Tuyên Quang: Đổi mới hoạt động chăm lo nạn nhân da cam - Bài 3: Khát vọng cống hiến

- Những nỗi đau, di chứng da cam hiện hữu trên thân thể và tinh thần các nạn nhân khó nói hết bằng lời. Thay vì chấp nhận số phận nghiệt ngã, nhiều tấm gương đã nỗ lực vươn lên bằng khát vọng sống. Họ luôn tâm niệm “được sống trên đời là một món quà và phải biết trân trọng món quà đó”.

Bài 1: Xã hội hóa chăm sóc nạn nhân da cam

Bài 2: Vượt lên từ tinh thần người lính

Bất khuất tinh thần người lính…

Đã hơn 40 năm chiến tranh qua đi, nhưng nỗi đau da cam thì vẫn dai dẳng còn đó, hiện hữu trong cuộc đời và mái nhà của những người lính may mắn trở về sau chiến tranh. Song bằng khối óc và nghị lực sống mạnh mẽ, những người lính ấy đã phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực từng ngày vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho xã hội. Họ đã trở thành tấm gương sáng tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho những người cùng cảnh ngộ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thì toàn tỉnh hiện có hơn 350 hội viên tích cực phát triển kinh tế với nhiều mô hình như: trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trồng rừng…Mức thu nhập từ 100 triệu đồng đến 400 triệu đồng/năm. Nhiều hội viên tích cực học hỏi khoa học kỹ thuật, làm giàu, tìm hướng đi mới, giúp đỡ các hội viên khác thoát nghèo.

Ông Hà Kim Lành, thôn Nà Lá, xã Xuân Quang (Chiêm Hoá) phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu sinh sản.

Có thể kể đến tấm gương của nạn nhân Hà Kim Lành, dân tộc Tày tại thôn Nà Lá, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa). Năm 1968, ông trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Đến năm 1975, sau chiến dịch Hồ Chí Minh, ông phục viên và được hưởng chế độ phục viên. Trở về địa phương, ông đã tham gia giữ nhiều chức vụ tại xã, thôn như xã đội trưởng, bí thư chi bộ, tổ trưởng của thôn, chi hội trưởng hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thôn Nà Lá… Mặc dù chịu nhiều nỗi đau do ảnh hưởng của chất độc da cam như sức khỏe yếu, người con gái thứ 2 mất sớm do mắc bệnh hiểm nghèo, thế nhưng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, ông đã nỗ lực vượt khó, trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế. Ông Lành chia sẻ, năm 2.000 ông mạnh dạn phát triển kinh tế rừng. Đến nay gia đình ông có hơn 10 ha rừng keo, đã cho khai thác 3 lần. Mỗi đợt khai thác cho thu từ 400 đến 600 triệu đồng. Sau khi có được vốn ban đầu, ông tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, mở rộng phát triển kinh tế bằng việc đầu tư 1.000 mmặt nước để nuôi trồng thủy sản, mua 2 con trâu sinh sản và 10 con dê. Đến nay, kinh tế gia đình ông tương đối khá giả, ông trở thành tấm gương hội viên lao động sản xuất giỏi được nhiều đồng đội cảm phục.

Mang trong mình nhiều bệnh tật do di chứng của chất độc da cam/dioxin, nhưng ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Xuân Vân (Yên Sơn) luôn nỗ lực, trở thành tấm gương cho nhiều người học tập. Nhiều năm cần cù, gắn bó với ruộng vườn nhưng kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, sau khi tìm hiểu, nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương phù hợp với trồng bưởi Diễn, ông Vinh quyết định tận dụng diện tích đất đồi của gia đình sang trồng bưởi. Lúc đầu ông đưa vào trồng 130 cây bưởi, nhờ sự cần mẫn, chịu khó học hỏi kỹ thuật chiết cành, gieo trồng, chăm sóc, từ 130 cây bưởi ban đầu, đến nay trên diện tích 2,3 ha đất đồi ông Vinh đã trồng được khoảng 600 cây bưởi. Bao gồm các loại như bưởi Soi Hà, bưởi da xanh, bưởi Diễn.... cho thu hoạch đạt 4 vạn quả/ năm và được bán tại vườn với giá từ 12 đến 15.000 đồng/quả, mang về nguồn thu từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.


Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Xuân Vân (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bưởi cho hội viên.

Để cây bưởi không chỉ cho năng suất tốt mà còn phải đạt chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, ông Vinh chia sẻ, người trồng phải theo dõi thường xuyên, tránh để các loại côn trùng, sâu rầy tấn công phá hoại vì bưởi sẽ bị hút hết chất nhựa không cho hiệu quả cao. Đặc biệt là phải phun thuốc cho cây bằng thuốc sinh học định kỳ, vì đây là loại thuốc thân thiện với môi trường; phân bón bằng phân hữu cơ.

Ông Vinh luôn tâm niệm so với đồng đội của mình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ông may mắn hơn rất nhiều vì các con, các cháu không bị di chứng của chất độc hóa học. Với vai trò là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ông Vinh đã phối hợp với các đoàn thể triển khai các biện pháp giảm nghèo; định hướng hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế sao cho hiệu quả.

Hội viên Trần Văn Bình, thôn Soi Hà nói: “Trước đây vì thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn nên nhiều lần tôi gặp thất bại trong phát triển cây ăn quả. Năm 2017, được ông Vinh  hỗ trợ tư vấn kỹ năng, kinh nghiệm, cây giống nên gia đình tôi đã xây dựng được mô hình cây ăn quả, bao gồm 400 gốc bưởi, cam và chanh. Mỗi năm thu nhập hơn 150 triệu đồng”. Năm 2012, Hội có 5 hộ hội viên nghèo, đến nay toàn xã không còn hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc hộ nghèo.

Người thầy bám bản

Năm 1970, ông Nguyễn Danh Giới, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) xung phong lên đường nhập ngũ. Ông thuộc Sư đoàn 968, Đại đội 16, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường B, C. Tháng 12-1976, khi trên cơ thể đã mang nhiều vết thương do mảnh đạn pháo của địch, sức khỏe yếu dần, ông được cho xuất ngũ, chuyển ngành về Bộ Nông nghiệp. Tại đây, ông được cho đi học nghề sửa chữa ô tô tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc. 


Ông Nguyễn Danh Giới hướng dẫn bà con dân tộc Dao thôn 7, xã Tân Tiến (Yến Sơn) sửa chữa máy cày.

Hòa bình lập lại, ông Giới gắn bó với nghề sửa chữa ô tô hơn nửa cuộc đời, nhưng đến năm 2009, khi nhiều bệnh đồng loạt tái phát, sức khỏe yếu dần, vợ con khuyên ông nghỉ ngơi. Rồi ông đóng cửa xưởng sửa chữa ô tô tại tổ 10, phường Nông Tiến, tiếc nuối với gắn bó một thời… Nhưng, với bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt tâm huyết với câu nói “thương binh tàn nhưng không phế”, ông lại tiếp tục nuôi dưỡng tấm lòng cống hiến.

Nghĩ là làm, năm 2010, khi ấy đã 57 tuổi, ông Giới lại cắp sách đi học tại Khoa Sư phạm dạy nghề, Trường Cao đẳng nghề LILAMA-1 Ninh Bình. Sau khi tốt nghiệp, ông xin dạy hợp đồng tại Trường trung cấp nghề Tiến bộ quốc tế Tuyên Quang, các Trung tâm dạy nghề của huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Na Hang và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ - Kỹ thuật Tuyên Quang. Ông Giới vui vẻ nói: “10 năm qua, bà con ai biết đến tôi cũng gọi tôi là thầy, những chuyến đi đến bản làng xa xôi dạy sửa chữa máy nông nghiệp đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc mới…” 

Những ngày thu tháng 9-2020, lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại thôn 7, xã Tân Tiến (Yên Sơn) với 100% học viên là người Dao Thanh Y lại được gặp người thầy cựu chiến binh. Anh Triệu Văn Hoàng, học viên tại lớp học nói: “Thầy Giới giỏi lắm, dạy dễ hiểu lắm. Cái máy hỏng thầy dạy chúng tôi làm được, sửa được. Giờ cắt cỏ, cày bừa chẳng lo máy hỏng nữa rồi!”. Đây chỉ là một trong nhiều lớp học thân thương của thầy Giới. Những ngày tháng bám bản, gắn bó với người lao động nông thôn thiếu thốn đủ thứ. Công việc dạy học cũng gặp nhiều khó khăn khi mỗi lớp đều có nhiều học viên với trình độ văn hóa, độ tuổi khác nhau, rồi cả bất đồng ngôn ngữ khi đa phần học viên là bà con đồng bào dân tộc thiểu số... Không ngại khó, ngại khổ, ông đã đi đến tận những nơi xa xôi như Côn Lôn, Hồng Thái (Na Hang)… Cùng với đó ông chọn cách đơn giản nhất để truyền đạt cho bà con với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, gắn lý thuyết với thực hành … Nhiều học viên đã trưởng thành từ lớp học, gắn bó với nghề để phát triển kinh tế gia đình. 

Anh Nguyễn Văn Trường, thôn Tiến Thắng, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) là một trong những học trò trưởng thành từ lớp học của thầy Giới nói: “Năm 2018, tôi tham gia lớp học sửa chữa máy nông nghiệp được tổ chức tại địa phương. Sau 3 tháng nhận được sự chỉ bảo chu đáo, tận tình, tôi đã chủ động xin số điện thoại để trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm của thầy. Đến nay, tôi đã mở được cửa hàng bán vật tư và sửa chữa máy nông nghiệp. Khi gặp những “ca” máy khó hay nhiều việc, tôi vẫn nhờ thầy giúp đỡ. Dù đã nhiều tuổi nhưng thầy vẫn tận tình xuống tận nơi chỉ bảo và chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm quý báu để giúp tôi nâng cao tay nghề. Cũng nhờ công việc này, nay gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng”. 

Nay đã gần 70 tuổi, sức khỏe giảm sút với nhiều bệnh như suy thận, viêm khớp, mắt mờ, nhưng với phẩm chất giản dị, cần cù của người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông Giới vẫn sống và nhiệt tình cống hiến. Tấm lòng nhiệt huyết của ông không chỉ để lại ấn tượng sâu sắc cho bà con vùng sâu, vùng xa nơi ông đã đi qua mà còn được nhiều anh em chiến sỹ đồng đội cảm phục ghi nhận.   

“Cô gái 10-8”…

Sinh ngày 10-8, đúng với ngày kỷ niệm thảm họa da cam, chị Hoàng Lan Hương, tổ 3, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) lấy luôn nick name của mình là “Hương da cam”. Đối với chị đó là sự chấp nhận, đối mặt với khó khăn của số phận để biết đứng dậy vươn lên.


Chị Hoàng Lan Hương hạnh phúc bên mái ấm gia đình.

Ông Hoàng Chất Lượng, bố chị Hương là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Miền Nam, là thương binh và bị nhiễm chất độc hóa học da cam. Từ bé chị Hương sinh ra, đầu xiêu vẹo, biến dạng, hai tay bị liệt. Lớn lên chị nói ú ớ người mềm oặt, mọi di chuyển đều nhờ vào chiếc xe lăn. Vậy mà thế giới của chị không quẩn quanh, vô vị trong bốn bức tường nhà. Suốt bao năm, chị đã nỗ lực tự mày mò để biết viết, biết đọc, lướt web, vẽ tranh, trồng hoa, thêu thùa, đan lát một cách khéo léo. Tất cả đều nhờ vào đôi bàn chân nhỏ bé, kỳ diệu và một tâm hồn đẹp đầy khát khao, nghị lực.

Ông Lượng kể lại rằng, “Vào năm lên 10 tuổi, vợ chồng tôi nghe tiếng gọi ú ớ từ phía phòng ngủ. Chúng tôi bước vào thấy Hương dùng ngón cái và ngón trỏ (chân phải) viết rõ ràng tên, tuổi từng người thân trong gia đình. Thì ra, mỗi lần bố mẹ dạy các em học, Hương đã lắng nghe rồi ngày ngày tự lấy phấn, bút mày mò làm theo. Dần dà, Hương biết đọc, biết viết, làm phép toán một cách thành thạo”. Từ đó, bao nhiêu tiền trợ cấp thương tật hằng tháng, ông Lượng dành mua sách, báo, giấy bút cho con học ngay trên cái xe lăn.

Vậy là ngày tháng đi qua chị đều cố gắng rèn luyện, học tập. Bằng đôi chân của mình, chị tự mày mò học vẽ, học đan, móc khăn, mũ áo, thêu thùa nhiều kiểu cách. Để làm được những điều đó đối với người bình thường đã khó còn với chị thì khó gấp trăm lần. Chị tâm sự rằng, có lúc đam mê quá mải làm đến mức chân mỏi chuột rút, bàn chân càng co quắp lại, đau đớn. Chưa kể những ngày “trái gió trở trời”, đôi chân tê dại, nghỉ ngơi một lúc lại làm tiếp. Vừa làm vừa động viên mình! Và rồi những tác phẩm ưng ý ra đời khiến chị say mê, nhiệt huyết hơn. Bộ tranh chị thêu kỷ lục nhất là dài hơn 1 mét, rộng 80 phân với tựa đề “Sơn thủy hữu tình”. Tranh có dòng sông, cánh buồm, thác nước và núi… tất cả đều hài hòa, trữ tình và thật đẹp. Tác phẩm được treo ngay tại phòng khách. Chị còn biết vẽ tranh nhưng chị thích nhất là ký họa chân dung. Chị vẽ gương mặt của bố, của mẹ, các em và đặc biệt chị vẽ cả chính mình bằng sự nâng niu, trân trọng.

Hàng xóm thường nói vui rằng, chị Hương là người cập nhật công nghệ thông tin tiến bộ nhất xóm. Cách đây 15 năm chị đã sử dụng thành thạo máy tính, viết email, lướt web. Còn giờ đây bằng chiếc điện thoại Smartphone chị lướt mạng xã hội Facebook, Zalo, đọc báo… tìm hiểu tin tức chia sẻ với mọi người. Chị xem những video hướng dẫn cắt tỉa, thêu thùa, đan móc… để học hỏi và hoàn thiện tác phẩm của mình hơn.


Những chiếc mũ được đan từ đôi bàn chân kỳ diệu của chị Hoàng Lan Hương tặng học sinh vùng cao.

Xem trang Facebook nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ khi được chiêm ngưỡng hình ảnh mà chị đăng tải. Đó là những tác phẩm nghệ thuật do bàn chân chị làm ra: bức tranh thêu, tranh vẽ; chiếc mũ, áo len, giày len nhỏ xinh; bông hoa nghệ thuật được tỉa từ củ quả… Chị viết những tâm sự, sẻ chia đầy ý nghĩa “Luôn hướng về mặt trời, cho dù cuộc đời có tối tăm đến đâu thì ánh sáng của mặt trời vẫn sẽ soi sáng, đem những điều tốt lành đến cho những cuộc đời kém may mắn!”, “Chân ơi mày đừng đùa với tao như thế chứ… tao sẽ không chịu thua đâu, không bao giờ đầu hàng trước nghịch cảnh hay khó khăn!”...

Đặc biệt, chị thường làm hoa, đan mũ len, khăn len… rồi mang tặng mọi người. Những năm gần đây nhờ Facebook chị kết nối với nhiều đoàn thiện nguyện để gửi tặng mũ len cho trẻ vùng cao. Bà Vũ Việt Lan, Trưởng Nhóm Thiện nguyện Hà Nội - Sài Gòn chia sẻ, những năm gần đây Hương thường liên lạc để gửi mũ len đến cho các em nhỏ vùng cao ở Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn... Mỗi lần Hương thường gửi 30 - 40 chiếc mũ len. Đây là những món quà đặc biệt, ý nghĩa từ cô gái khuyết tật giàu lòng nhân ái. Được biết, một chiếc mũ len ban đầu Hương làm mất 1 tuần, giờ đây thao tác quá thành thục, Hương vừa làm vừa nghỉ (vì mỏi chân) nhưng chỉ mất 2 - 3 ngày.

Tâm hồn chị Hương thật đẹp và đầy nghị lực. Ban đầu khi tôi ngỏ ý viết báo, chị một mực từ chối vì nhận thấy những việc mình làm chưa có gì để nói. Thế nhưng khi tôi nhắn tin: “Em mong rằng khi độc giả đọc được câu chuyện của chị, sẽ “lan tỏa”, góp phần thức tỉnh, truyền lửa cho nhiều người. Không chỉ những người khuyết tật mà cả những con người bình thường”. Vậy là, chị đồng ý ngay với hy vọng câu chuyện cuộc đời mình sẽ “truyền lửa”, giúp nhiều người tự tin và nỗ lực, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn!

Đó là những nạn nhân trong số hàng nghìn nạn nhân bị di chứng do chất độc da cam/dioxin của tỉnh, đã nỗ lực vượt qua bệnh tật vươn lên để hòa nhập với cộng đồng. Mỗi người có những cách làm khác nhau để khẳng định bản thân, để ghi dấu ấn trong cuộc đời bởi với họ “được sinh ra trong đời đã là một món quà”.

Bài, ảnh: Giang Lam, Lê Thùy

Tin cùng chuyên mục