực quy hoạch của người Pháp, để nhường chỗ cho những công trình mới khi thực dân đặt ách đô hộ tại Việt Nam.
Không bị dỡ bỏ nhưng nơi đây cũng không được chính quyền thuộc địa lưu tâm. Giai đoạn cuối thế kỷ XIX, Văn Miếu có lúc bị bỏ hoang hoàn toàn, thời điểm khác lại bị tận dụng làm trường dạy thổi kèn hay thậm chí là nơi cách ly bệnh nhân dịch tả. Phải đến năm 1902, khi Viện Viễn đông Bác cổ Pháp được thành lập tại Hà Nội với chức năng nghiên cứu lịch sử văn hóa các nước Đông Dương, những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu của di tích mới được nhìn nhận đúng đắn.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, những nhà nghiên cứu hồi đó đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền tỉnh Hà Đông (nơi Văn Miếu thuộc địa giới hành chính lúc bấy giờ) nỗ lực khôi phục chức năng thờ tự ban đầu cho di tích, đề xuất xếp hạng; đồng thời triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, tôn tạo...
“Thông qua bộ sưu tập gần 100 bức ảnh của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Triển lãm kể lại hành trình bảo tồn Văn Miếu trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước, giúp công chúng hiểu về những công việc đã được thực hiện trong thời gian này; cũng như quyết tâm, nỗ lực không mệt mỏi của những người lãnh nhận cho mình trách nhiệm bảo tồn di sản”, ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.
Chẳng hạn, những bức ảnh tư liệu giới thiệu tại Triển lãm cho thấy do đặc thù các công trình được xây dựng bằng gỗ trong khi khí hậu khắc nghiệt, việc trùng tu Văn Miếu đòi hỏi thực hiện thường xuyên, bởi những thợ mộc, thợ sơn mài, điêu khắc lành nghề, nắm giữ bí quyết, kỹ thuật truyền thống. Vai trò của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp và giới chức Việt Nam lúc bấy giờ là xác định thứ tự công trình ưu tiên sửa chữa, tìm nguồn kinh phí và lựa chọn những thợ thủ công tài hoa… Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp Nicolas FIÉVÉ, chia sẻ: “Thông qua câu chuyện tu bổ, tôn tạo, Triển lãm cho phép chúng ta trở lại quá khứ gần như vẫn còn hiện hữu nơi đây, với hành trình của những con người tham gia vào việc bảo tồn Văn Miếu. Đó là những nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, nhà cầm quyền và cả những người thợ lành nghề… Nhờ họ, di sản đã được trùng tu và gìn giữ cho tới ngày nay”.
Đến với Triển lãm, ông Nguyễn Văn Dũng (chùa Hà, quận Cầu Giấy) chia sẻ, Triển lãm gây xúc động khi tái hiện lại một giai đoạn lịch sử của Văn Miếu, với nhiều câu chuyện mà thế hệ chúng ta sau này ít được biết, qua đó thấy được công lao của các bậc tiền bối trong việc giữ lại cho hậu thế những tài sản vô giá như Văn Miếu.
Triển lãm diễn ra từ ngày 14-2 và mở cửa đến hết ngày 30-4-2023 tại Tiền đường Nhà Thái học của khu di sản. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, với định hướng trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục và không gian sáng tạo của Hà Nội, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử triển khai nhiều trưng bày, triển lãm nhằm phát huy giá trị di tích, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của du khách. Triển lãm đã đáp ứng được mục tiêu trên nhờ ý nghĩa ẩn sau câu chuyện thú vị về hành trình hồi sinh của một di tích tiêu biểu - biểu tượng cho trí tuệ và nền học vấn lâu đời của người Việt.
Gửi phản hồi
In bài viết