Tuyên Quang trước khi bước vào cuộc kháng chiến
So với trước cách mạng, tình hình xã hội Tuyên Quang đã có sự thay đổi căn bản. Cùng với đồng bào cả nước, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã thoát khỏi ách nô lệ, trở thành người dân nước độc lập.
Sau khi có chỉ thị về việc tổ chức phát triển đảng viên “lớp Tháng Tám”, Tỉnh ủy Tuyên Quang đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, kiện toàn các ban: Tuyên huấn, Đảng vụ, Thanh tra, Dân vận, Kinh tế - Tài chính từ tỉnh đến huyện. Tỉnh đã tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính các châu, phủ: Tự Do, Kháng Địch, Hồng Thái, Khánh Thiện, Toàn Thắng, Quyết Thắng, Xuân Trường được lập ra trong khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Theo sự điều chỉnh, lúc đó Tuyên Quang có sáu đơn vị hành chính là các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Yên Bình, Chiêm Hóa, Nà Hang và thị xã Tuyên Quang. Thông qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân xã, huyện, chính quyền nhân dân các cấp được tổ chức củng cố. Đầu năm 1946, toàn tỉnh có 3 chi đội Vệ quốc quân, 1 đại đội cảnh vệ, mỗi huyện có 1 trung đội du kích tập trung, mỗi xã có một trung đội du kích bán thoát ly, thị xã Tuyên Quang có 1 đại đội tự vệ...
Bức tranh vẽ Bác Hồ trong "Tuần Lễ Vàng" được một nhà tư sản yêu nước mua (ngày 23-9-1945) với giá 1 triệu đồng Đông Dương.
Trong tuần lễ vàng tổ chức từ ngày 17 đến ngày 24-9-1945, tỉnh đã quyên được 130 lạng vàng, 7.500 lạng bạc. Nhân dân còn tiếp tục mua một lượng lớn công trái quốc gia và đóng góp “Đảm phụ quốc phòng”, “Quỹ Độc lập”.
Hưởng ứng lời kêu gọi chống giặc đói, nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “tấc đất, tấc vàng”. Chính quyền, đoàn thể vận động, hướng dẫn nhân dân làm thủy lợi, mở rộng diện tích lúa, hoa màu.
Nhằm tạo điều kiện cho nông dân phấn khởi đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện chính sách của Đảng và Chính phủ về ruộng đất. Ở Sơn Dương, những đồn điền của thực dân Pháp và địa chủ phản động được đem chia cho nông dân, mỗi hộ từ 5 đến 8 sào.
Nhiệm vụ chống giặc dốt được đẩy mạnh, các lớp học bình dân lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi tham gia; các lớp học phổ thông bắt đầu được xây dựng.
Bằng những nỗ lực phi thường của người dân, từ đầu năm 1946 trở đi, tình hình xã hội Tuyên Quang ngày càng ổn định, chính quyền cách mạng được giữ vững, ngày càng vững mạnh; nạn đói, nạn dốt bị đẩy lùi một bước quan trọng; sản xuất nông nghiệp được khôi phục và có bước phát triển. Kết quả bước đầu của cuộc đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt có ý nghĩa rất lớn. Nó không chỉ bảo đảm sự ổn định tình hình kinh tế - xã hội mà còn tạo điều kiện thuận lợi xây dựng thực lực để đối phó với giặc ngoại xâm.
Thời gian từ tháng 9-1945 đến trước ngày toàn quốc kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang phát huy mạnh mẽ tinh thần cách mạng, giải quyết tốt những nhiệm vụ trước mắt. Trong hơn một năm đó, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được Tỉnh ủy Tuyên Quang vận dụng sáng tạo vào tình hình cụ thể. Chính điều đó kết hợp với tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, niềm hân hoan được sống trong độc lập, tự do của nhân dân đã tạo nên sức mạnh chuẩn bị cho Tuyên Quang đảm nhận vai trò hậu phương, căn cứ địa hết sức quan trọng sắp tới.
(Còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết