Đam mê sáng tạo

- Thích thú tìm tòi, học hỏi, lại được truyền lửa từ những giờ học STEM trên lớp, các em Thăng Minh Tú, lớp 9A1 và Trần Lê Mai Phương, lớp 8A1, trường THCS Ninh Lai (Sơn Dương) ngày càng đam mê sáng tạo. Dự án “Ứng dụng công nghệ AI vào hỗ trợ giao tiếp với người khuyết tật mất khả năng nghe, nói, nhận diện người thân, hỗ trợ di chuyển cho người khiếm thị” được trao giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh Trung học vào đầu năm 2025 là phần thưởng cho nỗ lực, đam mê của hai học sinh dân tộc Sán Dìu. Đây cũng là 1 trong 3 dự án được tham dự vòng thi cấp Quốc gia.

Cùng nhau vượt khó

Minh Tú sinh ra trong gia đình bố mẹ đều làm ruộng, còn Mai Phương đang ở cùng bà nội bởi bố mẹ em phải đi làm công nhân ở tận Bình Dương. Ý thức được sự vất vả của cha mẹ, của bà, ý thức được cuộc sống gia đình còn thiếu thốn, khó khăn, hai em luôn chăm chỉ, tự giác trong học tập.

Nhiều năm liền, Tú đều là học sinh khá, giỏi. Em yêu thích môn Địa lý. Năm học 2024 - 2025, em đã đạt học sinh giỏi cấp huyện môn học này.

Thầy giáo Nguyễn Đức Tân hướng dẫn Tú và Phương viết ngôn ngữ lập trình cho Dự án

Phương cũng là học sinh giỏi nhiều năm liên tiếp. Em đặc biệt có “duyên” với các giải thưởng ở Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng các cấp hàng năm. Năm học 2022 - 2023, em đoạt giải Khuyến khích cấp trường Dự án “Hệ thống báo động trong nhà”. Năm học 2023 - 2024 em đoạt giải Ba cấp trường Dự án “Hệ thống điều khiển các thiết bị điện trong nhà qua điện thoại thông minh”. Dự án “Hệ thống tưới thông minh trong sản xuất nông nghiệp” đoạt giải Nhì tại 2 Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp huyện và cấp tỉnh.

“Bước vào lớp 6, năm nào em cũng thấy nhà trường cũng tổ chức Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường. Em được thấy các anh chị, các bạn đưa ra những ý tưởng rất hay nên về nhà em đã tìm tòi, học hỏi. Những kiến thức còn thiếu em tìm đến thầy cô giảng dạy. Ngọn lửa đam mê sáng tạo của em cứ thế được thắp lên lúc nào chẳng hay”. - Minh Tú chia sẻ.

Còn với Mai Phương: “Những giờ học STEM trên lớp và ngoại khóa và nhiều bài tập thực hành sáng tạo ra các sản phẩm ứng dụng vào các tiết học của thầy cô khiến em say sưa, ấn tượng. Khi về nhà em lên mạng tìm hiểu, mày mò nghiên cứu thêm trong sách về các ý tưởng. Cứ thế niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật của em ngày càng “bùng cháy”. Cuộc sống của em đã có nhiều khó khăn. Em luôn cố gắng học tập thật tốt để bà nội vui lòng, bố mẹ ở xa yên tâm làm ăn. Em mong muốn sáng tạo ra được các đồ dùng, sản phẩm hữu ích cho cuộc sống hàng ngày, giúp cho mình và cho mọi người vơi bớt khó khăn, vất vả”.

Những đam mê được thầy cô thắp sáng, vun đắp giúp Tú và Phương cùng  tham gia các cuộc thi và giành được giải cao. Tháng 1-2025, Dự án: “Ứng dụng công nghệ AI vào hỗ trợ giao tiếp với người khuyết tật mất khả năng nghe, nói, nhận diện người thân, hỗ trợ di chuyển cho người khiếm thị” của hai em đã giành 2 giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp huyện và cấp tỉnh dành cho học sinh Trung học. Đây là 1 trong 3 dự án của tỉnh được dự thi vòng Quốc gia và được công bố trên Tạp chí Khoa học ngành Giáo dục.

Dự án nhân văn vì cộng đồng 

Cơ duyên để Phương và Tú nghiên cứu dự án này, là bởi Phương có một người bạn thân bị câm điếc bẩm sinh từ tiểu học. Những năm qua, dù có chiếc máy trợ thính là người đồng hành nhưng bạn vẫn không nghe rõ. Bạn nói chuyện với bố mẹ và bạn bè qua cử chỉ, ký hiệu, ánh mắt. Đôi khi đó cũng là rào cản khiến nhiều khi Phương và bạn không  hiểu hết được ý tứ của nhau. Điều đó luôn khiến Phương bận lòng.

Sau khi tìm hiểu, Phương biết ở Việt Nam có 7,3 triệu người khuyết tật, trong đó có 2,5 triệu người câm điếc và khiếm thị. Cộng đồng người câm điếc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu là phương tiện để giao tiếp chính. Các thiết bị sáng tạo giúp người khuyết tật giao tiếp được bình thường có nhiều nhưng kích thước cồng kềnh, nhiều dây nối điện, bất tiện khi sử dụng; giá thành đắt; luôn phải đeo găng tay mới có thể giao tiếp được và những đôi găng tay này không thể kết hợp với cử chỉ biểu cảm...

Tú và Phương giới thiệu về Dự án của mình tại Cuộc thi.

Dựa trên những nghiên cứu và tìm hiểu, Phương bàn với Tú lên ý tưởng, phác thảo nội dung của ứng dụng trên giấy. Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Đức Tân, sau gần 1 năm miệt mài, phần mềm “Ứng dụng công nghệ AI vào hỗ trợ giao tiếp với người khuyết tật mất khả năng nghe, nói; nhận diện người thân, hỗ trợ di chuyển cho người khiếm thị” đã “ra đời”. Đây là ứng dụng hoàn toàn mới, tiện lợi, dễ sử dụng. Nếu được công bố trên các nền tảng, người dùng chỉ cần tải ứng dụng miễn phí thông qua App Store hoặc CH Play và sử dụng giao tiếp với người khuyết tật ngay trên điện thoại thông minh. Ứng dụng sử dụng AI nhận diện cảm xúc khuôn mặt, cử chỉ tay, giúp người dùng chuyển đổi giọng nói thành ngôn ngữ ký hiệu và ngược lại. Ứng dụng có thể sử dụng đa ngôn ngữ, hỗ trợ người mất khả năng nghe, nói giao tiếp được với người nước ngoài.

Hiện tại ứng dụng có 2 chức năng chính là: dành cho người khiếm thị và dành cho người mất khả năng nghe, nói. Đối với người khiếm thị, hai em đã nghiên cứu và phát triển bên trong có 4 chức năng là: quay số thường, quay số có trong danh bạ điện thoại, nhận diện người thân trong gia đình và dò đường đi kết hợp cảnh báo vật cản. Đối với người mất khả năng nghe, nói, hai em đã triển khai 3 chức năng. Với chức năng dành cho người bình thường: khi ứng dụng nhận được lời nói sẽ chuyển từ ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ ký hiệu. Ứng dụng đã giúp cho người bình thường giao tiếp dễ dàng hơn với người mất khả năng nghe và nói. Tương tự như vậy đối với chức năng giao tiếp từ, giao tiếp câu. Ứng dụng đã vận dụng AI nhận diện cảm xúc khuôn mặt, cử chỉ tay để chuyển thành ngôn ngữ nói hằng ngày. 

Thầy giáo Nguyễn Đức Tân chia sẻ: Tú và Phương còn nhỏ tuổi, với hiểu biết về ngôn ngữ lập trình còn hạn chế nhưng các em đã lựa chọn Dự án hướng tới cộng đồng. Khi các em đặt vấn đề về việc thực hiện Dự án, tôi rất tán thành, nhiệt tình hướng dẫn. Tôi đánh giá cao sự chủ động, ý thức trong quá trình thực hiện Dự án của hai em. Dự án đã được triển khai thực nghiệm tại trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn tại Hà Nội (một trong những trường hàng đầu về dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh khuyết tật) đối với 300 học sinh. Đồng thời, thực nghiệm dự án ở tại địa phương với gia đình có người thân bị mất khả năng nghe, nói. Dự án đã được nhà trường, người dùng đánh giá cao. Đây là Dự án nhân văn, hy vọng Dự án của các em sớm được triển khai sẽ trở thành “cầu nối” phá bỏ mọi rào cản ngăn cách người bình thường giao tiếp với người khiếm thị và câm điếc.

Thu Hương

Tin cùng chuyên mục