Không bao giờ lãng quên
Mỗi độ xuân về, tim ông Trần Bảo Tuấn, thương binh hạng 4/4, tổ 7, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) lại nhói đau. Ông nhớ về đồng đội, những người cùng sinh ra tử với mình đã nằm xuống tại chiến trận biên giới.
Ông Tuấn là chiến sỹ vệ binh, Trung đoàn 567. Thời điểm chiến tranh cam go, ác liệt nhất, đơn vị ông làm nhiệm vụ đánh địch bảo vệ cửa khẩu Tà Lùng, Đèo Khau Chỉa (Cao Bằng). Ông kể, đầu năm 1979, các đơn vị được ăn Tết sớm, thời gian này không khí hết sức căng thẳng. Chúng tôi được lệnh không được rời vũ khí kể cả đi tắm. Khoảng 5 giờ sáng ngày 17-2-1979, ông đang ngủ say sau phiên tuần tra bỗng nghe hàng trăm tiếng rít, nổ của đạn dội xuống Tà Lùng, nhà máy đường, trên các chốt ánh chớp, lửa đạn pháo, hỏa tiễn sáng rực bầu trời biên giới. Chúng tôi được lệnh vác các hòm đạn lên chốt bảo vệ Sở chỉ huy. Sau một ngày giặc tấn công, bản Chu nơi ông đóng quân tan nát, cháy nham nhở và hằn sâu vết xe tăng địch. Ngay sau đó, đơn vị ông được lệnh rút về đèo Khau Chỉa.
Hằng năm, các chiến sỹ biên cương vẫn thường tụ họp, gặp gỡ nhau cùng ôn lại kỷ niệm chiến trường.
Sáng 24-2 tại đèo Khau Chỉa, trời lạnh buốt, các ông đang co ro trong công sự sau đêm trực gác. Trung đội trưởng tên Ngọc gọi chúng tôi lên truyền đạt: “Hôm nay có nhiều khả năng địch sẽ dùng hỏa lực và bộ binh đánh thẳng vào Sở chỉ huy Trung đoàn, tình hình rất căng thẳng. Nói rồi đồng chí đi các đơn vị khác, chừng 30 phút sau, đồng chí trở lại, nói: “Mọi việc đã bố trí xong, ngoài 3 tổ vệ binh còn có một số bộ phận của Đại đội trinh sát, cối 60 hỗ trợ, bây giờ chỉ chờ bọn chúng”.
“Đồng chí Ngọc đưa mắt quan sát toàn trận địa xong đến gần bảo tôi và một đồng chí tên Vượng cùng hút thuốc lào. Vừa hút thuốc anh vừa kể chuyện gia đình. Lát sau anh bảo tôi và Vượng đào thêm một hố cá nhân. Chúng tôi đang đào công sự cách anh khoảng 5m bỗng nghe hét to... “pháo kích”. Hàng chục quả pháo, hỏa tiễn quất thẳng vào miệng hang. Đợt pháo đó đồng chí Ngọc hy sinh, còn lại hầu hết bị sức ép pháo và bị thương, trong đó có tôi - ông Tuấn kể.
CCB Đỗ Đình Vinh, tổ 11, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) từng là chiến sỹ đặc công, nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị bộ binh bảo vệ dải biên cương Tràng Định (Lạng Sơn). Đơn vị ông Vinh được giao nhiệm vụ tổ chức luồn sâu trong lòng địch, nắm các trận địa, địa điểm đóng quân, kho tàng và tìm cách phá hủy. Trong 5 năm tham gia chiến đấu, ông Vinh trực tiếp tham gia 4 trận đánh ác liệt: trận đánh chặn địch tại đèo Bông Lau để dân ta sơ tán, bảo vệ khu vực Ngã Ba Đỏ Linh - trường cấp Ba, thị trấn Khất Khê và đặc biệt ác liệt nhất là trận đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng khu vực Bình độ 400.
Ông Vinh kể: ngày 11-5-1979, sau 2 giờ pháo binh bắn phá huỷ các khu chiến, địch sử dụng 2 sư đoàn, tổ chức thành nhiều đội, liên tục thay phiên tiến công chiếm lại các điểm cao. Cuộc chiến giằng co quyết liệt giữa ta với địch giành giật nhau từng tấc đất, chiến hào. Đơn vị của ông cùng các đơn vị chiến đấu ngoan cường. Sau 7 ngày quyết chiến sinh tử, địch rút quân.
Những câu chuyện với vô vàn kỷ niệm về chiến trường như trào dâng cảm xúc trong tâm hồn và tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người lính cựu.
Sáng mãi phẩm chất người lính
Rời trận mạc, trở về đời thường, các thế hệ CCB bảo vệ biên cương ngày ấy vẫn giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đem nhiệt huyết, trí tuệ tham gia công tác xã hội, gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất.
CCB Trương Quang Dần, tổ 7, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) khi hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, trở về địa phương, ông tiếp tục được tín nhiệm đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố. Với trách nhiệm người đảng viên và tinh thần vì Nhân dân phục vụ, ông đã cùng BCH Chi bộ lãnh đạo chi bộ đạt nhiều kết quả quan trọng. Tình hình an ninh trật tự của tổ dân phố luôn ổn định, kinh tế, xã hội phát triển, tổ dân phố không có hộ nghèo.
Để có được kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chi bộ, tổ dân phố, theo ông Dần, sự đồng tình, tin tưởng, đoàn kết của tập thể cấp ủy, đảng viên, quần chúng Nhân dân rất quan trọng. Sự tin tưởng và ủng hộ của đảng viên và Nhân dân đã giúp ông hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chi bộ do ông phụ trách luôn là hạt nhân đoàn kết, nơi khơi nguồn các phong trào thi đua yêu nước và là cầu nối của Đảng với Nhân dân tại cơ sở.
Ghi nhận những đóng góp của CCB Trương Quang Dần, tại Chương trình kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 85 năm Ngày thành lập Chi bộ Mỏ Than - Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang vừa qua, CCB Trương Quang Dần vinh dự là 1 trong 95 đồng chí Bí thư Chi bộ tiêu biểu được Tỉnh ủy khen thưởng.
CCB Trần Văn Qua (đầu tiên bên trái sang) thôn Nà Coóc, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) giới thiệu về vườn nhãn trái vụ của gia đình.
CCB Trần Văn Qua sinh ra và lớn lên ở xã Vinh Quang (Chiêm Hóa). Năm 20 tuổi, ông nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Khi xuất ngũ trở về địa phương, gia cảnh nghèo, lập gia đình ông cũng chỉ có duy nhất miếng đất cắm dùi. Vợ chồng ông quyết định chuyển lên thôn Nà Coóc, xã Xuân Quang lập nghiệp.
Vợ chồng ông mua khu đất rộng chừng 1 ha vừa làm nhà ở, vừa trồng cây sả kiếm cơm. Hễ dư chút vốn, ông đều góp lại mua thêm đất sản xuất. Sau hơn 20 năm ở quê mới, vợ chồng ông đã xây dựng được một trang trại khép kín rộng trên 4 ha, với các loại cây, như: sơn, xoan cùng các loại cây ăn quả nhãn, xoài, bưởi da xanh, hồng ngâm, rau màu. Ngoài việc trồng hoa màu, vợ chồng ông làm thêm đậu phụ. Mỗi ngày 2 vợ chồng ông sản xuất 60 kg đậu phụ giao các quán ăn, tạp hóa. Ông Qua bảo, làm đậu tuy vất vả, nhưng bù lại gia đình lãi được bã chăn lợn. Trong chuồng gia đình ông lúc nào cũng có từ 15 - 20 con lợn thịt và lợn mẹ sinh sản, bình quân mỗi năm xuất từ 2 - 3 tấn lợn hơi. Từ một hộ khó khăn, lo ăn từng bữa, đến nay, gia đình ông Qua đã có cuộc sống ổn định, với mức thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm.
Tinh thần quả cảm, bản lĩnh kiên cường của những người lính Cụ Hồ đã trở thành “cây cao, bóng cả” cho thế hệ trẻ noi gương. Những đóng góp của họ đã và đang góp phần xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Gửi phản hồi
In bài viết